Đại gia cà phê Thái Hòa, "con nợ" lớn của Vietcombank

08/10/2013 07:25
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Vietcombank là ngân hàng cho Tập đoàn Thái Hòa vay nhiều nhất, bao gồm 191 tỷ đồng vay USD ngắn hạn, 16,655 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả và 13,86 tỷ đồng cho vay dài hạn.
Cuối tháng 7/2012, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (THV) cho hay, hiện THV đang nợ quá hạn tổng cộng 10 ngân hàng, với số tiền trên 1.226 tỷ đồng. Các khoản này đều là nợ ngắn hạn. Theo đó, 10 ngân hàng cho THV vay gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB (219,3 tỷ), Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (192 tỷ), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank (168,5 tỷ), Ngân hàng cổ phần Hàng Hải - Maritime Bank (155 tỷ), Ngân hàng phát triển Nhà Hà Nội - Habubank (137,1 tỷ), Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV (97 tỷ), Ngân hàng cổ phần An Bình - ABBank (94 tỷ), Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội - SHB (78 tỷ), Ngân hàng cổ phần Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (66,5 tỷ), Ngân hàng Quốc tế - VIB (19,2 tỷ).

Bên cạnh đó, Thái Hòa hiện cũng nợ dài hạn 3 ngân hàng Agribank, Vietcombank và VDB với số tiền là trên 125 tỷ đồng.

Ngày 25/7/2012, Thái Hòa cùng đại diện 5 ngân hàng gồm Vietcombank, Agribank, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Habubank và Maritime Bank đã có cuộc họp để bàn về tái cơ cấu nợ đối với THV. Theo biên bản của cuộc họp này, đại diện 5 ngân hàng đều đánh giá có thể gia hạn nợ thêm cho Thái Hòa.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (THV).
Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (THV).

Đến ngày 7/10/2013, báo Đầu tư chứng khoán đưa tin, thông tin từ BCTC bán niên soát xét cho biết, kết thúc quý II/2013, vốn chủ sở hữu của THV còn 12,837 tỷ đồng, với lỗ lũy kế lên tới 569,94 tỷ đồng trên vốn điều lệ 577,5 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, doanh thu của Tập đoàn chỉ có 878 triệu đồng, dòng tiền thu thuần từ hoạt động kinh doanh là 387 triệu đồng. 

Theo đó, Vietcombank là ngân hàng cho vay nhiều nhất, bao gồm 191 tỷ đồng vay USD ngắn hạn, 16,655 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả và 13,86 tỷ đồng cho vay dài hạn. Các ngân hàng có số dư nợ gốc lần lượt là: Habubank cũ (nay là SHB) cho vay 129,413 tỷ đồng, Agribank còn khoản 112,266 tỷ đồng, BIDV cho vay 108,18 tỷ đồng, Maritime Bank cho vay gần 62 tỷ đồng cả VND và USD; VIB 19,211 tỷ đồng. Ngoài ra còn có CTCP Dragon Việt Nam cho vay 34 tỷ đồng.

Ngoài các khoản nợ gốc trên, THV cũng đang ghi nhận tới 197,31 tỷ đồng tiền lãi vay phải trả. Trong nửa đầu năm, Công ty gần như không chi trả tiền lãi vay cho các chủ nợ.

Trong khi đó, giữa tháng 4/2013, thông tin từ báo VOV cho biết, Tập đoàn Thái Hòa khai lỗ gần 447 tỷ đồng từ xuất khẩu cà phê. Từng là nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu, nhưng năm 2012, doanh thu của Thái Hòa chỉ có 19,7 tỷ đồng (chưa được 1 triệu USD) và thua lỗ 256,138 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm 2012 tới 446,7 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính năm 2012 của THV công bố ngày 14/3 và được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán và Tư vấn Thăng Long ký ngày 29/3, trong năm 2012, doanh thu của Thái Hòa chỉ có 19,7 tỷ đồng, bằng 2% so với con số hơn 1.062 tỷ đồng của năm 2011.

Cũng trong báo cáo tài chính cho thấy THV có vốn điều lệ 550 tỉ đồng nhưng các khoản vay và nợ ngắn hạn lên tới 676,7 tỉ đồng, vay nợ dài hạn 14,2 tỉ đồng và chỉ tính riêng trong năm 2011, Thái Hòa phải trả lãi vay 72,3 tỉ đồng, tức cao gấp 3,5 lần số tiền mà công ty này làm ra.

Ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Thái Hòa thừa nhạn thua lỗ, nợ nần hiện nay của Thái Hòa là do sử dụng nguồn vốn sai mục đích, công ty sử dụng vốn ngắn hạn vào đầu tư dài hạn mà chủ yếu là trồng cà phê và cao su.

Hiện Thái Hòa có 12 công ty thành viên và liên kết nằm rải rác ở nhiều địa phương trong nước và ở Lào (Công ty TNHH cà phê Thái Hòa Lào). Trong các năm qua, ngành cà phê Việt Nam chứng kiến sự đầu tư vào trồng và nhà máy chế biến cà phê một cách ồ ạt của Thái Hòa từ Tây Bắc, cho tới miền Trung và Tây Nguyên.
Liễu Phạm (Tổng hợp)