Đại gia mua 100 tàu thủy: Bài học quảng bá thương hiệu

10/07/2014 07:25
Hồng Minh
(GDVN) - Kế hoạch mua tàu khai thác trên ngư trường Hoàng Sa tung ra trong thời biển Đông dậy sóng đã tạo sự chú ý của truyền thông và sự ủng hộ của người tiêu dùng...

Giải bài toán rủi ro bảo hiểm tàu thủy

Liên quan kế hoạch mua tàu, trực thăng để ra khơi đánh cá ông Phạm Ngọc Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đức Khải mới đây tái khẳng định với truyền thông “đây là kế hoạch nằm trong chiến lược phát triển của công ty không phải nói vui”.

Theo kế hoạch, trong tháng 8/2014, 45 con tàu đầu tiên được mua từ Hàn Quốc sẽ được đưa về Việt Nam. Sau đó được sơn sửa, đăng ký thủ tục pháp lý trước khi được đưa vào khai thác. Còn lại 55 con tàu sẽ tiếp tục được Công ty Đức Khải tìm mua tại các nước như Nhật Bản, Úc. 

Ngay lúc này dù chưa có con tàu nào của Công ty Đức Khải cập bến về Việt Nam nhưng nhiều nghi ngại liên quan thủ tục pháp lý được đưa ra. Cụ thể, theo quy định Việt Nam không cho phép nhập tàu có tuổi sử dụng quá 8 năm, trong khi theo chia sẻ của ông Lâm tàu cá của ông đều có tuổi sử dụng khoảng 12 năm. 

Mẫu tàu Đức Khải sẽ tham gia đánh bắt tại ngư trường chủ quyền Việt Nam.
Mẫu tàu Đức Khải sẽ tham gia đánh bắt tại ngư trường chủ quyền Việt Nam.

Cùng với thủ tục pháp lý là vấn đề bảo hiểm cho tàu khi ra khơi. Phân tích về khía cạnh này, ông Nguyễn M.T - nguyên Giám đốc chi nhánh Bảo hiểm AAA cho biết: Thực tế có nhiều hợp đồng bảo hiểm tàu thủy khác nhau. Trong đó vó có hai loại hình bảo hiểm chính. 

Thứ nhất bảo hiểm trách nhiệm nhân sự, bảo hiểm trách nhiệm nhân sự người thứ ba. Hiểu đơn giản hơn đó là công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho tàu khác khi tàu được bảo hiểm đâm va. Đây là loại bảo hiểm bắt buộc phải mua trước khi tàu ra khơi. 

Loại hình thứ hai, mua bảo hiểm vật chất cho con tàu với gói bảo hiểm này công ty bảo hiểm phải đứng ra chi trả cho doanh nghiệp, cá nhân sở hữu tàu được bảo hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố hỏng hóc, chìm, đắm… với giá trị bằng giá trị gói bảo hiểm đó. Đây chính là loại hình mà đơn vị bảo hiểm dễ gặp rủi ro vì khó kiểm soát những sự cố tàu thủy trên biển.

Tuy nhiên loại hình bảo hiểm này, công ty bảo hiểm sẽ phải căn cứ vào một số vấn đề như tuổi con tàu. “Có nhà bảo hiểm chỉ chấp nhận bảo hiểm cho con tàu dưới 10 tuổi, tuy nhiên có công ty bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm cho tàu 20 năm tuổi, căn cứ vào tuổi của tàu để đưa ra tỉ lệ mức phí. Bên cạnh đó căn cứ vào giá trị con tàu khi mua để có mức bảo hiểm phù hợp”, ông Tuấn cho biết.

Từ thông tin trên có thể khẳng định chắc chắn Công ty Đức Khải sẽ phải mua bảo hiểm trách nhiệm nhân sự để đảm bảo thủ tục trước khi ra khơi, đây sẽ thêm một phần chi phí cho doanh nghiệp. Nên nhớ 70% vốn thực hiện dự án được Công ty Đức Khải vay ngân hàng. 

