Cục Hàng không sai luật khi thẩm định hồ sơ xin cấp phép của Vietstar Airlines?

06/04/2016 07:12
Mai Anh
(GDVN) - TS.LS Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe nhấn mạnh, cần yêu cầu Vietstar Airlines hoàn thiện hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Lý giải sai luật của Cục Hàng không 

Thông tin Bộ Giao thông vận tải gửi đề xuất kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines tiếp tục gây tranh cãi trong những ngày qua.

Tại văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải cho biết hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines phù hợp với quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP (Nghị định “Về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung”).

Tuy nhiên trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa làm rõ vấn đề vốn góp - điều kiện cần và đủ để cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines.

Hồ sơ xin cấp phép vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines thiếu văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng - Ảnh minh họa/Nguồn Báo Giao thông vận tải.
Hồ sơ xin cấp phép vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines thiếu văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng - Ảnh minh họa/Nguồn Báo Giao thông vận tải.

Trong khi đó, liên quan đến điều kiện vốn của Vietstar Airlines, trả lời trên Báo Giao thông vận tải, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam dẫn giải: Thời điểm tháng 8/2015, khi đệ trình Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines chưa có văn bản xác nhận vốn cũng chưa nộp Báo cáo Tài chính đã được kiểm toán. 

Nhưng khi thẩm định hồ sơ, nhận thấy trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã thực hiện xác nhận vốn khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần nên Cục Hàng không Việt Nam đã sử dụng kết quả của thủ tục hành chính này thay cho văn bản xác nhận vốn.

Ngày 7/10/2015, Bộ Tài chính ra Văn bản số 14032 cho rằng, việc xác nhận vốn do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thực hiện chưa phù hợp với quy định của Điều 9, Nghị định 30.

Dù nhận được văn bản bác đề xuất từ Bộ Tài chính nhưng Cục Hàng không Việt Nam vẫn cho rằng: Vietstar Airlines không phải là hãng hàng không thành lập mới mà là hãng hàng không đang hoạt động nên thực chất phải áp dụng theo Khoản 4 Điều 14, Nghị định 30, tức là có bản chính văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc văn bản hợp pháp chứng minh về số vốn pháp định của doanh nghiệp. 

Cục Hàng không sai luật khi thẩm định hồ sơ xin cấp phép của Vietstar Airlines? ảnh 2

Nghi vấn hồ sơ xin cấp phép hãng bay Vietstar Airlines sai luật

(GDVN) - Thay vì nộp văn bản xác nhận vốn từ tổ chức tín dụng, Vietstar Airlines đưa ra báo cáo tài chính đã kiểm toán để thay thế...

Cục Hàng không sai luật khi thẩm định hồ sơ xin cấp phép của Vietstar Airlines? ảnh 3

Liên tục xin cấp phép hãng hàng không mới, Bộ Giao thông vận tải quá vội vàng?

(GDVN) - Về những đề xuất xin cấp phép hãng hàng không mới còn nhiều tranh cãi, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khuyến cáo Bộ GTVT không nên vội vàng.

Cục Hàng không sai luật khi thẩm định hồ sơ xin cấp phép của Vietstar Airlines? ảnh 4

Vietstar Airlines không thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân

(GDVN) - Lãnh đạo Quân chủng Phòng không-Không quân khẳng định: Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt không phải là đơn vị kinh tế thuộc quân chủng mà chỉ là đơn

Trước lý giải của Cục Hàng không và thắc mắc của dư luận, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.LS Vũ Thái Hà - Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng: Không thể thay thế giấy xác nhận vốn của các tổ chức tín dụng bằng xác nhận vốn khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM như cách lý giải của Cục Hàng không.

TS.LS Vũ Thái Hà phân tích, vốn là một trong những điều kiện bắt buộc để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không cũng như thành lập hãng hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại đã được quy định tại Điều 9 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, đối với vốn góp bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi thì phải có văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép;

Đối với vốn góp bằng tài sản, bất động sản trực tiếp phục vụ cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản. 

Ngoài ra, nếu là hãng hàng không đang khai thác thì có thể sử dụng bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn phù hợp.

Để chứng minh điều kiện về vốn góp, cá nhân, tổ chức xin cấp phép kinh doanh phải tuân thủ quy định này.

“Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản mà cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp (Điều 4.12 Luật doanh nghiệp), dù trong đó có ghi nhận phần vốn góp nhưng không thể chứng minh được khả năng tài chính thực sự của doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.

Do đó, không thể coi nó có giá trị như văn bản xác nhận vốn góp được quy định tại Điều 9 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP”, TS.LS Vũ Thái Hà cho biết. 

Như thế có thể thấy, cách lý giải của Cục Hàng không về lỗ hổng trong Hồ sơ xin cấp phép của Vietstar Airlines là hoàn toàn sai luật. 

"Lẽ ra khi thẩm định hồ sơ, Cục Hàng không phải yêu cầu Viestar Airlines bổ sung thủ tục theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải giải trình theo kiểu bao biện như thế", TS.LS Vũ Thái Hà nêu ý kiến. 

Yêu cầu Vietstar Airlines phải hoàn thiện hồ sơ

Theo TS.LS Vũ Thái Hà, giấy xác nhận vốn góp của tổ chức tín dụng, giấy xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản do tổ chức định giá cấp thể hiện năng lực tài chính hiện tại của doanh nghiệp vào thời điểm cấp giấy xác nhận.

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tuy có ghi nhận phần vốn điều lệ của doanh nghiệp nhưng không thể chứng minh được năng lực tài chính thực tế của doanh nghiệp. 

Đơn giản vì vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập doanh nghiệp. Hơn thế nữa, khả năng tài chính của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp đó. 

Một doanh nghiệp có thể có vốn điều lệ 100 tỷ đồng vào thời điểm cấp đăng ký kinh doanh nhưng nếu kinh doanh lỗ, số vốn này không thể còn như thời điểm ban đầu và ngược lại.

“Văn bản xác nhận về vốn đã được quy định chi tiết và rõ ràng tại Điều 9 Nghị định Nghị định số 30/2013/NĐ-CP. Theo đó, chỉ có những loại giấy tờ đã được liệt kê trong điều luật này mới được xem là hợp lệ. Việc sử dụng văn bản khác ngoài các văn bản được quy định tại Điều 9 là không hợp pháp và không có giá trị pháp lý”, LS Hà khẳng định.

Cũng theo TS.LS Vũ Thái Hà, tại Khoản 4, Điều 14, Nghị định 30 - quy định việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại.

Trong đó nêu rõ, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Giao thông vận tải về việc chấp thuận cấp Giấy phép, Cục Hàng không Việt Nam thông báo cho người đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại về việc hoàn thiện thủ tục cấp Giấy phép. 

Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo, người đề nghị cấp Giấy phép nộp bổ sung một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Hàng không Việt Nam. 

Trong bộ hồ sơ yêu cầu phải bản chính văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc văn bản hợp pháp chứng minh về số vốn pháp định của doanh.

Như vậy theo TS.LS Vũ Thái Hà, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không phải yêu cầu Vietstar Airlines hoàn thiện hồ sơ đầy đủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. 

Mai Anh