Để AgriBank "bết bát", ai chịu trách nhiệm?

29/07/2014 14:30
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Minh Phong, về nguyên tắc quản lý nhà nước khi để doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm và bị xử lý...

Những sai phạm nghiêm trọng của AgriBank

Trong số 3 ngân hàng hàng thương mại Nhà nước được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trong năm 2012, Ngân hàng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn (AgriBank) có nhiều sai phạm nghiêm trọng dẫn đến kết quả kinh doanh kém.

Trong đó số nợ có khả năng mất vốn tại AgriBank lên tới 23.652 tỷ đồng, chiếm 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ (vốn điều lệ của AgriBank tính đến 31/12/2013 là 29.605 tỷ đồng).

Agribank có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn (ảnh minh họa)
Agribank có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn (ảnh minh họa)

Kiểm toán nhà nước cũng khẳng định: Ngân hàng AgriBank thường xuyên vi phạm tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, tỷ lệ khả năng chi trả ngay và tỷ lệ khả năng chi trả 7 ngày đối với VND. Agribank có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn. 

Để AgriBank "bết bát", ai chịu trách nhiệm? ảnh 2

Tính đến hết năm 2012, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương của bà Dương Thị Bạch Diệp đang nợ Ngân hàng Agribank chi nhánh TP.HCM 3.700 tỷ đồng.

Cụ thể tại Ngân hàng AgriBank Chi nhánh TP.HCM, dư nợ của Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương đến 31/12/2012 là 3.700 tỷ đồng (gốc 2.967,7 tỷ đồng, lãi 732,3 tỷ đồng). Còn tại Chi nhánh Tân Bình, đến 30/6/2013, tổng dư nợ của nhóm khách hàng Đông Á là 200,5 tỷ đồng (gốc 148,1 tỷ đồng; lãi 52,4 tỷ đồng), của nhóm khách hàng là cán bộ tín dụng là 24,2 tỷ đồng (nợ gốc 20,88 tỷ đồng, nợ lãi 3,36 tỷ đồng)...

Nhìn vào những con số nợ xấu trên, đã có không ít câu hỏi về năng lực điều hành của lãnh đạo Ngân hàng AgriBank được dư luận đặt ra.

Bộ máy lãnh đạo hiện tại của AgriBank đã thay mới sau khi hàng loạt cán bộ chủ chốt của ngân hàng này dính vòng lao lý. Theo đó, gần đây nhất (đầu năm 2013), ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank bị bắt về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi năm 2012, hàng loạt các sếp lớn của chi nhánh ngân hàng này bị bắt.

Nhắc lại sự việc này để thấy, dường như động thái thay đổi, bổ sung nhân sự mới của AgriBank vẫn chưa mang lại kết quả khởi sắc cho ngân hàng này.

Để AgriBank bết bát, ai chịu trách nhiệm?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế độc lập khẳng định: “Chắc chắn để AgriBank hoạt động yếu kém, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên theo TS Nguyễn Minh Phong, vấn đề dẫn đến yếu kém của AgriBank là nợ xấu với số nợ có khả năng mất vốn cao và nợ xấu do hoạt động cho vay.

Vì vậy TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong hoạt động cho vay của AgriBank nên chia ra làm nhiều vấn đề: Thứ nhất, nếu khoản vay do Chính phủ chỉ định nhưng dẫn đến nợ xấu như cho Vinashin, thì trách nhiệm không thuộc về AgriBank. Thứ hai, nếu nợ xấu xảy ra tại các đơn vị uy tín lâu năm, AgriBank cũng không thể chủ động đối phó, vì thế đây là yếu tố khách quan.

Thứ ba, nếu khoản vay dẫn đến nợ xấu xuất phát từ việc cho vay sai quy định, sai nguyên tắc thì trách nhiệm thuộc về lãnh đạo của AgriBank.

Cũng đưa ra quan điểm về việc cần phải xử lý trách nhiệm với lãnh đạo của các ngân hàng khi ngân hàng hoạt động yếu kém, trong lần trả lời báo chí TS Nguyễn Đức Kiên - Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hiện nay các cổ đông của ngân hàng thương mại cổ phần đang phải chịu thiệt hại vì một số cán bộ điều hành, hoặc do kém hiểu biết, hoặc do tư lợi cá nhân. Ngay cả nền kinh tế cả nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song chúng ta chưa xử lý được trách nhiệm của những cá nhân này. Trong một nền kinh tế thị trường, như vậy là chưa công bằng.

Nhìn thẳng tồn tại trong hoạt động cho vay của ngân hàng hiện nay, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, các ngân hàng khi thực hiện cho vay thường nhìn vào tài sản thế chấp để đảm bảo nguồn vốn hơn là kế hoạch kinh doanh, dự án phát triển của doanh nghiệp. Chính vì vậy xảy ra trường hợp cùng tài sản nhưng được thế chấp tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Ngoài trách nhiệm quản lý của lãnh đạo các ngân hàng, yếu kém của ngân hàng thương mại có phần trách nhiệm lớn thuộc về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cơ quan quản lý nhà nước.

Đặt vấn đề hàng năm NHNN và các cơ quan quản lý đều tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động, theo dõi con số tổng hợp báo của cơ quan kiểm toán nếu ngân hàng hoạt động kém cần tìm hiểu nguyên nhân, nếu do điều hành cần phải xử lý.

Theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước sửa đổi, người lao động có thể bỏ phiếu tín nhiệm một số chức danh lãnh đạo. Đặc biệt giám đốc doanh nghiệp nhà nước sẽ bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu để công ty lỗ hai năm liên tiếp.

Thực tế ngày 20/4/2014, Bộ Công thương đã ra quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Phú Hưng - Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) do Công ty mẹ VNSTEEL kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong hai năm 2012 và 2013, khoản lỗ lần lượt là 538 tỷ đồng và xấp xỉ 290 tỷ đồng. 

Từ câu chuyện của VNSTEEL, liệu rằng lãnh đạo AgriBank có bị miễn nhiệm nếu ngân hàng này tiếp tục hoạt động yếu kém?

Hoàng Lực