Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Vị doanh nhân "vướng nặng" nghiệp bóng đá

13/11/2014 07:26
Mai Anh
(GDVN) - “Khi ngồi vị trí này (tức chủ tịch VFF) với tôi, nó không chỉ là cái duyên mà còn là “nghiệp”, là dịp để mình cống hiến cho bóng đá nước nhà…”.

"Góc đời" chân thực của Chủ tịch VFF

Mỗi người đều có góc đời tư chỉ đến khi ở cái tuổi xế chiều họ mới bộc bạch. Khi nói ra câu chuyện của mình không phải để than vãn, trách cứ mà là để chiêm nghiệm cuộc đời, nhìn lại những gì đã qua, những gì đã làm được. Với Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng, một người đàn ông đã qua cái tuổi lục tuần cũng không là ngoại lệ.

Cuộc đời vị Chủ tịch VFF được khắc họa qua cuốn sách ảnh “Lê Hùng Dũng - 60 năm với đời” do nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn thực hiện và được đích thân ông Lê Hùng Dũng giới thiệu trước công chúng tháng 3 năm nay. Cuốn sách ảnh đã khắc họa một phần góc đời chân thực của ông Lê Hùng Dũng, người doanh nhân hết lòng với bóng đá Việt Nam.

Ông Lê Hùng Dũng sinh năm 1954, tại tại xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cha đẻ ông là cụ Nguyễn Quyền Sinh, tên thật là Nguyễn Ngọc Lượm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Khi đó nhằm che giấu nhân thân là con của một cán bộ tập kết (ông), trong giấy khai sinh ông được mang họ mẹ.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng một doanh nhân hết lòng với bóng đá Việt Nam
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng một doanh nhân hết lòng với bóng đá Việt Nam

Cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng, một người thân của gia đình ông từng kể: “Anh (Nguyễn Quyền Sinh) có hai con trai, nhưng mang hai họ khác nhau. Đứa con đầu lấy họ của anh - họ Nguyễn, đứa con thứ hai vừa ra đời thì anh xuống tàu đi tập kết, vợ con đều ở lại. Để tránh con mắt soi mói, nhòm ngó của địch nên lấy họ mẹ, họ Lê...”. Người con họ Lê được cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói đến chính là ông Lê Hùng Dũng.

Trong cuốn sách “Lê Hùng Dũng - 60 năm với đời”, ông Dũng viết: “Lúc mới 7-8 tháng tuổi, tháng 8/1954, má tôi bồng tôi và anh tôi xuống thị xã Cao Lãnh để tiễn ba tôi đi tập kết ra Bắc theo Hiệp định đình chiến Genève 1954... gia đình tôi bị mật vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa xếp vào loại gia đình cộng sản, cần theo dõi, quản lý chặt. Vì vậy, khi làm lại giấy tờ khai sinh, má tôi phải khai tôi họ Lê...”. 

Phải 21 năm sau, vào tháng 5/1975, khi đất nước thống nhất, ông Lê Hùng Dũng mới gặp lại cha mình. Đó cũng là thời điểm ông Dũng đang trong quân ngũ.

Ông Lê Hùng Dũng có trình độ cao cấp chính trị, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ Praha Tiệp Khắc. Ông từng kinh qua các chức vụ như Phó Giám đốc nhà hàng Festival; Giám đốc Trung tâm du lịch Thanh niên Việt Nam; Chủ tịch Công ty TNHH MTV Du lịch Thanh Niên Việt Nam; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC); từ năm 2010 đến nay ông là Chủ tịch HĐQT Eximbank. Ông từng tham gia nhiều nhiệm kỳ tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), trong đó có hai nhiệm kỳ giữ vai trò Phó Chủ tịch tài chính.

Ngày 25/3/2014 tại Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Na - VFF khóa 7, ông Lê Hùng Dũng đã được bầu vào chiếc ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 2014-2018 với số phiếu tuyệt đối, hai phó Chủ tịch của ông là ông Trần Quốc Tuấn - phụ trách chuyên môn và Đoàn Nguyên Đức - phụ trách tài chính.

Những quyết định nghìn tỷ trong tích tắc

Trước khi ngồi "ghế nóng" tại VFF, ông Lê Hùng Dũng là doanh nhân thành đạt trong ngành du lịch. Sau đó khi nắm giữ vị trí quan trọng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC và Ngân hàng Eximbank, ông Dũng tiếp tục đưa 2 thương hiệu này lên tầm cao mới.

Trong 11 năm trên cương vị lãnh đạo SJC, ông Dũng đã góp phần quan trọng chuyển đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp này, với kỷ lục doanh số đạt 5 tỷ USD vào năm 2011, tăng 50 lần so với 10 năm trước đó. Công ty ông chiếm thị phần 90%.

