"Cơ quan điều tra cần vào cuộc vụ quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa"

08/08/2018 06:25
Kiến Văn
(GDVN) - Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng đây là sự việc rất xấu xí, làm xấu hình ảnh của cơ quan nhà nước và cần phải xử lý nghiêm túc.

Thời gian vừa qua, nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin về việc lập “quỹ đen”, thu chi trái quy định pháp luật tại Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông Vận tải).

Liên quan đến sự việc này, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tiền “quỹ đen” thu được từ các hoạt động trúng thầu chia cho nhiều hoạt động và cá nhân có liên quan. Mỗi công ty trúng thầu dự án do Cục đường thủy nội địa làm chủ đầu tư phải nộp lại từ 6-20% giá trị trúng thầu. (1)

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã lập đoàn thanh tra vào cuộc làm rõ những nội dung báo chí phản ánh. 

Để phục vụ cho quá trình thanh tra, Cục Đường thủy nội địa đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 3/8) đối với ông Vũ Mạnh Hùng - Quyền Trưởng phòng Kế hoạch - đầu tư và ông Nguyễn Xuân Hồng là chuyên viên phòng Kế hoạch - đầu tư. (2)

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Đại biểu Quốc hội khóa 13 đánh giá, qua thông tin báo chí nêu thì đây là một vụ tiêu cực vô cùng nghiêm trọng, Bộ Giao thông Vận tải cần phải làm rõ, xử lý rốt ráo, minh bạch trước công luận.

“Cục này có nhiều dự án liên quan tới nạo vét lòng sông và không phải tới bây giờ mới có thông tin về tiêu cực ở đơn vị này mà đã có lời xì xào trong dư luận từ trước đây rồi.

Qua sự việc này, tôi thấy rằng công tác quản lý của cơ quan nhà nước còn rất lỏng lẻo, có nhiều kẽ hở để cán bộ lợi dụng. Từ thông tin tiêu cực ở Cục này, dư luận cũng đã đặt ra câu hỏi: Liệu rằng ngoài Cục đường thủy nội địa thì còn đơn vị nào khác tiêu cực như thế không? Vấn đề này phải làm rõ để trả lời cho dư luận biết.

Chính vì vậy, qua sự việc này tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm và phải có cuộc thanh kiểm tra cho toàn Cục đường thủy nội địa, chứ không thì sẽ tạo dư luận không tốt. Dứt khoát cán bộ làm sai phải bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, như vậy thì mới răn đe được những đối tượng khác”, ông Bảo nói.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: "Cơ quan điều tra cần vào cuộc vụ quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa". ảnh: NQ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: "Cơ quan điều tra cần vào cuộc vụ quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa". ảnh: NQ.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản của Cục đường thủy nội địa, vì vậy cơ quan này lập tổ thanh tra là đúng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự minh bạch, không bị mang tiếng là có sự nương nhẹ, bao che, dung túng… thì cần có sự vào cuộc ngay của cơ quan điều tra.

“Cần phải làm rõ ra để nếu như cán bộ không sai thì minh oan cho người ta, còn nếu sai phải xử lý ngay chứ không được bênh che. Cũng phải minh bạch ngay từ đầu việc thanh tra, kiểm tra trước công luận. 

Tôi thấy việc làm rõ những nghi vấn sai phạm, phản ánh tiêu cực về quỹ đen là không khó. Nếu không có việc ấy thì không ai có thể đổ tiếng xấu cho họ, nhưng có tiêu cực thì không dấu được, ở chỗ này hay chỗ khác nhất định sẽ tìm ra vi phạm.

Vấn đề là ngoài tổ thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải thì cần có cơ quan độc lập giám sát, tránh bị mang tiếng là trong ngành nương nhẹ cho nhau”, ông Bảo nhận định.

Cũng theo ông Bảo, trong trường hợp có sai phạm thì đầu tiên là những cán bộ trực tiếp thực hiện hành vi ấy phải bị xử lý. Bên cạnh đó, chắc chắn phải nhắc tới trách nhiệm của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa.

"Cơ quan điều tra cần vào cuộc vụ quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa" ảnh 2

Phải tìm ra người chủ chòm trong vụ lập “quỹ đen” tại Cục Đường thủy nội địa

Ông Bảo nêu quan điểm: “Vấn đề này chắc chắn phải xét tới trách nhiệm cao nhất là của Cục trưởng rồi. Tại vì anh là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, khi có sai phạm thì anh phải chịu trách nhiệm rất rõ của người đứng đầu.

Ở nhiều quốc gia thậm chí ngay khi có thông tin như vậy, dù còn đang điều tra thì người đứng đầu đơn vị đã xin từ chức rồi. Còn việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu có dính tới tiêu cực hay không lại là một chuyện khác nữa.

Nếu doanh nghiệp trúng thầu mà cứ phải nộp lại từ 6-20% giá trị trúng thầu thì sai phạm này là rất nghiêm trọng, đấy là biểu hiện tham ô, tham nhũng rồi, chưa kể trích lại và chia trác các khoản tiền lớn như vậy thì cần phải thanh tra cả chất lượng công trình đã thực hiện xem thế nào? 

Tuy vậy, tôi cũng cho rằng không phải là ở chỗ này có tiêu cực thì những chỗ khác đều có tiêu cực, đánh đồng như thế là không đúng. Quan điểm của tôi thì đây chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh thôi, một vài chỗ làm không tốt, một vài chỗ xảy ra tiêu cực ảnh hưởng đến toàn ngành giao thông, chứ không phải chỗ nào cũng xấu”.

Liên quan tới vấn đề này, Tờ Gia đình xã hội dẫn lời của ông Lưu Bình Nhưỡng (Đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre) cho rằng: “Đã lập “quỹ đen” mà lại của Cục thì đương nhiên không phải của cá nhân. Không có cá nhân nào dám làm chuyện đó, đây là lợi ích nhóm, tham nhũng.

Dư luận cũng không thể tin được chỉ có một vài cá nhân họ đứng ra làm. Xét ở bất kỳ khía cạnh nào đó, chắc chắn đều có vấn đề trong việc thông đồng, có chủ trương, chỉ đạo, có sự đồng ý.

Có thể không có văn bản cụ thể, nhưng chắc chắn phải có báo cáo, có sự phê chuẩn. Nếu không thì không bao giờ có “quỹ đen” như vậy”.

Sự việc này không chỉ làm xấu đi hình ảnh của Cục Đường thủy nội địa mà còn làm xấu đi cả hình ảnh của ngành giao thông vận tải, của cả hệ thống cơ quan hành pháp”.

Tài liệu tham khảo:

(1) http://plo.vn/thoi-su/nghi-van-quy-den-o-cuc-duong-thuy-buoi-chia-chac-tien-ti-785500.html

(2) https://vov.vn/xa-hoi/nghi-an-thu-quy-den-o-cuc-duong-thuy-tam-dinh-chi-2-can-bo-795403.vov

Kiến Văn