Con người đã làm gì để cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu?

11/10/2012 09:04
Diện Hứa
(GDVN) - Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với các quốc gia, đang đe dọa đến cuộc sống của con người. Chính vì vậy những hành động thiết thực của chúng ta là vấn đề cấp thiết đối với tình trạng này.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và rút ra một định nghĩa về Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người làm thay đổi nồng độ khí nhà kính trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của con người.

Để bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, chúng ta phải:

Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó các nước đang phát triển, nước nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước những thách thức đó đòi hỏi con người phải điều chỉnh cách sống để phù hợp với sự biến đổi khí hậu nhằm ứng phó với những hình thái thời tiết hoặc khí hậu thay đổi bất thường xảy ra.

Trồng rừng là hành động thể hiện nhận thức cao về vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa.
Trồng rừng là hành động thể hiện nhận thức cao về vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, người xem vấn đề thay đổi khí hậu là một nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ của mình, đã kêu gọi các nước cải thiện những hệ thống cảnh báo thiên tai sớm, đồng thời tăng cường giáo dục để giảm thiểu tác hại của các thảm họa.

Kể từ đầu năm 2007, LHQ đã đưa ra 13 lời kêu gọi, trong đó có 12 lời kêu gọi nhằm đáp lại những thảm họa có liên quan đến khí hậu. Theo thống kê, khoảng 250 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi thiên tai mỗi năm, tăng gần 1/3 so với một thập kỷ trước.
 
Trước thực trạng này, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai một số chương trình, dự án nghiên cứu tình hình diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, sự phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất và bước đầu thực hiện các giải pháp ứng phó.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã xác định rõ đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và mọi người dân; ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu. Theo đó, chương trình nhằm nâng cao nhận thức người dân về các biện pháp ứng phó truyền thống, thu, trữ nước sạch; Chuyển sang sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới, kỹ thuật mới.

Để đối phó với thiên tai bất ngờ cần phải xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng tường ngăn lũ và nhà chịu bão tốt, trồng cây trên các đồi dốc nhằm giảm nguy cơ sạt lở đất. Các hoạt động phòng chống thiên tai hiện nay ngày càng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự tham gia ngày càng đông, càng rộng của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân.
 
Lập kế hoạch phòng ngừa thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra

Các cấp, ngành quản lý cần làm tốt công tác xây dựng chiến lược phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai một cách chủ động, xác thực trên cơ sở xây dựng và  phát huy nguồn lực tại chỗ nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời và khắc phục hiệu quả. Lồng ghép tốt nhất kế hoạch phòng ngừa thảm hoạ và xem đây là hoạt động không thể tách rời trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đại phương. Khi thảm họa biến đổi khí hậu (BĐKH) xảy ra chúng ta khó có thể nói đến phát triển và nỗ lực phát triển xã hội có nguy cơ bị hủy hoại.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam và chính phủ đã phê chuẩn chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Căn cứ vào chiến lược này, Thủ tướng chính phủ cũng đã yêu cầu tất cả các địa phương bộ, ngành xây dựng chiến lược cho đơn vị, địa phương. UBND thành phố cũng đã có chỉ thị về công tác phòng chống bão lụt và văn bản chỉ đạo về việc triển khai thực hiện chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai

Cuộc chiến chống lại BĐKH, ngăn ngừa những tác động có hại của BĐKH là một cuộc chiến chung, đòi hỏi mọi người, mọi quốc gia chung sức. Để ứng phó với BĐKH, Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện kịch bản BĐKH.

Biện pháp quan trọng nhất là thay đổi cách tác động của nhân tố chính (tức hạn chế những tác động tiêu cực - và cần co nhiều hành động tác động tích cực đến môi trường cũng như đối với chính nguồn nước) mà nhân tố chính đó chính là con người.

Toàn bộ người dân Philippines hưởng ứng phong trào chống biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa (internet).

Toàn bộ người dân Philippines hưởng ứng phong trào chống biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa (internet).


Thay đổi ý thức vào nền giáo dục để nhận rõ tầm quan trọng về ý thức bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo của học sinh, sinh viên. Tất cả các công ty, các dự án sử dụng bóng đèn compact của Điện Quang, Rạng Đông hoặc đèn Led cho chiếu sáng thay cho bóng đèn sợi đốt, bóng halogen, bóng cao áp thủy ngân, bóng đèn huỳnh quang, vì theo tính toán của ngành điện chỉ riêng việc thay thế 20 triệu bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact thì mỗi năm cũng tiết kiệm được 3.600 tỷ đồng, (chỉ 5% hiệu suất của bóng sợi đốt là dùng cho chiếu sáng, 95% là dùng cho đốt nóng, bóng đèn này đã bị cấm ở châu Âu).

Sử dụng hệ thống bằng năng lượng mặt trời đầu tư thấp, vừa an toàn và tiết kiệm năng lương dài hạn cho việc giảm sử dụng điện, gas cho đun nấu nước nóng. Đặc biệt các dự án nhà chung cư, khách sạn, khu đô thị, khu du lịch. Sử dụng bếp Parabon đun nấu bằng năng lượng mặt trời để các hộ dân nghèo, ngư dân cũng có thể mua được với giá thấp, giảm nạn phá rừng lấy củi đun nấu. sử dụng các thiêt bị năng lượng biến tần cho các thiết bị có động cơ, máy lạnh inverter, thang máy, các loại động cơ...

Sử dụng các thiết bị tự động công nghệ cao để giảm tổn hao năng lượng trong dài hạn. Đặc biệt cần hạn chế sử dụng thiết bị điện trong giờ cao điểm vì tổn hao rât lớn, trang trại chăn nuôi hoặc nhà máy sản xuất tinh bột sắn, cồn, có các phế phẩm sinh học, thực phẩm có thể sử dụng chất thải để sản xuất biogas dùng cho phát điện, đun cấp nhiệt cho nồi hơi, sấy tinh bột, vừa xử lý bảo vệ môi trường vừa giảm phát thải khí CO2.

Sử dụng máy phát điện chạy bằng khí gas LPG tiết kiệm hơn diesel, xăng và không gây ô nhiễm, giảm tiếng ồn.

Sử dụng điện mặt trời, điện gió ở quy mô lớn và quy mô nhỏ, cung cấp điện cục bộ cho từng khu vực dùng cho chiếu sáng, cho thông tin liên lạc, cho đèn đường, cho công viên, tòa nhà, khách sạn, biệt thự...

Đó là những hành động thiết thực chúng ta cần làm ngay, là lương tâm và trách nhiệm của chúng ta đối với đất nước.
 
Mỗi người chúng ta đang đứng trước các hiểm hoạ thiên nhiên. Để  ứng phó với các thảm hoạ đó, ngoài những nỗ lực của các quốc gia, của chính phủ thì nỗ lực của môĩ cá nhân, mỗi cộng đồng vô cùng quan trọng.
 
Diện Hứa