Để Vinashin phá sản là ý kiến cực đoan, thiếu trách nhiệm

21/09/2013 07:19
Lực Hoàng
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Minh Phong, ý kiến cho rằng không nên tái cơ cấu mà để Vinashin phá sản sau đó xây dựng lại từ đầu là "cực đoan" và thiếu trách nhiệm...
Những ngày qua thông tin tái cấu trúc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Từ Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã có Nghị quyết về tiếp tục tái cơ cấu Vinashin một cách cơ bản, toàn diện, triệt để, bảo đảm giữ được các cơ sở đóng tàu và sửa chữa tàu thủy có truyền thống, có điều kiện và khả năng phát triển dài hạn, duy trì cơ bản năng lực của ngành đóng tàu, giảm tối đa thiệt hại, sớm khắc phục tình trạng thua lỗ và từng bước phát triển bền vững.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, kết thúc thí điểm mô hình Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy thuộc Bộ Giao thông Vận tải, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, tập trung vào đóng và sửa chữa tàu thủy.

Nhà máy đóng tàu Thịnh Long - Vinashin.
Nhà máy đóng tàu Thịnh Long - Vinashin.

Trong đó 8 công ty con được giữ lại trong mô hình tái cơ cấu và 69 doanh nghiệp thuộc danh sách chuyển giao, sáp nhập, cổ phần hóa, bán, chuyển nhượng vốn. Theo ông Vũ Anh Tuấn - quyền TGĐ Vinashin, Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đã được Chính phủ phê duyệt, tổng số đơn vị phải thực hiện rút vốn thương hiệu là 105 DN (thuộc 2 nhóm), trong đó có 37 đơn vị đã tổ chức đại hội cổ đông, 32 đơn vị thống nhất thông qua chủ trương rút vốn thương hiệu của Tập đoàn và có 23 đơn vị đã làm việc với các Sở KH&ĐT để thực hiện các thủ tục giảm vốn điều lệ.

Đáng chú việc giải quyết tái cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cho Vinashin Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã đã thống nhất chuyển gần 20 doanh nghiệp của Vinashin trong diện chuyển giao sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).

Liên quan đến những điểm mới trong Đề án tái cơ cấu Vinashin, đặc biệt việc chuyển giao không ít doanh nghiệp đang “chết lâm sàn” của Vinashin sang SCIC và DATC liệu có thêm gánh nặng cho 2 doanh nghiệp này? Cũng như những thông tin xung quanh việc nên hay không nên phá sản Vinashin? Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Hà Nội.

TS Nguyễn Minh Phong: "Ý kiến để Vinashin phá sản là thiếu trách nhiệm cực đoan".
TS Nguyễn Minh Phong: "Ý kiến để Vinashin phá sản là thiếu trách nhiệm cực đoan".

- Thưa TS Nguyễn Minh Phong, ông đánh giá thế nào về Đề án tái cơ cấu Vinashin?


