Cước taxi ở Hà Nội chưa giảm vì đang rẻ nhất Việt Nam?

12/11/2014 07:40
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định: Cước taxi ở Đà Nẵng, TP.HCM dù đã giảm vẫn “đắt đỏ” hơn nhiều so với giá cước chưa giảm của Hà Nội.

Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi xăng giảm giá ở mức kỷ lục, nhiều doanh nghiệp vận tải, taxi ở miền Bắc trong đó có Hà Nội vẫn chưa có động thái nào giảm giá cước. Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội về việc này.

- Vì sao các doanh nghiệp taxi ở Hà Nội vẫn chưa giảm giá cước trước việc xăng giảm giá ở mức kỷ lục thưa ông?

Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội.
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội.

Việc xăng tăng giá rồi lại giảm giá liên tục là chuyện hết sức bình thường ở Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp taxi không thể chạy theo từng đợt tăng/giảm giá của xăng được mà phải chạy theo một đợt dài. Từ cuối năm 2013 đến tháng 4/2014 – thời kỳ xăng tăng giá đỉnh điểm, các doanh nghiệp taxi đã chia ra thành 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất bao gồm các doanh nghiệp bình ổn giá trong suốt 2 năm qua. Tức là dù xăng tăng hay giảm giá họ vẫn giữ nguyên giá cước taxi ở mức bình ổn nhất. Do vậy, khi xăng giảm giá ở mức kỷ lục vào ngày 7/11 vừa qua, họ không có sự điều chỉnh giá cước.

Nhóm thứ hai gồm các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh giá cước taxi tăng lên theo biến động của giá xăng, chẳng hạn taxi Mai Linh… đến nay họ mới phải điều chỉnh giá cước về mức trước khi tăng.

- Có lẽ ở cả 3 miền đều có các doanh nghiệp taxi thuộc 2 nhóm như ông nêu trên. Thế nhưng, trước thông tin xăng giảm giá ở mức kỷ lục, Hiệp hội taxi TP.Đà Nẵng vẫn tuyên bố giảm giá cước từ 500 – 800 đồng/km bắt đầu từ ngày 10/11. Trong khi đó, Hiệp hội taxi Hà Nội chưa có động thái gì đáng chú ý liên quan tới việc này. Vì sao vậy?

Giá cước của các hãng taxi ở Hà Nội hiện tại đang ở mức trung bình 12.000 đồng/km, thấp hơn rất nhiều – từ 2.000 đến 3.000 đồng/km - so với khu vực Đà Nẵng hay TP.HCM. Nói cách khác, giá cước taxi ở Hà Nội đang là rẻ nhất trên cả nước, nhất là khi so với Đà Nẵng, TP.HCM.

Hơn nữa, trong suốt 2 năm qua, dù giá xăng tăng khá nhiều nhưng các doanh nghiệp taxi ở thủ đô vẫn hạn chế việc điều chỉnh giá cước do đó là việc cực chẳng đã. Ở Đà Nẵng hay TP.HCM làm gì có chuyện đó? Họ vẫn tăng giá cước đều theo biến động của giá xăng.

Khi giá xăng tăng, các doanh nghiệp taxi ở Hà Nội đã phải gồng mình gánh chịu để bình ổn giá cước, vậy nên khi xăng giảm giá họ phải giữ nguyên bảng giá cước cũ để bù lại những lúc tự gồng gánh đó và cũng là để đảm bảo đời sống cho các lái xe.  

Chưa kể, trong thời gian tới có thể giá xăng sẽ lại bị điều chỉnh nên các doanh nghiệp taxi đang bình ổn giá ở Hà Nội cũng đang phải xem xét, nghe ngóng tình hình trước khi có bất cứ sự thay đổi nào về giá cước.

- Đồng ý là các doanh nghiệp taxi “bình ổn giá” bất chấp các biến động của giá xăng có thể có lý do chính đáng để chưa điều chỉnh giá cước. Nhưng còn những doanh nghiệp thuộc nhóm 2 đã từng tăng giá cước rất nhanh khi xăng tăng giá, theo ông tại sao đến giờ họ vẫn chưa chịu giảm cước?

Nhiều doanh nghiệp taxi ở Hà Nội vẫn giữ nguyên bảng giá cước cũ dù xăng đã giảm giá ở mức kỷ lục (Ảnh minh họa: Thanhnien)
Nhiều doanh nghiệp taxi ở Hà Nội vẫn giữ nguyên bảng giá cước cũ dù xăng đã giảm giá ở mức kỷ lục (Ảnh minh họa: Thanhnien)

Như các chuyên gia đã phân tích, quy trình thay đổi giá cước mất khá nhiều thời gian và tương đối phức tạp. Họ phải trình Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính bảng giá cước mới và được sự chấp thuận, cho phép mới có thể áp dụng.

