Đại gia mua 100 tàu cá bằng 70% vốn vay: Dự án táo bạo, rủi ro cao!

07/07/2014 14:59
Hồng Minh
(GDVN) - Trong kế hoạch mua 100 tàu đánh cá, Công ty Đức Khải sẽ sử dụng 70% vốn từ nguồn vay... đây chính là điểm đáng lo ngại bởi nguy cơ mất vốn.

Kế hoạch táo bạo

Kế hoạch kinh doanh "khủng" mua 100 tàu thủy, 2 trực thăng và ụ nổi để bám biển của ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đức Hải vẫn đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, bởi ý tưởng táo bạo và được đưa ra trong bối cảnh biển Đông căng thẳng vì giàn khoan khoan 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép TRONG vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Theo kế hoạch, Công ty Đức Khải sẽ mua 100 chiếc tàu, trong đó 95 chiếc chuyên dụng bám biển để đánh bắt, khai thác thủy - hải sản tại 5 ngư trường lớn gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. 5 chiếc chuyên dụng công tác hậu cần, cứu hộ, cứu nạn, có nhiệm vụ chuyên chở lương thực, thực phẩm cung cấp cho các tàu đánh bắt và nhận sản phẩm đánh bắt được về đất liền. 

Hình một số tàu đã được Đức Khải đặt mua tại Hàn Quốc.
Hình một số tàu đã được Đức Khải đặt mua tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, Đức Khải sẽ đầu tư 2 ụ nổi, với sức chứa 5.000 tấn, đặt tại ngư trường đánh bắt để tiếp nhận thủy hải sản sau đánh bắt, sau đó phân loại để sơ chế, bảo quản. Đối với những sản phẩm đủ tiêu chuẩn.

Đại gia mua 100 tàu cá bằng 70% vốn vay: Dự án táo bạo, rủi ro cao! ảnh 2

(GDVN) - Nhiều người trong ngành nhận định, việc Chủ tịch HĐQT CTCP Đức Khải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với kế hoạch ra Hoàng Sa đánh cá sẽ gặp không ít khó khăn.

Thêm vào đó, Công ty Đức Khải sẽ sắm 2 trực thăng chuyên phục vụ việc cứu hộ, hỗ trợ tàu ra khơi.

Theo thông tin chia sẻ rộng rãi với truyền thông, hiện Công ty Đức Khải vừa ký xong hợp đồng mua 45 tàu đầu tiên với phía đối tác Hàn Quốc. Trong đó, ngày 7/7, đại diện công ty sẽ sang Hàn Quốc bàn với phía đối tác đưa 12 chiếc đầu tiên về Việt Nam. Số còn lại dự kiến sẽ tiếp tục được đưa về Việt Nam trong vòng 40 ngày nữa. 

Về vấn đề con người, vị đại gia này cho biết, phía Công ty Đức Khải sẽ tuyển dụng ngư dân làm thuyền viên, tổ chức các đợt đào tạo về đánh bắt, sơ chế. Thuyền viên của chúng tôi sẽ được hưởng lương theo nguyên tắc sau khi đã khấu trừ mọi chi phí hoạt động, phân chia tỷ lệ thu nhập ngư dân 65%, công ty 34%. 1% sẽ đóng góp cho quỹ kiểm ngư.

Những mùa mưa bão không đánh bắt được, ngư dân sẽ được nhận trợ cấp không dưới 5 triệu đồng/người/tháng.

Đầu ra cho thủy hải sản đánh bắt được theo hai hướng, bao gồm thị trường trong nước (các chợ đầu mối), thị trường nước ngoài ký kết với doanh nghiệp của Nhật Bản đứng ra giúp bao tiêu sản phẩm.

Về nguồn vốn thực hiện kế hoạch, ông Phạm Ngọc Lâm cho hay, doanh nghiệp sẽ thực hiện dự án theo cơ cấu vốn 30% vốn tự có, 70% vốn vay.

Quá nhiều rủi ro?

Nhận định thông tin Công ty Cổ phần Đức Khải thực hiện dự án khủng bằng 70% vốn đi vay, một chuyên gia tài chính (xin được giấu tên) cho rằng, ngân hàng cho Công ty Đức Khải vay sẽ có rủi ro rất lớn.

Thông thường doanh nghiệp kinh doanh sẽ dùng chính con tàu mua về làm tài sản thế chấp cho vốn vay. “Lúc này tài sản thế chấp là dạng “động sản” (tài sản di động) chứ không phải “bất động sản” (tài sản cố định, không di động). Tài sản chính là những con tàu được doanh nghiệp sử dụng di chuyển đánh bắt thủy hải sản đồng nghĩa với việc rủi ro từ số tài sản thế chấp này rất lớn”, vị chuyên gia tài chính phân tích.

Thứ nhất, ngân hàng không kiểm soát được tài sản thế chấp của mình đang ở đâu, đang ra khơi hay ở bến bãi, hoặc thậm chí hỏng… Điều này mang lại rủi ro lớn ngân hàng có thể mất tài sản thế chấp bất cứ lúc nào.

Thứ hai tàu thủy, tàu đánh cá là dạng tài sản chuyên ngành đặc biệt, việc thanh lý tài sản thế chấp trong trường hợp doanh nghiệp phá sản cũng rất khó. Vì thế thông thường chỉ có các ngân hàng chuyên biệt chuyên cho vay mua tàu, máy bay mới dám nhận thế chấp.

Thứ ba trước diễn biến biển Đông căng thẳng doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi ra khơi, tàu có nguy cơ gặp sự cố phá hoại của Trung Quốc, sự cố thời tiết. Các yếu tố này ngân hàng càng ngại khi nhận thế chấp tài sản là tàu thủy.

“Từ rủi ro trên, theo tôi nếu không phải là các ngân hàng có am hiểu sâu về lĩnh vực tàu biển khi cho vay ngân hàng sẽ có nguy cơ mất vốn rất lớn”, chuyên gia này nhận định.

Trong khi đó, một khó khăn nữa với ông Phạm Ngọc Lâm và Công ty Đức Khải là vấn đề pháp lý trong nhập tàu đã qua sử dụng. Cụ thể, Điều 5 trong Nghị định số: 52/2010/NĐ-CP Nghị định về nhập khẩu tàu cá quy định, tàu cá đóng bằng vật liệu vỏ thép khi nhập vào Việt Nam không quá 8 tuổi, trong khi thực tế tàu cá được Công ty Đức Khải mua đều có khoảng 12 năm sử dụng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên ông Đào Hồng Đức – Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (đơn vị phụ trách đăng ký tàu cá nhập khẩu) cho biết, hiện tại Cục vẫn chưa nhận được văn bản của Công ty Đức Khải xin đăng ký.

Hồng Minh