TS Nguyễn Minh Phong: Thời gian qua nhiều thông tin liên quan đến việc tái cơ cấu Vinashin tôi cho là rất tích cực. Đầu tiên việc nước Anh chấp nhận chờ tái cơ cấu xong trả nợ chứ không đòi nợ như trước đây. 
Thứ hai Vinashin đã quyết định chỉ giữ 8 công ty gốc chuyên ngành đóng tàu để thực hiện tái cơ cấu toàn diện như Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Cam Ranh, Sông Cấm, Thịnh Long, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn. Còn lại giải tán hoặc chuyển giao cho SCIC và DATC.Thứ ba việc cơ cấu lại nợ quốc tế để không làm mất uy tín, cụ thể đề xuất tái cơ cấu nợ của Vinashin đã nhận được sự nhất trí của các chủ nợ nắm giữ 75% số nợ và 51% tổng số chủ nợ. Tôi cho rằng bước đầu những thay đổi này cũng tạo ra sự chuyển biến so với bức tranh tối của Vinashin trước đây. Việc đưa một số doanh nghiệp trong diện chuyển giao sang SCIC và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) là một cách hợp lý để giải quyết hậu quả đầu tư đa ngành quá lớn, không tập trung vốn. Đặc biệt trước mắt có ý nghĩa lớn nhằm giảm gánh nặng mà Vinashin đang phải nuôi những doanh nghiệp này.- Hầu hết các doanh nghiệp thuộc Vinashin đều có vấn đề, có doanh nghiệp rơi vào tình trạng“chết lâm sàng”, vậy thưa ông, liệu việc chuyển giao những doanh nghiệp này sang SCIC và ADTC có là gánh nặng cho hai công ty này?
TS Nguyễn Minh Phong: Trong câu chuyện này nó giống như việc người ta phải chặt bỏ bớt bộ phận ốm yếu trên cơ quan nào đấy. Nói cách khác cơ quan quản lý đã có động tác bóc tách những doanh nghiệp yếu kém tập chung về một mối là SCIC và ADTC để “đại phẫu” hoặc là bước quá độ sau đó sẽ có phương án tiếp theo để xử lý. Việc làm này có ý nghĩa lớn để đảm bảo một cơ thể Vinashin mới khỏe mạnh vì đây là đề án tái cơ cấu Vinashin. Chúng ta nên hiểu Vinashin hoặc đúng hơn là ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam dù muốn hay không vẫn phải tồn tại và đều phải phát triển. Một ngành công nghiệp tàu thủy buộc phải có ở Việt Nam, trong bối cảnh này nên làm sạch nó chặt bớt những cái gì dễ gây ung thư  tái phát là cần thiết. - Vậy theo ông, để giải được thành công bài toán tái cơ cấu Vinashin cần phải có những điều kiện gì?
TS Nguyễn Minh Phong: Đây là câu hỏi cực lớn! Nhưng theo tôi chắc chắn sẽ có hai hướng: Thứ nhất phải tập trung vào đúng chuyên ngành được giao nhiệm vụ như đóng mới, sửa chữa tàu thủy… Thứ hai là “thay đổi máu” để có được cơ chế lành mạnh. Cụ thể có bộ máy lãnh đạo, đội ngũ nhân viên tốt hơn để đảm nhiệm dự án mới có triển vong. Về trước mắt, Vinashin mới nên tập chung thị trường trong nước vì chúng ta đang có hướng phát triển những ngành liên quan kinh tế biển. Về phía nhà nước nên giao cho Vinashin những dự án tàu thủy mà đáng ra phải mua ở nước ngoài thì nên giao cho Vinashin thực hiện, hoặc thực hiện các hợp đồng dịch vụ bên ngoài để tăng thương hiệu uy tín từ đó dần dần tăng chất lượng công nghệ, tạo thêm nhiều việc làm.

Cùng với đó trong quá trình tái cấu trúc có nhiều ngành công nghiệp phụ trợ thì cũng nên tìm đến Vinashin như là nơi để đặt hàng hoặc ngược lại.

- Ông đánh giá như thế nào về nhiều ý kiến cho rằng nên để Vinashin phá sản sau đó xây dựng lại từ đầu?

TS Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng ý kiến đó là cực đoan, thứ nhất nếu xây lại có nghĩa ta đi từ con số 0, lại xây nhà máy mới lại đóng nhữn con tàu ban đầu. Trong khi hiện nay chúng ta đã đang có sẵn mà tất cả đều là vốn nhà nước chứ không phải của tư nhân. Như mình đã nói dù muốn hay không kinh tế biển tại Việt Nam là phải có. Trong mục tiêu chúng ta phấn đầu năm 2020 kinh tế biển chiếm 50% GDP mà giờ lại muốn phá đơn vị đóng tàu lớn nhất đi thì bao giờ sẽ lại có.

Thứ hai Vinashin đã được đầu tư nền tảng nến thành lập doanh nghiệp mới thì cũng phải tiếp tục đầu tư lại, do vậy ý kiến kia là cực đoan. Tôi nói là “thay máu” nghĩa là thay đổi cơ chế, thay đổi lãnh đạo con người còn những người công nhân người lao động trình độ cao có sẵn phải sử dụng ngay đâu phải như mớ rau ý kiến đó rất thiếu trách nhiệm.

- Xin cảm ơn ông!
Theo trang IFRAsia, thuộc hãng tin Reuters, đề xuất tái cơ cấu nợ của Vinashin đã nhận được sự nhất trí của các chủ nợ nắm giữ 75% số nợ và 51% tổng số chủ nợ. 

Khoản nợ quốc tế 600 triệu USD mà Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mất khả năng thanh toán cộng thêm khoản lãi suất phát sinh và chưa thanh toán là 23 triệu USD, thành số trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero-coupon bond). Số trái phiếu này sẽ được Bộ Tài chính Việt Nam bảo lãnh, kỳ hạn 12 năm. Lãi suất của số trái phiếu này sẽ tăng 1% mỗi năm và sẽ được trả khi đáo hạn, cùng với tiền vốn.
Lực Hoàng