Dân phản ứng chặn trạm thu phí, minh chứng cách làm BOT có vấn đề

11/01/2016 07:32
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, người dân chặn lối vào trạm thu phí Quán Hàu là minh chứng rõ ràng nhất những bất cập cách làm BOT của Bộ giao thông vận tải.

Không đi nhưng vẫn phải trả phí

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, người dân sống 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hai lần đưa phương tiện chặn lối vào trạm thu phí Quán Hàu vào các ngày mùng 4 và 10/1/2016 để phản đối việc tăng phí đường bộ vận tải. Đặc biệt là việc tăng phí xe dưới 12 chỗ ngồi (chủ yếu phương tiện cá nhân) từ 20.000 đồng/lượt lên 35.000 đồng/lượt từ rạng sáng ngày 4/1/2016.

Từ 6h sáng ngày 10/1, người dân đưa xe tải, xe con ra trạm thu phí để chặn trạm thu phí gây nên ùn tắc. Dù lực lượng chức năng sớm có mặt nhưng do mật độ giao thông dày đặc nên tuyến đường vẫn ách tắc nghiêm trọng.

Không bằng lòng với mức thu phí mới, hàng loạt tài xế xe tải đã dừng xe quây trạm thu phí Quán Hàu gây ách tắc giao thông cục bộ (ảnh: Tr.Trung - Báo Lao Động).
Không bằng lòng với mức thu phí mới, hàng loạt tài xế xe tải đã dừng xe quây trạm thu phí Quán Hàu gây ách tắc giao thông cục bộ (ảnh: Tr.Trung - Báo Lao Động).

Nguyên nhân, người dân phản đối nhiều năm qua phải trả tiền cho việc lưu thông qua đoạn đường để đi đến cơ quan làm việc hoặc thăm người thân nhưng nay mức phí lại tăng trong khi lý giải tăng phí hết sức vô lý.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trạm thu phí Quán Hàu được đặt trên quốc lộ 1A ngay cửa ngõ phía nam TP.Đồng Hới - Quảng Bình, nơi có mật độ phương tiện giao thông đi lại đông. Trạm thu phí Quán Hàu trực thuộc Công ty TNHH MTV BOT Trường Thịnh.

Được biết, việc tăng mức phí tại trạm thu phí Quán Hàu theo đề xuất của Công ty TNHH MTV BOT Trường Thịnh nhằm thu phí tuyến đường tránh lũ trên Quốc lộ 1 đoạn đi qua địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, song song với tuyến đường BOT tránh TP.Đồng Hới.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (gọi tắt Công ty Trường Thịnh) đầu tư nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Km 672+600 đến Km 704+900 theo hình thức BOT. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 10/2008, do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh xây dựng theo hình thức BOT. 

Dân phản ứng chặn trạm thu phí, minh chứng cách làm BOT có vấn đề ảnh 2

Lùi thời gian thu phí BOT chỉ là động tác lấy lòng dư luận của Bộ Giao thông

Dân phản ứng chặn trạm thu phí, minh chứng cách làm BOT có vấn đề ảnh 3

Làm đường, tăng phí BOT, anh đã hỏi dân chưa?

Dân phản ứng chặn trạm thu phí, minh chứng cách làm BOT có vấn đề ảnh 4

Muốn biết phí tăng cao hay thấp, phải kiểm toán ngay dự án BOT

Dự kiến ban đầu, sau 2 năm sẽ hoàn thành, với mức đầu tư 600 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế mức này đã đội lên hơn 1.000 tỉ đồng và phải đến năm 2014, việc xây dựng mới hoàn thành. Trong thời gian xây dựng, con đường này trở thành điểm nóng tai nạn giao thông của tỉnh Quảng Trị.

Tương tự, Công ty Trường Thịnh cũng được giao thực hiện đoạn đường tránh lũ dài 33 km đi qua địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, được đấu nối QL1 tại xã Võ Ninh (H.Quảng Ninh) và xã Hưng Thủy (H.Lệ Thủy). Đoạn đường này được xây dựng đưa vào hoạt động chưa đầy 2 tháng xảy ra lún khiến người dân bất bình.

Dù đoạn đường tránh lũ lún, kém chất lượng nhưng không hiểu vì sao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính vẫn đồng ý để Công ty Trường Thịnh được tăng mức thu phí tại trạm thu phí Quán Hàu để hoàn vốn một dự án đầu tư kém chất lượng.

Điều đáng nói, người dân bức xúc về việc tăng phí trạm thu phí Quán Hàu là bởi đoạn đường tránh lũ người dân không đi qua nhưng vẫn phải trả phí theo kiểu cùng nhà đầu tư là Công ty Trường Thịnh nên được thu gộp phí của nhiều con đường trên cùng 1 trạm.

