Chưa phát hiện hóa chất độc hại trong gạo

09/09/2013 09:29
Ngọc Luân
(GDVN) - Gạo, lương thực chủ lực của người Việt Nam, gần như bị buông lỏng công tác quản lý chất lượng trong suốt một thời gian dài...

Ngày 8/9/2013, ông Nguyễn Văn Đức Tiến - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết, tuần qua Chi cục đã lập đoàn thanh tra đột xuất hoạt động xay xát, sơ chế, đóng gói gạo của 6 cơ sở tại TP.HCM, nhưng không phát hiện việc sử dụng hóa chất độc hại  trong sản xuất gạo.

Chi cục đã lấy 12 mẫu gạo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh gạo trên gửi đến các phòng kiểm nghiệm phân tích. Kết quả, 12/12 mẫu không phát hiện hoạt chất Deltamethrine và Benzoylperoxide.

Ong Nguyễn Văn Đức Tiến - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết, không phát hiện việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất gạo.
Ong Nguyễn Văn Đức Tiến - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết, không phát hiện việc sử dụng hóa chất độc hại  trong sản xuất gạo.

Riêng hoạt chất Calciumperoxide, theo đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố các phòng kiểm nghiệm không nhận phân tích do chưa có phương pháp thử hoặc không có chất chuẩn. Hiện, đơn vị này đang tiếp tục liên hệ với các phòng kiểm nghiệm được chỉ định khác để phân tích chỉ tiêu của hóa chất này.
Được biết, trước đó đã xuất hiện thông tin trên một số tờ báo về việc nhiều nhà máy xay sát ở TP.HCM đang dùng hóa chất bị cấm ở nhiều nước để khiến gạo trắng hơn, thổi cơm nở gấp đôi, biến gạo mốc trở nên trắng thơm…

Tuy nhiên, ông Tiến cho biết, sắp tới Chi cục sẽ  đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát mặt hàng gạo và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên.

Trong khi nhiều loại thực phẩm thiết yếu như rau quả, thịt… đã có được sự kiểm soát nhất định về mặt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (dù chưa chặt chẽ), thì đáng ngạc nhiên là gạo, loại lương thực chủ lực của người Việt Nam, thì lại gần như bị buông lỏng khâu kiểm soát chất lượng trong suốt một thời gian dài.

Deltamethrine: là chất được sử dụng trong phòng trừ sâu trên lúa và khử trùng kho, chất này được EU cho phép sử dụng đối với gạo trong giới hạn 2mg/kg.

Benzoyl peroxide là chất tẩy màu, chất xử lý bột được Bộ Y tế và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng đối với sản phẩm bột mì là 75mg/kg, còn các sản phẩm nước sữa sau khi đã cô đặc sữa ở dạng khô hoặc lỏng là 100mg/kg.

Calcium peroxide cũng được Cục Quản lý thực phẩm, dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng trong giới hạn nhất định.

Ngọc Luân