Doanh nghiệp còn chịu phiền hà vì "văn hóa có quà khi kiểm tra"

23/01/2019 06:34
Vũ Phương
(GDVN) - Ông Đậu Anh Tuấn lo ngại vấn đề thanh tra, kiểm tra vẫn gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp.

Ngày 22/1, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện nghị quyết 19 và giới thiệu nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, 5 năm qua Nghị quyết 19 (nay là Nghị quyết 02) đã đã đi vào cuộc sống, đã có thương hiệu và được doanh nghiệp, xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Người đứng đầu Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh và lo ngại đến hai chỉ số là chỉ số phá sản doanh nghiệp và chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng.

“Hai chỉ số này quan trọng nhưng đang xếp hạng rất thấp, trong 5 năm vừa rồi về căn bản không có thay đổi mấy. Trong đó chỉ số phá sản doanh nghiệp đã giảm 29  bậc sau 5 năm và chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc.

Nếu không tập trung cải thiện hai chỉ số này để vượt được ngưỡng cần có thì mức độ thị trường của nền kinh tế sẽ không thể lên được”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định hai chỉ số là chỉ số phá sản doanh nghiệp và chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng chưa được cải thiện. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định hai chỉ số là chỉ số phá sản doanh nghiệp và chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng chưa được cải thiện. Ảnh: Vũ Phương. 

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung chỉ ra: “Nếu doanh nghiệp phá sản nhanh chóng được xử lý thì sẽ chuyển cơ hội kinh doanh cho người khác. Tranh chấp hợp đồng được giải quyết nhanh chóng cũng sẽ giúp các bên tập trung làm việc khác, thế nhưng hiện nay hai chỉ số này thực sự không được chú ý đến”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: “5 năm thực hiện Nghị quyết 19, Chính phủ đã có sự thay đổi lớn về tư duy, tư duy so với khu vực và tầm nhìn thế giới về cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đứng đầu khối Asean. Giá như những lĩnh vực khác cũng chuyển động theo hướng này.

Chính phủ làm được nhiều việc, như năm 2018 theo quan sát của chúng tôi chưa có thời điểm nào có thay đổi rất cụ thể về cải cách môi trường kinh doanh.

Năm 2018, Chính phủ ban hành 25 nghị định, sửa đổi 80 Nghị định. Trong đó cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh rất nhiều. Nhìn 10 năm trở lại đây, chưa có năm nào có nhiều sản phẩm chính sách cụ thể như vậy”.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng chỉ rõ: “Nói về việc cắt giản, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh chúng ta vẫn đang nặng về đơn giản hóa, còn cắt giảm rất ít. Tỷ lệ cắt giảm chưa mạnh mẽ, mục tiêu của chính phủ là 50%, nhưng thống kê bao nhiêu chỉ cắt giảm được khoảng 10%.

Cắt giảm thủ tục kinh doanh cần làm mạnh mẽ hơn sẽ có hiệu quả tích cực.

Về cải cách tư pháp, tổng chỉ số liên quan đến hệ thống tư pháp của nước ta chậm được cải tiến.

Điều tra thực tế của VCCI cho thấy, môi trường kinh doanh sẽ không được thuận lợi nếu quyền hợp đồng, quyền tài sản nếu tranh chấp lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp thông qua hệ thống tư pháp chính thức không được bảo hộ.

Đáng lo ngại là xuất hiện hình thức đòi nợ thuê, tín dụng đen sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Điều tra cho thấy, doanh nghiệp có tranh chấp sẵn sàng khởi kiện ra qua hệ thống chính thức lên tòa án có xu hướng giảm. Đây là điều rất đáng lo ngại”.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp càng thành công, càng nổi thì càng phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra. Ảnh: Vũ Phương.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp càng thành công, càng nổi thì càng phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra. Ảnh: Vũ Phương. 

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, ngành tòa án vừa rồi có triển khai công khai các bản án, công bố án lện, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hành chính tòa án, nhưng vấn đề trên thực tế ngành tòa án thực thi như thế nào mới quan trọng.

Thủ tục xét xử ngắn gọn, ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng ngành tòa án triển khai khá chậm.  

Ông Đậu Anh Tuấn cũng bày tỏ sự lo ngại vấn đề thanh tra, kiểm tra vẫn gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp: “Trên thực tế thanh tra kiểm tra có giảm, nhưng tỷ lệ thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên vẫn còn cao.

Việc kiểm tra, thanh tra còn trùng lập, chồng chéo, diễn ra tương đối phổ biến. Nhiều cuộc thanh tra kiểm tra nằm ngoài kiểm soát của địa phương vì thanh tra cấp bộ tiến hành.

Xu hướng ứng dụng quản lý rủi ro chưa phổ biến. Như thế để xác định cần kiểm tra doanh nghiệp nào, điều này rất quan trọng. Quản lý theo rủi ro, chủ doanh nghiệp có khả năng vi phạm cao mới tăng cường kiểm tra.

Có thực tế đáng buồn, ở Việt Nam có tình trạng doanh nghiệp nào càng thành công, càng nổi thì càng đón nhận nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, vì văn hóa có quà khi kiểm tra, thanh tra”.

Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ, có lãnh đạo tỉnh than phiền cứ doanh nghiệp nào sản xuất hàng tiêu dùng như đồ ăn, đồ uống, mỳ tôm làm ăn được là bị kiểm tra vì cứ kiểm tra là có quà.

Nói về việc ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa được cải thiện, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng: “Vừa thực hiện điện tử vừa thực hiện bằng giấy tờ. Dường như đâu đó công chức nhà nước ít muốn thay đổi, cố tạo ra những khâu tiếp xúc bằng giấy tờ.

Điều quan trọng hơn, tiến tới nền kinh tế không dùng tiền mặt. Đại đa số người dân chưa tiếp xúc với dịch vụ ngân hàng, tài chính. Nếu như ai nào cũng tiếp xúc được với dịch vụ tài chính, ngân hàng sẽ rất có lợi cho nền kinh tế.

Lợi ở chỗ giảm chi phí giao dịch, tăng tốc độ giao dịch, tăng vòng quay đồng vốn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…".

Vũ Phương