Đề xuất đường bay "thẳng" tách thành hai chiều riêng biệt

05/10/2014 09:52
NHẤT NGÔN (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Đường bay thẳng Hà Nội – TP.HCM qua không phận Lào và Campuchia sẽ được tách thành 2 chiều riêng biệt, bay song song theo phân cách ngang.

Theo Cục Hàng không, qua các cuộc làm việc, Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) và Quân chủng Phòng không Không quân đều ủng hộ mở đường bay thẳng. Tuy nhiên, các phương án bay thẳng đều ảnh hưởng đến khu vực hoạt động của sân bay Thọ Xuân và Biên Hòa.

Vì vậy, khi hai sân bay trên không có hoạt động quân sự thì hàng không dân dụng (HKDD) thực hiện bay bình thường. Khi có hoạt động bay quân sự thì máy bay HKDD giữ độ cao từ 7.000m trở lên khi bay qua sân bay Thọ Xuân, 7.500m trở lên khi bay qua sân bay Biên Hòa hoặc bay vòng tránh khu vực sân bay Biên Hòa.

Căn cứ vào yếu tố trên, Cục Hàng không đã xây dựng phương án đường bay thẳng tối ưu cho cả chiều Bắc Nam và Nam Bắc thành hai đường bay 1 chiều song song.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cục Hàng không kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho phép xây dựng và khai thác đường bay thẳng song song một chiều Nội Bài – Tân Sơn Nhất và Tân Sơn Nhất – Nội Bài, cho phép Cục Hàng không phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đàm phán với các cơ quan của Lào, Campuchia, thống nhất thông số cụ thể của đường bay thẳng.

Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, sự khác biệt cơ bản nhất của đường bay đề xuất so với đường hiện tại là tạo ra một phân cách ngang để tách thành hai đường bay một chiều song song, khép kín. Trong khi đường bay hiện tại là đường hai chiều với phân cách dọc.

Cũng theo vị cục trưởng, các đường bay một chiều như vậy sẽ tạo ra sự hợp lý hơn trong phương thức cất hạ cánh ở hai đầu sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất nên rút ngắn được thời gian.

Chưa tiến hành bay thử nghiệm trên mô hình buồng lái giả định (SIM) song kết quả phân tích được Cục Hàng không thực hiện dựa trên phần mềm của Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho kết quả khả quan với cả hai đường bay này.

Đường hàng không thẳng một chiều Tân Sơn Nhất – Nội Bài (nối điểm đầu từ D6.0/249TSN đến đài DVOR/DME Vĩnh Phúc) so với đường hiện tại (W1) rút ngắn thời gian bay 5 phút trong trường hợp không phải tránh hoạt động bay quân sự tại sân bay Biên Hòa.

Còn nếu phải bay vòng tránh hoạt động quân sự tại Biên Hòa trong giai đoạn khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất, đường bay mới có tổng thời gian bay bằng đường bay hiện tại.

Trong khi đó, đường bay thẳng một chiều Nội Bài – Tân Sơn Nhất (nối từ điểm D7.0/R107 NOB đến điểm D14.0/R069 TSN) có thời gian bay ngắn hơn 6 phút so với đường bay hiện nay, nếu không phải bay vòng tránh hoạt động của sân bay quân sự Biên Hòa vào giai đoạn hạ cánh tại Tân Sơn Nhất.

Khi có hoạt động quân sự tại sân bay Biên Hòa thì đường bay này vẫn có tổng thời gian rút ngắn hơn một phút so với thời gian bay theo đường W1.

Phương án này nhận được sự ủng hộ của Quân chủng Phòng không không quân và Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng).

Về khoảng cách, theo lãnh đạo Cục Hàng không, do chưa bay thử nghiệm nên chưa nói chính xác con số, dù vậy, cự ly cũng tương đương với đường bay thẳng các hãng vừa thử trong tháng 9.

So sánh với đường bay thẳng vừa được các hãng thử nghiệm mới đây, Cục Hàng không cho rằng thời gian không vênh nhau nhưng đường bay một chiều sẽ thuận lợi hơn cho công tác điều hành cất hạ cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, để hiện thực hóa đường bay nói trên cần tiếp tục thảo luận với Cục Hàng không Lào và Ủy ban Nhà nước về Hàng không dân dụng Campuchia về việc dùng không phận hai nước này.

Ngày 26/8, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đã báo cáo Chính phủ đề nghị khởi động nghiên cứu lập đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM qua lãnh thổ Lào, Campuchia.

Bộ Giao thông đề nghị Thủ tướng cho phép cơ quan này chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan hàng không dân dụng của Lào, Campuchia và Văn phòng Tổ chức hàng không dân dụng thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương chuẩn bị các bước để mở đường hàng không thẳng Hà Nội - TP HCM trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hoạt động bay, hiệu quả kinh tế. Cụ thể là giảm thời gian bay, tiết kiệm chi phí cho các hãng hàng không, giảm khối lượng khí thải, mật độ bay dân dụng trên trục Bắc - Nam trong vùng trời Việt Nam.

Đầu tháng trước, trong cuộc họp để nghe lãnh đạo Cục Hàng không báo cáo việc bay thử nghiệm SIM theo đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia do một số chuyên gia đề xuất, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu các đường bay thẳng, trong đó có Hà Nội - TP HCM.

Ông Thăng cũng yêu cầu thành lập tổ công tác trực thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu và xem xét quy hoạch vùng trời, quy hoạch cảng hàng không, để đạt hiệu quả sử dụng. Tổ công tác này sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hàng không của Lào, Campuchia để thống nhất chủ trương thực hiện đường bay thẳng. Trong tháng 10 phải có kết quả cụ thể của đường bay Bắc - Nam và tiếp tục nắn các đường bay thẳng khác.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết ông không tin vào kết quả thử nghiệm bay ở Hệ thống buồng lái giả định (SIM).

Theo ông Thăng, nhiều chuyên gia có ý kiến, bay thẳng ít nhất phải tiết kiệm được 8 - 10 phút bay, như vậy mới đảm bảo hiệu quả đường bay.

Cũng theo ông Thăng, thử nghiệm đường bay thẳng để mang lại hiệu quả cho các hãng, phục vụ lợi ích người dân chứ không nhằm phân "thắng - thua" với ý kiến của một số người.

NHẤT NGÔN (TỔNG HỢP)