Cục diện ngành Ngân hàng sau mùa đại hội cổ đông

01/05/2015 08:19
Thảo Nguyên/Ngân hàng nhà nước
(GDVN) - Năm 2015 là thời điểm thích hợp để ngành Ngân hàng đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu do hệ thống ngân hàng Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất.

Trong những ngày qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đang tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 nhằm đánh giá kết quả năm 2014, định hướng hoạt động và xây dựng kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới.

Tại kỳ đại hội này, một số NHTM nhỏ tập trung thảo luận các biện pháp tái cơ cấu theo hướng tìm kiếm đối tác chiến lược để tăng vốn, thông qua phương án sáp nhập với ngân hàng khác để trở thành NHTM qui mô lớn hơn, cả về tài chính, mạng lưới, đồng thời nâng cao năng lực quản trị ngân hàng.

Tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 20/4/2015, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) đã trình phương án sáp nhập vào Sacombank. Tại đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 24/4/2015, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã trình phương án sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF)...

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn số 1607/NHNN-TTGSNH ngày 18/3/2015 chấp thuận về nguyên tắc phương án sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), mục tiêu cơ bản là giúp MDB nâng cao chất lượng tài sản và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Cùng với nhóm ngân hàng nhỏ, làn sóng sáp nhập cũng được các NHTM hàng đầu Việt Nam hưởng ứng tích cực.

Tại đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 14/4/2015, lãnh đạo Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã chính thức xin ý kiến cổ đông phương án sáp nhập Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, tại đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 17/4/2015, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trình kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) - được cho là một ngân hàng không hề yếu kém, tình hình tài chính lành mạnh và có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Gần đây nhất, ngày 25/4/2015, NHNN đã tuyên bố mua toàn bộ cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), đồng thời chỉ định Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tham gia quản trị, điều hành ngân hàng này.

Năm 2015 cũng là thời điểm thích hợp để ngành Ngân hàng đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu do hệ thống ngân hàng Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực với GDP quí I/2015 tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi rõ rệt.

Trong đó, thị trường bất động sản phục hồi là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng thu hồi nợ đọng, góp phần giảm nhanh nợ xấu xuống ngưỡng an toàn, mở rộng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra.

Sau một thời gian chuẩn bị các bước đi ban đầu cần thiết trong qui trình tái cơ cấu, thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh, hệ thống ngân hàng đã đi vào ổn định.

Trong bối cảnh thiếu vắng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, phương án phát hành trái phiếu qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được coi là giải pháp thích hợp.

Kể từ khi thành lập cho đến cuối năm 2014, VAMC đã mua nợ xấu từ 39 TCTD với tổng giá trị nợ gốc đạt 121.000 tỉ đồng và đã thu hồi được trên 4.100 tỉ đồng.

Theo đó, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD Việt Nam đến cuối năm 2014 chỉ còn 3,25%. Trong năm 2015, VAMC đề ra mục tiêu sẽ mua 70.000-80.000 tỉ đồng nợ xấu dưới dạng trái phiếu đặc biệt, và phương án này đã được NHNN thông qua.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/NĐ-CP ngày 31/3/2105, sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 53/3013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, có hiệu lực từ ngày 05/4/2015.

Tại Nghị định này, Chính phủ đã bổ sung qui định “VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá thị trường trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu được NHNN phê duyệt". Đây là nội dung quan trọng, đánh dấu nỗ lực tiếp theo của NHNN và các bộ, ngành liên quan trong việc tạo môi trường thông thoáng về xử lý tài sản của các TCTD.

Bên cạnh việc bán nợ cho VAMC, từng TCTD cũng đang áp dụng hàng loạt giải pháp thu hồi nợ, tích cực trích lập dự phòng và ngăn ngừa những nguy cơ phát sinh nợ xấu mới.

Có thể nói, toàn ngành Ngân hàng đã tích cực tái cơ cấu và những diễn biến trên cho thấy, việc triển khai Đề án tái cơ cấu các TCTD Việt Nam sẽ về đích đúng lộ trình và mục tiêu đề ra.

Thảo Nguyên/Ngân hàng nhà nước