Điều gì khiến các "ông lớn" Việt Nam đổ xô rót tiền vào nông nghiệp?

30/07/2015 12:02
Nguyễn Hường (Theo Reuters)
(GDVN) - "Chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực toàn cầu vào năm 2050. Nếu chúng ta đầu tư cơ bản và chính xác, tiềm năng của nó sẽ là vô hạn"...

Reuters ngày 28/7 đưa tin cho biết, trong 3 thập kỷ sau chiến tranh, Việt Nam đã chuyển hướng từ nền kinh tế nông nghiệp xã hội chủ nghĩa sang xuất khẩu hàng dệt may các thương hiệu lớn và thiết bị điện tử.

Nhưng hiện nay,  nhiều "ông lớn" trong ngành thép, bất động sản, chứng khoán Việt Nam lại đổ xô rót vốn tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thủy sản đồng thời tìm cách mở rộng xuất khẩu các mặt hàng này ra nước ngoài.

Thị trường nông nghiệp Việt Nam vẫn nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác.
Thị trường nông nghiệp Việt Nam vẫn nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác.

Bên cạnh đó, những báo cáo được các chuyên gia quốc tế đưa ra gần đây cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu trong tương lai cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy các tập đoàn lớn của Việt Nam chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp.

"Chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực toàn cầu vào năm 2050. Nếu chúng ta đầu tư cơ bản và chính xác, tiềm năng của nó sẽ là vô hạn", Reuters dẫn lời ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch công ty môi giới chứng khoán Saigon Securities Incorp, doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư sang lĩnh vực xuất khẩu gạo, thủy sản và kinh doanh bán lẻ cho biết.

Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt điều, hải sản, hạt  tiêu, cao su. Giá trị xuất khẩu nông-thủy sản của Việt Nam năm ngoái đạt 24,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa được khai thác hết.

Theo Ngân hàng Thế giới, giá trị ngành kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 1,2 lần so với  giá trị sản xuất nông nghiệp cơ bản, trong khi con số này của Hàn Quốc là 2,7 lần. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam vẫn tốn hàng tỷ USD để nhập khẩu thực phẩm.

Mới đây, một công ty con chuyên về khoáng sản của Tập đoàn thép Hòa Phát đã chuyển hướng sang lĩnh vực chăn nuôi. Hòa Phát đã xây dựng một nhà máy mới với công suất hằng năm đạt 300.000 tấn thức ăn và dự kiến sẽ nâng sản lượng lên 1 triệu tấn, phát triển đàn lợn lên 1 triệu con mỗi năm vào năm 2020.

Giám đốc điều hành Trần Tuấn Dương trong cuộc họp cổ đông gần đây đã bày tỏ lạc quan về tiềm năng của ngành nông nghiệp bất chấp cạnh tranh gay gắt: "Mặc dù ngành này cực kỳ cạnh tranh, nhưng cũng giống như ngành công nghiệp thép, chúng tôi vững tin rằng chúng tôi sẽ thành công".

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, gần đây cũng đã mạnh tay đầu tư 91 triệu USD để trồng rau quả bên cạnh mảng kinh doanh truyền thống là trung tâm thương mại, trường học và bệnh viện.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đưa một công ty con vào hoạt động trong ngành chăn nuôi bò sữa có nhu cầu đang tăng cao nhưng vẫn phải nhập khẩu 1 tỷ USD mỗi năm, chăn nuôi bò giống ngoại lấy thịt và trồng cây công nghiệp.  

Thị trường thức ăn gia súc tại Việt Nam cũng có tiềm năng rất lớn. Hiện nay hàng nhập khẩu vẫn chiếm tới 42%. Ngành kinh doanh này trị giá 7 tỉ USD, nhưng lại bị chi phối phần lớn bởi các công ty nước ngoài như CP Group của Thái Lan, tập đoàn đang nắm giữ khoảng 20% thị trường Việt Nam.

Cơ hội từ các FTA

Các FTA mang lợi cơ hội miễn giảm thuế lớn giúp làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nông sản quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Các FTA mang lợi cơ hội miễn giảm thuế lớn giúp làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nông sản quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Reuters, việc Việt Nam tích cực theo đuổi các thỏa thuận FTA là một yếu tố khiến các tập đoàn lớn trong nước chuyển hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết mang lại cơ hội được miễn giảm thuế lớn nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Mới đây, Việt Nam đã ký FTA với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU), và hiện đang tích cực đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) và nhóm Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù việc ký FTA cũng đồng nghĩa với việc mở cửa cho các đối thủ nước ngoài, nhưng các tập đoàn trong nước cũng tỏ ra không chùn bước.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cam kết "sẽ cùng sánh bước với các doanh nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại một hội nghị gần đây về đầu tư tư nhân trong nông nghiệp.

Chính phủ Việt Nam đang xem xét ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp nếu họ đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện năng suất, chất lượng và công nghệ.

Tuy vậy, hiện chỉ có khoảng 1% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam, và có đến 90% trong số này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo chuyên gia phát triển nông thôn Chris Jackson của WB, hiện có nhiều cơ hội mới cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ liên kết với nhau để tạo thêm giá trị gia tăng và mở rộng ra các thị trường mới mà từng hộ nông dân không tận dụng được./.

Nguyễn Hường (Theo Reuters)