Hệ lụy “Nhà nước phải mua lại?”

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia giao thông hiện tượng người dân chặn lối vào trạm thu phí Quán Hàu là hình ảnh điển hình minh chứng bất cập trong quản lý đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức đầu tư BOT của Bộ Giao thông vận tải.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, Bộ Giao thông vận tải khi thực hiện các dự án nâng cấp cải tạo hạ tầng giao thông với lý do không có vốn chuyển sang hình thức đầu tư BOT là không đúng theo nguyên tắc. Bởi vì không có vốn, người dân cũng không yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải làm bằng được.

“Đường người dân vẫn đi lại bình thường, không xuống cấp trầm trọng đến mức phải nâng cấp sửa chữa. Mặt khác, nếu muốn sửa chữa nâng cấp phải dùng tiền từ nguồn phí bảo trì đường bộ, nguồn ngân sách để không phải thu phí đường của dân. Nhưng không hiểu cớ sao Bộ Giao thông vận tải lại “đè” kêu gọi đầu tư BOT để thu phí?”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi.

Mặt khác, khi làm đường BOT và thực hiện thu phí cần tính toán tài chính rõ ràng, tính toán vốn bỏ ra bao nhiêu và mức phí thu, thời gian thu phí. 

“Tuy nhiên hiện nay, cách làm của Bộ Giao thông vận tải không minh bạch khiến doanh nghiệp đầu tư BOT được lợi còn người dân chịu thiệt.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ảnh: Hoàng Lực)
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ảnh: Hoàng Lực)

Bài toán tài chính kinh tế không làm nghiêm túc, cái không nghiêm túc ở đây không phải là họ không biết nhưng cố tình lờ đi. Thêm vào đó, các phương án tài chính tính toán ra sao chỉ nhóm lợi ích nhỏ biết còn chuyên gia, người dân không biết để góp ý”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Qua vấn đề bất cập quản lý đầu tư dự án làm đường BOT, GS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng vai trò Quốc hội chưa cao. “Quốc hội chúng ta đang thiếu những ủy ban chuyên trách để đánh giá việc này, đồng thời cũng chưa có kinh phí để chi cho chuyên gia thẩm định một cách khách quan độc lập tránh lợi ích nhóm”, ông Tống nói.

Bên cạnh đó, khi thực hiện làm đường BOT nói riêng và các dự án giao thông nói chung sau đó có thu phí, Bộ Giao thông vận tải phải tính toán phương án nếu người dân không lựa chọn đường BOT, vẫn có sự lựa chọn khác. Bởi với tuyến đường độc đạo, nếu cũng thực hiện BOT sẽ gây ra độc quyền khi bắt buộc người dân phải đi. Cùng với việc không thẩm định được nguồn vốn đầu tư ban đầu nên doanh nghiệp đầu tư tùy tiện tăng phí gây thiệt hại cho nhà nước.

“Đối với các nước, khi thực hiện nâng cấp hạ tầng giao thông luôn có nhiều sự lựa chọn cho người dân. Đường mới hay đường cũ là do người dân quyết định Bộ Giao thông vận tải không thể thay mặt người dân để quyết định phải đi đường mới và đóng phí thay vì tuyến đường cũ họ vẫn đang sử dụng. Đây là cái sai lớn nhất của Bộ Giao thông vận tải”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho hay.

Theo ông Tống, không nhất thiết phải cùng lúc đổ tiền đầu tư làm lại toàn bộ, nâng cấp toàn bộ hệ thống giao thông trong khi nền kinh tế còn khó khăn, sức mua người dân yếu. Còn với con đường bắt buộc phải nâng cấp bằng nguồn vốn BOT, phải công khai đấu thầu để tìm phương án tối ưu chứ không phải lờ mờ như hiện nay.

Với tuyến đường kêu gọi đầu tư BOT gây bức xúc cho dân, nếu tiếp tục có những phản ứng tương tự như tại Quán Hàu sẽ đến lúc nhà nước phải bỏ tiền mua lại trạm thu phí. Có nghĩa dùng tiền thuế của dân mua lại trạm thu phí, lúc đó nhà nước thiệt đơn thiệt kép.

Thiệt bởi thứ nhất không mua lại trạm thu phí thì dân bức xúc; thứ hai phải mua lại với giá cao theo cách tính không rõ ràng của doanh nghiệp đầu tư BOT; Thứ ba mua lại trạm thu phí tức mua lại dự án thì nhà nước lại phải bỏ tiền để nâng cấp sửa sữa một lần nữa với những tuyến đường BOT làm ẩu, vừa khai thác đã lún, nứt. 

Mai Anh