Ông Lê Hùng Dũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có nhiều thành tích đóng góp cho xã hội từ năm 2008 đến nay
Ông Lê Hùng Dũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có nhiều thành tích đóng góp cho xã hội từ năm 2008 đến nay

Ông Lê Hùng Dũng kể, kinh nghiệm kinh doanh vàng giúp ông đưa ra nhiều quyết định đáng giá hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian tích tắc. Chẳng hạn, cách đây vài năm, khi nhiều ngân hàng vẫn đổ hàng ngàn tỷ đồng tín dụng vào các dự án thép, thì với kinh nghiệm “lướt vàng”, ông đã thấy trước rủi ro nên chỉ đạo siết lại tín dụng. Thời gian sau đó, thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn qua, doanh nghiệp thép nội địa lao đao cạnh tranh không nổi, hàng tồn kho chất đống, nhiều ngân hàng mất vốn, nhưng không có tên ngân hàng ông.

Ngồi ở vị trí Chủ tịch Eximbank 4 năm, không ngắn cũng không dài nhưng ông là người “thuyền trưởng” đầy bản lĩnh khi “lèo lái” con thuyền Eximbank vượt qua những khó khăn về tài chính cả bên trong lẫn bên ngoài. Chính sự thận trọng nhưng không kém phần quyết đoán ông Dũng giúp Eximbank thành công trong thương vụ.

Năm 2011, một ngân hàng nước ngoài muốn thoái vốn tại một ngân hàng nội địa, mức giá chào bán cao hơn mức giá thị trường tới 30%. Đang họp hội nghị sơ kết 6 tháng tại Đà Lạt, ông và HĐQT ngân hàng phân tích và quyết định mua ngay, vì tin ngân hàng là lĩnh vực họ hiểu rõ và thị trường chứng khoán sẽ phục hồi. Hiện nay, nếu thoái vốn theo mức giá thị trường tính cổ tức tiền mặt, cổ tức bằng cổ phiếu đã nhận được, thì ngân hàng ông đã lời khoảng 80%.

…và tình yêu bóng đá mãnh liệt

Tình yêu trái bóng thấm vào doanh nhân Lê Hùng Dũng từ thủa thiếu thời. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Dũng chia sẻ: “Bóng đá, với tôi là trò tiêu khiển hồn nhiên gắn với chúng bạn thuở nhỏ”.

Theo lời kể của ông Dũng, 6 - 7 tuổi ông đá bóng “phủi” với chúng bạn khi bằng bóng nhựa, khi là ruột xe cuộn với lá chuối. Thuở ấy, vì đam mê, chiều chủ nhật nào ông cũng áp tai vào radio nghe một bình luận viên nổi tiếng tường thuật bóng đá, cảm giác như đang ngồi trên sân. Sau năm 1975, trở thành cán bộ đoàn thị xã Long Xuyên (An Giang), ông lập đội tuyển thanh niên thi đấu giao hữu đó đây khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mỗi thời, tình yêu bóng đá trong ông thể hiện một cách khác nhau. Năm 1997, khi Giải vô địch U21 báo Thanh Niên tổ chức lần đầu, lúc này ông đã kinh doanh trong ngành du lịch, ít có thời gian xỏ giầy ra sân, nhưng lại có mối quan hệ, có tầm ảnh hưởng, nên muốn làm chút gì cho bóng đá trẻ. Ông tài trợ và kêu gọi nhiều mạnh thường quân khác ủng hộ giải đấu. Sau giải U21 này, ông được tín nhiệm và tham gia Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Với niềm đam mê trái bóng, dù đương nhiệm vị trí nào, ông cũng nỗ lực kêu gọi các nguồn tài trợ giúp các giải đấu quốc gia có nguồn tài chính ổn định để đội tuyển quốc gia được chăm lo chu đáo. Ông xuề xòa: “Tôi cũng không làm được gì nhiều, do có những người bạn, người ta cũng yêu bóng đá như mình nên tôi kêu gọi và gắn kết anh em ủng hộ cho mấy đứa nhỏ. Có thực thì… bóng mới lăn được chú à”. 

Sự thành công của bóng đá trẻ Việt Nam có công lớn của Chủ tịch VFF ông Lê Hùng Dũng (ảnh đội tuyển U19 Việt Nam)
Sự thành công của bóng đá trẻ Việt Nam có công lớn của Chủ tịch VFF ông Lê Hùng Dũng (ảnh đội tuyển U19 Việt Nam)

Được biết, tại Đại hội VFF nhiệm kỳ 7, ông Lê Hùng Dũng là ứng cử viên duy nhất cho ghế Chủ tịch và được Đại hội thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối 96,6% để trở thành vị Chủ tịch thứ 9 của VFF. Khi nắm giữ vị trí lãnh đạo cao cấp tại VFF, ông Lê Hùng Dũng luôn trăn trở với bóng đá nước nhà. Là một người thẳng thắn, ông đã chỉ ra được những yếu kém của bóng đá nước nhà trong suốt thời gian dài qua, đồng thời ông cũng vạch chiến lược để thay đổi toàn diện nền bóng đá Việt Nam trong thời gian tới.