Ngoài ra, việc kiểm định, lắp đặt lại đồng hồ cũng ngốn thêm một khoảng thời gian, tiền bạc không nhỏ của doanh nghiệp. Chi phí kiểm định cho mỗi xe khá lớn, các xe phải tạm dừng hoạt động gần một ngày để cài đặt lại đồng hồ, mỗi lần như vậy họ có thể mất toi cả triệu đồng/xe/ngày. 

Doanh nghiệp có khoảng 200 xe sẽ bị mất khoảng 200 triệu đồng cho một lần điều chỉnh. Và nếu mỗi năm xăng bị điều chỉnh giá hơn chục lần thì số tiền doanh nghiệp phải chi để chạy theo giá xăng là quá lớn.

Thế nhưng, đó mới chỉ là một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thuộc nhóm 2 chậm trễ trong việc giảm giá cước.

Còn một nguyên nhân khác nữa là việc điều chỉnh giá cước taxi không thể thực hiện theo từng đợt tăng/giảm giá xăng. Biết đâu vài hôm nữa xăng lại tăng giá?!

Ngoài ra, việc chậm giảm giá cước cũng xuất phát từ tâm lý ngại “đi lại” của cán bộ ở các doanh nghiệp thuộc nhóm này. Mỗi lần thay đổi bảng giá cước, họ phải tới gặp các cơ quan chức năng từ 5 – 7 lần. Một năm có tới mười mấy lần giá xăng thay đổi liên tục như vậy thì quá mệt mỏi cho vị cán bộ phải đi lại để làm các thủ tục thay đổi giá cước.

Thậm chí người ta còn phải tổ chức họp báo công bố tăng/giảm giá cước, sau đó in ấn bảng giá cước mới dán vào từng xe. Tóm lại, quy trình này tương đối phức tạp và tốn kém. Dù với doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ, quy trình này vẫn thế.

- Thưa ông các doanh nghiệp thuộc nhóm 1 như ông nói dựa vào đâu, cơ sở nào để đưa ra mức giá mà họ cho là “bình ổn” trong năm?

Với taxi, họ phải có các chuyên gia phân tích, đánh giá để đưa ra bảng giá cước dùng được cho cả năm chứ người ta không tính toán ở tầm nhìn ngắn hạn. Bảng giá bình ổn được đưa ra không chỉ dựa vào giá xăng mà còn phải kết hợp với các chi phí đầu vào như phí đường bộ, giá các loại phụ tùng để bảo dưỡng, sửa chữa…

Rồi người ta cũng phải cân đối giữa cung và cầu sao cho giá cước taxi không biến động nhiều khi taxi ế ẩm cũng như khi “cháy hàng” do thời tiết mưa bão, gió rét hay dịp cận tết…

- Nói như vậy có nghĩa là nếu cứ 10 – 15 ngày giá xăng thay đổi một lần hoặc nếu giá xăng thay đổi hàng ngày, cước taxi vẫn “ở mức bình ổn” theo tính toán của doanh nghiệp bất chấp những hệ quả gây ảnh hưởng xấu tới đời sống hàng ngày của người dân thưa ông?

Việc giá xăng thay đổi theo chu kỳ 10 – 15 ngày/lần hoặc thay đổi vài lần/ngày như các nước khác theo tôi cũng là chuyện hết sức bình thường. Khi đó, các doanh nghiệp taxi sẽ căn cứ vào chu kỳ tăng/giảm giá xăng trong vòng một năm để đưa ra bảng giá cước phù hợp cho năm sau. Nếu đến năm sau, giá xăng tiếp tục đội lên hoặc giảm sâu, người ta có thể thay đổi. Tóm lại, họ sẽ vẫn căn cứ theo chu kỳ một năm hoặc nửa năm chứ không điều chỉnh theo ngày, theo đợt.

- Theo ông, làm thế nào để người dân hiểu và thông cảm với những lý giải trên?

Có thể việc các doanh nghiệp ở Hà Nội chưa giảm giá cước taxi khi xăng giảm ở mức kỷ lục khiến người dân không được hài lòng. Nhưng người dân đừng chỉ nhìn vào việc doanh nghiệp taxi có hay không giảm giá cước khi xăng giảm mà hãy nhìn vào mức giá bình ổn mà các doanh nghiệp đưa ra trong thời gian qua.

Ví dụ, ở Đã Nẵng, cước taxi trung bình ở mức 14.000 đồng/km. Nếu có giảm 1.000 đồng/km khi xăng giảm giá thì mức cước đó vẫn cao hơn mức bình ổn ở Hà Nội 1.000 đồng/km. Sở dĩ có sự chênh lệch về mức giá cước trung bình như vậy là do các doanh nghiệp taxi ở Hà Nội muốn kích cầu, chia sẻ gánh nặng cuộc sống với người dân.

- Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN