Cung cấp clip "khêu gợi", VinaPhone truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy?

07/06/2011 00:21
(GDVN) – Theo LS Nguyễn Văn Tú – VP Luật sư Khánh Hưng, việc VinaPhone mời gọi xem một số clip mát mẻ có thể phạm vào tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy"

(GDVN) –  Theo LS  Nguyễn Văn Tú – Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, việc VinaPhone mời gọi khách hàng xem một số clip mát mẻ như báo Giáo Dục Việt Nam đã phản ánh có thể phạm vào tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”. Theo đó, nếu nhẹ thì có thể xử phạt hành chính, nặng thì hình sự.

>> Khách hàng VinaPhone sốc với tin nhắn mời gọi xem clip tươi mát

>> Phụ huynh phẫn nộ dịch vụ "vẽ đường cho hươu chạy" của VinaPhone

>> Sau VinaPhone, đến lượt MobiFone bị “tố” ép dùng dịch vụ

>> Các đại gia di động liên tục bị khách hàng "tố" chất lượng dịch vụ

Ngay sau khi báo Giáo Dục Việt Nam đăng tải bài viết Khách hàng VinaPhone sốc với tin nhắn mời gọi xem clip tươi mát, phía VinaPhone đã thừa nhận sẽ rút kinh nghiệm và ngay lập tức dừng cung cấp các tin nhắn quảng cáo dịch vụ.

Trả lời báo điện tử giaoduc.net.vn, đại diện truyền thông của VinaPhone cho biết: “Các nội dung VinaPhone cung cấp là do hợp tác với rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ nội dung trong đó bao gồm những nội dung về thể thao, giải trí, văn hóa - xã hội…Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại các nhà cung cấp nội dung và có các biện pháp kiểm duyệt nội dung chặt chẽ nghiêm ngặt hơn. Trong thời gian rà soát sự việc báo nêu, chúng tôi đã dừng cung cấp các tin nhắn quảng cáo dịch vụ”.

a
Một hình ảnh vô cùng phản cảm ghi lại từ màn hình clip "Dạy
chuyện ấy trên phố" tải về từ dịch vụ của VinaPhone.

Tính cho tới thời điểm này, mặc dù các khách hàng sử dụng dịch vụ tiện ích trên sim và ưa chuộng mục Truyện cười của Giải trí không còn nhận những tin nhắn với lời mời gọi khá nhạy cảm ở phía cuối nội dung mỗi câu chuyện. Tuy nhiên, theo khách hàng của VinaPhone phản ánh: VinaPhone vẫn chưa hoàn toàn dừng hẳn dịch vụ này. Bằng chứng là với những ai đã có mã số clip từ những tin nhắn trước vẫn hoàn toàn có thể vào mục Dowload để vào tải Clip đó về. “Việc kinh doanh các sản phẩm có nội dung mát mẻ, nhạy cảm có thể coi là những hành vi thiếu văn hóa, không được dư luận đồng tình, nhất là trong điều kiện hiện nay, thanh thiếu niên đang có xu thế hư hỏng, bắt chước các văn hóa đồi bại, vừa kích dục vừa kích thích bạo lực – những hành động phản cảm này ngành Văn hóa - Thông tin đã cảnh báo rất nhiều, ngành Giáo dục cũng đã lên tiếng không ít, do đó cần phải chấm dứt”, luật sư Phạm Hồng Hải – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh.
Nói về “văn hóa phẩm đồi trụy”, tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định: "Đồi trụy... là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc".

Ngoài ra, theo Thông tư của Bộ Văn hóa – Thông tin số 5/TT-PC ngày 08 tháng 01 năm 1996 hướng dẫn thực hiện quy chế “Lưu hành kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; bán, cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu” ban hành kèm theo nghị định số 87/CP ngày 12 tháng 12 năm 1995 của Chính Phủ (đã hết hiệu lực nhưng có thể tham khảo) nêu rõ: “Nghiêm cấm việc thể hiện trên các sản phẩm văn hoá (phim, băng đĩa hình, băng đĩa âm thanh, sách, báo, lịch, tranh, ảnh, áp phích, cổ động, quảng cáo...) các nội dung như sau: Miêu tả hành động tình dục giữa người với người... Miêu tả khỏA thân kích thích dâm ô”.