Trong khi đó với loại hình bảo hiểm vật chất cho con tàu, ông T cho rằng sẽ rất ít công ty bảo hiểm dám mạo hiểm bán loại hình bảo hiểm này cho công ty Đức Khải, hoặc nếu bán sẽ với giá trị thấp kèm theo nhiều điều khoản do tàu cá của Đức Khải là tàu cũ có tuổi sử dụng khá lâu.

Tuy nhiên để bảo toàn nguồn vốn, theo ông T trong trường hợp tàu của Công ty Đức Khải ra khơi mua bảo hiểm vật chất con tàu công ty bảo hiểm nên đưa vào điều khoản loại trừ bảo hiểm trong trường hợp gặp rủi ro...

Bài học quảng bá thương hiệu 

Bên cạnh vấn đề trên, không ít người cho rằng việc ông Phạm Ngọc Lâm đưa ra kế hoạch mua tàu cá, trực thăng lúc này nhằm đánh bóng tên tuổi, quảng bá cho thương hiệu Đức Khải.

Phân tích ở khía cạnh này, chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng một chiến dịch PR của doanh nghiệp đưa ra để được đánh giá là thành công phải có 4 yếu tố chính: Sức hút đối với giới truyền thông; Sự ủng hộ của giới truyền thông; Sự ủng hộ của người tiêu dùng; Cuối cùng gắn được thương hiệu với nhận thức tích cực từ phía người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, ba yếu tố đó không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Với trường hợp của ông Phạm Ngọc Lâm và thương hiệu Đức Khải: Sự kiện ông Lâm đưa ra kế hoạch mua tàu để khai thác trên ngư trường Hoàng Sa tung ra trong đúng thời biển Đông đang dậy sóng rõ ràng đã đạt được yếu tố tạo sự chú ý của giới truyền thông và sự ủng hộ của người tiêu dùng. Thương hiệu của Công ty Đức Khải cũng như thương hiệu cá nhân của ông Phạm Ngọc Lâm đã thực sự in dấu trong tâm trí người tiêu dùng nói chung với một hình ảnh đẹp. 

“Về những nghi ngại rằng tại sao mua tàu cũ chứ không mua tàu Việt Nam? Tại sao lại đưa ra thông tin trong thời điểm "nhạy cảm" này? Độ khả thi của kế hoạch kinh doanh đến đâu? Điều này rõ ràng một doanh nghiệp nếu xác định mở rộng kinh doanh trong một lĩnh vực mới sẽ phải có sự tính toán riêng của họ. Ông Phạm Ngọc Lâm cũng sẽ phải có bài toán riêng để làm sao dự án của mình có thể vận hành được hiệu quả và sử dụng đồng vốn một cách tốt nhất”, ông Tùng nhận định. 

Trong trường hợp của ông Phạm Ngọc Lâm và thương hiệu Đức Khải, có thể thấy bài học đối với doanh nghiệp Việt trong vấn đề marketing thương hiệu. Một kế hoạch marketing hay khi tung ra thị trường nếu đúng thời điểm sẽ nhận được sức cộng hưởng lớn từ phía truyền thông và xã hội. Kế hoạch của ông Phạm Ngọc Lâm rõ ràng rất hay và tung ra đúng thời điểm. 

“Đó là tư duy của một doanh nhân thông minh và khôn ngoan. Kể cả trong trường hợp ông Phạm Ngọc Lâm có sử dụng những kỹ thuật PR cho doanh nghiệp của mình, theo tôi mục đích cuối cùng vẫn hoàn toàn rất tốt. Bởi hiệu ứng của ông rõ ràng đã tạo được sự đồng tình mạnh mẽ của xã hội, khơi gợi tình thần yêu nước của người Việt và tạo dựng hình ảnh thương hiệu một cách tích cực. Dĩ nhiên, từ kế hoạch đến thực thi vẫn là một khoảng cách dài”, chuyên gia Marketing Hoàng Tùng nhận định. 

Hồng Minh