"Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nhằm bảo vệ lợi ích của Vietnam Airlines"

03/04/2017 08:32
Mai Anh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc đề xuất giá sàn đường bay nội địa của Cục Hàng không nhằm bảo vệ Vietnam Airlines trước sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ.

Dự thảo áp khung giá sàn cho dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Theo đó bên cạnh quy định nâng về khung giá trần, dư luận đặc biệt quan tâm đến đề xuất áp thêm giá sàn cho các đường bay nội địa và đã tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến các hãng hàng không về vấn đề này.

Được biết, dự thảo này nhận được sự ủng hộ của một số hãng hàng không như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và JetstarPacific, nhưng vấp phải sự phản đối từ hãng hàng không giá rẻ Vietjet.

Đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam sẽ giảm cạnh tranh trên thị trường - ảnh nguồn VTV.
Đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam sẽ giảm cạnh tranh trên thị trường - ảnh nguồn VTV.

Đi ngược quyền lợi người tiêu dùng

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, áp dụng giá sàn là việc không nên làm, đi ngược với quyền lợi người dân.

Quy định giá sàn có nghĩa bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp không thể hoặc không muốn giảm giá.

“Đề xuất này nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không như vậy không hợp lý.

Đáng nhẽ chính sách phải nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu”, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam - ảnh nguồn Doanh nhân Sài Gòn.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam - ảnh nguồn Doanh nhân Sài Gòn.

Theo ông Thỏa không nên quy định giá sàn, quy định giá sàn là chặn không cho doanh nghiệp cạnh tranh. 

“Khi có doanh nghiệp cạnh tranh và cạnh tranh càng lớn người tiêu dùng càng được hưởng giá hợp lý hơn chất lượng tốt hơn”, ông Thỏa khẳng định.

Ông Thỏa nhận định, việc đưa ra đề xuất giá sàn cho đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam có thể được hiểu Cục này lo ngại doanh nghiệp dùng hình thức bán giá quá thấp, dưới giá thành, bán phá giá – một hình thức cạnh tranh không lành mạnh.

"Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nhằm bảo vệ lợi ích của Vietnam Airlines" ảnh 3

Đề xuất khung giá sàn vé bay nội địa đi ngược định hướng kinh tế thị trường

"Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp nào đó bán phá giá, bán giá quá thấp đã có Luật Cạnh tranh khống chế cho nên không thể lẫn lỗn việc đó với vấn đề giá.

Giá là vấn đề được nhà nước cho phép cạnh tranh, doanh nghiệp phải thực hiện đúng luật, doanh nghiệp nào sai doanh nghiệp ấy phải chịu.

Quan điểm của Cục Hàng không cho rằng giá đường bay nội địa thấp cần áp giá sàn suy nghĩ đó là không ổn với xu hướng kinh tế thị trường” ông Thỏa nói.

Ông Thỏa nêu quan điểm, chỉ nên quy định giá trần để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, tránh việc doanh nghiệp có đường bay độc quyền đẩy giá quá cao. 

Bảo vệ lợi ích Vietnam Airlines

Điểm bất ngờ dự thảo của Cục Hàng không với đề xuất quy định giá sàn đường bay nội địa nhận được sự ủng hộ của hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar ủng hộ.

Vậy phải chăng chính sách giá, dịch vụ của hai hãng này không hướng đến quyền lợi của khách hàng?

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh Hascon cho rằng, việc Vietnam Airlines ủng hộ đề xuất của Cục Hàng không là điều dễ hiểu vì việc áp giá sàn bảo vệ quyền lợi cho hãng hàng không này.

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI. (Ảnh: Tamnhin.net).
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI. (Ảnh: Tamnhin.net).

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc phân tích, những năm quan thị trường hàng không phát triển mạnh với sự tham gia của Vietjet một hãng hàng không tư nhân.

Việc Vietjet lựa chọn phân khúc thị trường trung bình và giá rẻ với hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá vé đã làm tăng tính cạnh tranh.

Còn nhớ giai đoạn cách đây khoảng 10 năm thị trường hàng không có 3 doanh nghiệp Vietnam Airlines, Jetstar, Vasco. Trong đó thị phần chủ yếu do Vietnam Airlines nắm giữ, với số đường bay hạn chế, giá vé cao.

Tuy nhiên kể từ năm 2011 khi Vietjet bắt đầu tham gia thị trường hàng không thì Vietnam Airlines từ thế độc quyền đã phải san sẻ thị trường.

Với phân khúc giá rẻ Vietjet liên tục có chương trình khuyến mại giảm giá vé kích cầu tiêu dùng hàng không.

Chính sự tham gia Vietjet giá vé máy bay chặng bay nội địa Vietjet với có mức giá vài trăm nghìn đồng, thậm chí là 99.000 đồng, 0 đồng ở những chương trình khuyến mãi.

“Việc Vietjet đưa giá vé máy bay đường bay nội địa giảm ảnh hưởng đến thị phần của Vietnam Airlines. Vì vậy việc đưa ra giá sàn để kìm hãm không cho hãng hàng không giá rẻ giảm giá vé nhằm cứu Vietnam Airlines”, Tiến sĩ Phúc nhận định.

Tiến sĩ Phúc nhận định, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia với vốn nhà nước chiếm đa số, nhận được nhiều ưu đãi nhưng quản lý kém, bộ máy cồng kềnh dẫn đến khó giảm giá vé.

"So với hãng hàng không khác giá vé Vietnam Airlines cao hơn nhiều chất lượng không quá khác biệt. Vì thế Vietnam Airlines mất dẫn hành khách ở đường bay nội địa", Tiến sĩ Phúc cho biết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc đề xuất quy định giá sàn nhằm bảo vệ lợi ích của hãng hàng không Vietnam Airlines (Ảnh minh họa - Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất), nguồn ảnh: H.Lực
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc đề xuất quy định giá sàn nhằm bảo vệ lợi ích của hãng hàng không Vietnam Airlines (Ảnh minh họa - Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất), nguồn ảnh: H.Lực

Theo Tiến sĩ Phúc, trong kinh tế thị trường doanh nghiệp luôn muốn tiết giảm chi phí và tăng giá bán sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt với doanh nghiệp chiếm thị phần lớn ở thế độc quyền. Vì vậy, để tránh việc doanh nghiệp tự ý tăng giá thành, cơ quan quản lý đưa ra quy định giá trần.

Một yếu tố khác tác động lên giá thành sản phẩm, dịch vụ là quy luật "cung - cầu". Theo đó cung nhiều nhưng cầu ít giá thành phải hạ và ngược lại. 

“Nói như vậy để thấy việc cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quy định về giá sàn với giá vé hàng không là không phù hợp. Trong cơ chế thị trường nên để thị trường quyết định”, Tiến sĩ Phúc nói.

Mai Anh