Với clip “Vạch áo xem ngực bạn giữa lớp” tải về từ mục dowload của VinaPhone, chỉ diễn ra trong vòng ít phút, nhưng khách hàng của VinaPhone có thể cảm thấy “đỏ mặt” bởi cảnh vạch áo xem ngực bạn một cách lộ liễu. Hay Clip “Dạy chuyện ấy trên phố” lắp ghép, ghi lại những bức hình chụp cảnh khỏa thân gợi tình diễn ra trên đường phố của Trung Quốc khiến người xem vô cùng phản cảm.
a
Hình ảnh Teen Malaysia "yêu' trong toilet tải về từ
Cip của Vinaphone.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú – Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, nội dung mà VinaPhone cung cấp cho khách hàng có thể là một clip, một mẩu chuyện, hay một chương trình nào đó, nó bao gồm cả kí tự về âm thanh, hình ảnh và ý nghĩa. “Chữ có thể sinh ra nghĩa và tạo ra những suy nghĩ nhạy cảm cho người đọc, cả hình ảnh cũng vậy sẽ gây kích thích cho người xem. Nếu so sánh với những văn bản quy định về văn hóa phẩm đồi trụy, văn hóa phẩm độc hại của các ban ngành liên quan thì những sản phẩm này đã vi phạm. VinaPhone đã kinh doanh mặt hàng không lành mạnh về mặt nội dung hàng hóa”, Luật sư Nguyễn Văn Tú khẳng định.

Theo LS Tú, việc truyền bá một số clip như báo Giáo Dục Việt Nam đã phản ánh có thể phạm vào tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”. Theo đó, nếu nhẹ thì có thể xử phạt hành chính, nặng thì hình sự.
Tuy nhiên, xét trên mọi khía cạnh, theo Luật sư Phạm Hồng Hải thì hành động phát tán clip mang nội dung không lành mạnh của VinaPhone chưa phải là văn hóa đồi trụy. Ông giải thích: “Văn hóa đồi trụy chỉ bị phê phán khi nó phát tán cho đông người, trong trường hợp clip của VinaPhone, mã số và tên gọi clip ban đầu được cung cấp sau khi có người nhắn tin yêu cầu dịch vụ truyện cười và sau đó, trao đổi thông tin ngược trở lại. Do đó, nói là phát tán thì cũng không phải. Ta tạm gọi đó là hành vi thiếu văn hóa”.

Luật sư Phạm Hồng Hải cũng nhận định: Mục đích của VinaPhone cũng như của đối tác hợp tác là muốn kinh doanh bởi với mỗi clip để tải về, khách hàng phải mất một khoản phí khoảng 10.000 đồng/clip.

“Nếu thấy cần thiết, chúng ta có thể yêu cầu Nhà nước có chế tài cụ thể với những người tái phạm hành vi đó. Phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh này. Trong trường hợp tái phạm, có thể  coi đây là hành vi phạm tội. Nếu là hình sự thì phải xem xét hành vi của cá nhân, xem cá nhân nào có hành vi, mục đích vụ lợi riêng để xử lý hình sự”, Luật sư Hải kết luận. 

Phương Hạ

>> Khách hàng VinaPhone sốc với tin nhắn mời gọi xem clip tươi mát

>> Phụ huynh phẫn nộ dịch vụ "vẽ đường cho hươu chạy" của VinaPhone

>> Sau VinaPhone, đến lượt MobiFone bị “tố” ép dùng dịch vụ

>> Các đại gia di động liên tục bị khách hàng "tố" chất lượng dịch vụ