Nếu mọi người từng biết đến bầu Đức (Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) là một doanh nhân yêu bóng đá “đến cuồng” thì ông Dũng cũng có đam mê mãnh liệt với quả bóng tròn này. Ông từng bắt bắt tay với bầu Đức để đưa Arsenal sang Việt Nam hay đưa “đội bóng trong mơ” U.19 Barcelona sang đọ sức cùng dàn U.19 của học viện Arsenal - Hoàng Anh Gia Lai vào tháng 1/2014. Những điều tưởng chừng như không thể được ông từng bước từng bước thực hiện với niềm tin và đam mê mãnh liệt với bóng đá nước nhà.

Lẽ thường ở đất nước có niềm đam mê bóng đá cháy bỏng như Việt Nam thì Chủ tịch VFF là chiếc ghế hấp dẫn tuy nhiên thực tế thì khác. Chủ tịch VFF tức là chấp nhận vào ghế nóng, sẵn sàng đón nhất cả những tiếng vỗ tay và cả “gạch đá”, búa rìu dư luận. Nhìn vào thực tiễn có thể thấy, bóng đá Việt Nam hiện nay còn khá nhiều điểm yếu kém, thực chất bóng đá nước ta đang trong giai đoạn quá độ từ bóng đá bao cấp sang bóng đá thị trường, mang danh chuyên nghiệp hơn 10 năm qua nhưng bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. 

Năm 2013 - thời gian trước thềm Đại hội Khóa 7 VFF, bóng đá Việt Nam xảy ra vô số sự cố, đặc biệt ở giải vô địch quốc gia V-League 2013: Từ chuyện câu lạc bộ giải thể, tiêu cực trong công tác trọng tài… nên khi trúng cử vị trí Chủ tịch VFF, người thân cũng như gia đình ông Lê Hùng Dũng không khỏi lo lắng cho ông.

“Khi tôi ngồi vào vị trí này (tức vị trí Chủ tịch VFF), người nhà ban đầu cũng lo lắng và khuyên can dự lắm vì sức khỏe. Bạn bè thì nói: “Ngồi ở đó là lên đầu sóng ngọn gió, nghĩ cho kỹ đi”. Nhưng đối với tôi, nó không chỉ là cái duyên mà còn là “nghiệp”, là dịp để mình cống hiến cho bóng đá nước nhà. Chứ lớn tuổi rồi, ham chi nhiều chức, nhiều danh”, ông Lê Hùng Dũng tâm sự.

Trong ban lãnh đạo VFF mới, có thể thấy 2 gương mặt doanh nhân tiêu biểu có chung tình yêu với bóng đá Việt Nam là ông Lê Hùng Dũng và Chủ tịch Tập đoàn HAGL ông Đoàn Nguyên Đức. Với ban lãnh đạo mới và dấu ấn cá nhân ông Lê Hùng Dũng không khí của bóng đá Việt Nam đã có dấu hiệu chuyển biến tốt, bước đầu đi theo định hướng mới, bài bản của một nền bóng đá sạch, tuyệt đối chống tiêu cực và bạo lực sân cỏ để nâng cao đạo đức bóng đá đã có hiệu quả. 

Việc ông quyết định mời huấn luyện viên người Nhật Toshiya Miura dẫn dắt Đội tuyển Olympic Việt Nam cũng là một quyết định táo bạo mang đậm dấu ấn cá nhân ông Lê Hùng Dũng trên chiếc “ghế nóng” chủ tịch VFF. Nhưng chỉ vài tháng huấn luyện, Đội tuyển Olympic đã thay đổi rõ nét, thể lực tốt hơn, chiến thuật hợp lý, lối đá sinh động và đã mang về chiến thắng thuyết phục 4-1 trước đội Iran để tiến sâu tới vòng 16 tại Asiad 17. Kế tiếp là thành công vang dội của Đội tuyển U19 trước U19 Hàn Quốc, rồi Đội tuyển Nữ cũng thu được thành quả đáng phấn khởi trong thời gian vừa qua tại đấu trường quốc tế.

Nhưng điều đáng ghi nhận nhất là mới đây VFF đã kết hợp với Tập đoàn truyền thông Thanh Niên tổ chức giải bóng đá U21 Quốc tế cúp Báo Thanh Niên tại Cần Thơ đã tạo nên sinh khí mới cho bóng đá từ lâu đã rất tẻ nhạt. Tại sân vận động Cần Thơ, 50.000 chỗ ngồi đã “cháy vé” khi diễn ra trận chung kết giữa U21 Thái Lan và U19 HAGL, với chiến thắng thuộc về U19 HAGL đã tạo một không khí tưng bừng đối với người hâm mộ khu vực miền Tây đã kéo nhau trở lại sân cỏ đã nói lên một nền bóng đá hấp dẫn đang hồi sinh.

Với tình yêu trái bóng mãnh liệt với tín hiệu đáng mừng vừa qua chắc chắn dưới sự điều hành của ông Lê Hùng Dũng trong nhiệm kỳ VII, bóng đá Việt Nam sẽ nâng tầm cao mới xứng đáng với kỳ vọng của người hâm mộ cả nước.

Mai Anh