Chủ tịch nước yêu cầu rà soát vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

10/05/2014 09:17
NHẤT NGÔN
(GDVN)- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn nêu rõ yêu cầu của Chủ tịch nước, gửi tới các cơ quan pháp luật hữu quan.

Theo đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo trên cơ sở đó xác định tội danh và quyết định mức hình phạt theo đúng luật định, xét xử công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để sót người, lọt tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Huỳnh Thị Huyền Như (áo hồng) tại phiên xử sơ thẩm.
Huỳnh Thị Huyền Như (áo hồng) tại phiên xử sơ thẩm.

Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ và đầy đủ những vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào, có hình thức xử lý tương xứng, đáp ứng kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân, có tác dụng tốt trong việc răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, trong đó có tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và làm cho kinh tế-xã hội phát triển lành mạnh hơn. 

Đây không chỉ là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam, mà còn là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất tại Việt Nam trong thời gian qua với số tiền chiếm đoạt trên 4.000 tỷ đồng và số tiền có nguy cơ không thu hồi được là trên 3.000 tỷ đồng.

Ngày 27/1, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.Hồ Chí Minh kết thúc xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản," “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “cho vay nặng lãi".

Ngay sau đó, xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về bản án mà Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên Huyền Như tù chung thân và 22 bị can khác với mức án từ 1 - 15 năm tù. Đặc biệt là việc cần làm rõ số tiền trên 3.000 tỷ đồng có nguy cơ mất trắng đã đi đâu và đề nghị xem xét lại tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như chỉ lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay là tham ô. 

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng bản án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa công bằng, nghiêm minh và chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế.

Nhiều bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án này có đơn kháng cáo. Viện KSND TP.Hồ Chí Minh cũng có kháng nghị phúc thẩm. Hiện nay, TAND Tối cao đang xem xét, giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm. 

Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân.

Cụ thể, Huyền Như và đồng bọn đã dùng các hợp đồng giả và chữ ký giả huy động vốn với lãi suất cao hơn quy định từ 8% đến 10% /năm khiến chỉ riêng 3 công ty là Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên bị lừa với số tiền lên tới gần 1.600 tỷ đồng. 

Đặc biệt, từ tháng 5/2010 - 11/2011, với thủ đoạn này, Huyền Như cũng đã chiếm đoạt gần 719 tỷ đồng của ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM. 

Ngoài ra, Huyền Như đã dùng chữ ký giả, dấu giả lập các lệnh chi, chứng từ chuyển tiền, rút tiền chiếm đoạt 210 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Chứng khoán Saigonbank-Berjaya và trên 550 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc.

Huyền Như đã đầu tư cổ phiếu với khối lượng rất lớn trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, từ tháng 5/2010 đến thời điểm khởi tố vụ án vào cuối năm 2011, TTCK giảm nhiều hơn tăng, càng đầu tư lớn, càng lỗ nặng, cộng với áp lực trả lãi với lãi suất trên 25%/năm, nên để có tiền chơi và trả khoản thua lỗ, Huyền Như đã buộc phải dùng các thủ đoạn lừa đảo nói trên để chiếm đoạt tiền của các khách hàng.

NHẤT NGÔN