Đám cưới siêu sang: "Trò chơi lố bịch của những đại gia mới giàu"

14/03/2012 13:33
Bình An (Thực hiện)
(GDVN) - "Tôi thấy qua những đám cưới tổ chức siêu sang của các 'đại gia' mới nổi kia thật là lố bịch, đó là sự hợm hĩnh của những kẻ tiền nhiều, trí tuệ ít?"
Những câu chuyện đại gia tổ chức đám cưới siêu sang gây xôn xao dư luận vẫn chưa dừng lại. Lật lại những trang viết về đám cưới này nhiều người không khỏi giật mình vì sao lại có những người giàu "khủng" đến như vậy.

Tuy nhiên, sau đám cưới dường như cái gia chủ nhận được chỉ là sự cười chê của thiên hạ. Những bà mẹ đại gia muốn tổ chức cho con mình một đám cưới để đời và nhiều người biết đến nhưng cuối cùng cái để đời ở lại không phải là sự ngưỡng mộ, khen ngợi mà là những cái chê trách, bình luận, châm chọc…
Để có cái nhìn sâu sắc hơn về những đám cưới siêu sang này, PV báo GDVN đã tiếp tục có cuộc trao đổi với Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội..

Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng trong một buổi thuyết trình (Ảnh: Internet).
Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng trong một buổi thuyết trình (Ảnh: Internet).

PV: Thưa ông, dư luận cả nước nói chung và dư luận Hà Tĩnh, Cần Thơ nói riêng đang xôn xao bàn tán về đám cưới vài chục tỷ được tổ chức ở địa phương của họ. Về mặt văn hóa, ông có nhận xét gì về cách “chơi trội” của những nữ đại gia này?

"Đối với cá nhân tôi, theo dõi diễn biến của những cái đám cưới được gọi là “khủng” này tôi chỉ gói gọn vào hai chữ “khôi hài", TS Hùng nhấn mạnh.
TS Thế Hùng: Người Việt Nam chúng ta đám cưới là dịp tri ân bạn bè, họ hàng và mang tầm văn hóa dân tộc lâu đời. Một số gia đình giàu có, đám cưới là dịp họ chứng tỏ kinh tế, tiền bạc cho họ hàng con cái biết khả năng kinh tế của họ. Nhưng chưa ai mạnh tay sử dụng vài chục tỷ đồng cho đám cưới của con. Nếu sử dụng đồng tiền trong đám cưới xa hoa, lãng phí như hai nữ đại gia Cần Thơ và Hà Tĩnh  thì tôi thấy thật khôi hài. 

PV: Một đám cưới mang lại niềm vui, cơ hội được nghe ca sĩ hát, được ngắm những đoàn xe siêu sang cho mọi người là mục đích tổ chức của những đại gia này, vậy khôi hài ở điểm gì, ông có thể chỉ rõ, cụ thể hơn?

TS Thế Hùng: Khôi hài là một thứ hợm hĩnh của những người không biết gì về văn hóa. Người có tiền có trí tuệ không làm trò đó. Tôi biết có những người dù người ta có rất nhiều tiền nhưng họ vẫn kín kẽ, không khoe mẽ. Trường hợp khôi hài này xảy ra ở những lớp quý tộc mới nổi có cơ may giàu lên nhờ buôn bán vàng bạc, bất động sản…vì phất lên nhanh nên tầm văn hóa của họ kém. Họ hành động ngông cuồng, ngạo mạn, lố bịch. Đối với cá nhân tôi, theo dõi diễn biến của những cái đám cưới được gọi là “khủng” này tôi chỉ gói gọn vào hai chữ “khôi hài”
Sau đám cưới họ nhận được cái gì chắc trước khi tổ chức đám cưới họ không lường trước được đó là sự cười chê của thiên hạ. Một số tiền mấy chục tỷ để ném ra xe hoa sang trọng, thuê ca sĩ đắt tiền điều đó nó không quan trọng bằng vấn đề con cái lấy nhau có hạnh phúc hay không, con cháu của họ có thành đạt hay không. Tôi thấy cách ứng xử như thế của nữ đại gia Diệu Hiền hay bà Nguyễn Thị Liễu ở Hà Tĩnh là phi văn hóa. 

PV: Theo ông việc “chơi trội” thể hiện như thế nào để không mang tiếng là khoe mẽ, hợm của?

TS Thế Hùng: Đối với tôi, khoe giàu có, sung sướng với người nghèo là dã man.  Một con người có tình người, có nhân văn không bao giờ họ làm thế cả. Xã hội càng văn minh, phát triển sự chệnh lệch giữa người giàu và người nghèo càng nhiều nhưng xử lý đồng tiền như thế nào lại là vấn đề?
Tôi thấy kiếm được đồng tiền đã khó nhưng chi đồng tiền như thế nào lại càng khó hơn. Tiền sẽ tham gia vào chất lượng của sống của con người nhưng chất lượng sống phải như thế nào cho có văn hóa không phải người tiêu tiền nào cũng làm được. Chi tiền nhiều cho đám cưới lên đến vài chục tỷ thì nó quá xa vời với người bình thường và chi để ra oai với người nghèo thì không nên.

Việc cho con cái một đám cưới "khủng" chưa chắc đã phải là việc làm khôn ngoan của các ông bố, bà mẹ?
Việc cho con cái một đám cưới "khủng" chưa chắc đã phải là việc làm khôn ngoan của các ông bố, bà mẹ?

PV: Nhiều người cho rằng đó là quyền của họ, họ có tiền, họ có quyền khoe? Còn Tiến sĩ ông nghĩ như thế nào?

TS Thế Hùng: Họ có tiền thì họ có quyền khoe là đương nhiên nhưng khoe như thế nào cho hài hòa lại là văn hóa. Họ có thể cho âm thầm cho con cái đầu, cho con trí tuệ, người giàu cho con trí tuệ, đầu tư giáo viên giỏi nhất về dạy cho con nên người, đầu tư vào giá sách của con. Có tiền thì hãy mua những cuốn sách và cho con đọc để học cách sống, cách trưởng thành còn hơn lãng phí vào những đám cưới chóng tàn trong vài phút.
Đầu tư cho con cái trí tuệ và đầu tư cho con cái kiểu đó là đầu tư khôn ngoan nhất. Cần gì phải cho con nhiều tiền, nhiều xe, nhà đẹp, ăn uống vài chục tỷ. Người cực giàu tặng con một khoản tiền lớn nhưng họ không khoe khoang ầm ĩ. Còn cho con cái bằng cách thông báo cho cả thiên hạ là cách cư xử của những ông bố, bà mẹ nhiều tiền, ít chữ.

PV: Cá nhân ông, ông có bao giờ “chơi ngông” hơn những người khác?

TS Thế Hùng: Có chứ, nhưng cái chơi ngông của tôi khác mọi người. Tôi cho học trò về vật chất. Tôi còn nhớ cô sinh viên khoa văn trường tôi nghèo quá nên tôi đã cho tiền em học trò ấy để em có tiền mua sách. Trước lớp, tôi chỉ mong em học giỏi và em đó đã thành đạt. Chuyện tôi cởi áo giữa mùa đông cho học trò thì nhiều lắm, cho đàn ghi ta… tôi cho học trò của mình một cách có văn hóa để học trò của tôi nên người.
Bình An (Thực hiện)