Doanh nghiệp sữa kêu cứu: Không thể cứ “đè” lên doanh nghiệp

03/12/2015 07:18
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, phải làm rõ việc thu thuế suất thuế nhập khẩu trước đây với “Anhydrous Milkfat” và “Anhydrous Butterfat” đúng hay sai sẽ ra vấn đề.

Truy thu không hợp lý

Cho rằng bị truy thu thuế với mặt hàng Anhydrous Milkfat không hợp lý đến gần 1.000 tỷ đồng, mới đây 8 doanh nghiệp sữa cùng ký đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tại văn bản kiến nghị, các doanh nghiệp cho rằng hai mặt hàng nhập khẩu “Anhydrous Milkfat” và “Anhydrous Butterfat” (chất béo khan của bơ và chất béo khan từ sữa) về bản chất là như nhau với hàm lượng béo khoảng 99,8% và hàm lượng ẩm từ 0,1% trở xuống.

Kiến nghị của doanh nghiệp lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc áp mã số thuế vô lý của Tổng cục Hải quan.
Kiến nghị của doanh nghiệp lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc áp mã số thuế vô lý của Tổng cục Hải quan.

Các doanh nghiệp cho biết, ngoài việc khai báo của công ty, ngành hải quan đã nhiều lần lấy mẫu hàng hóa, gửi đi phân tích phân loại tại các trung tâm phân tích trong và ngoài ngành để xác định chính xác về bản chất, thành phần cấu tạo… và kết luận hai mặt hàng này là một và cùng thuộc mã số 0405.90.10 có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.

Do đó, các doanh nghiệp sữa cho rằng, việc Tổng cục Hải quan bất ngờ yêu cầu đổi mã số mặt hàng Anhydrous Milkfat, kéo mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng này tăng từ 5% lên 15% là mang tính áp đặt và không có căn cứ.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp sữa, ngày 2/12/2015 Tổng cục Hải quan đã có phản hồi thông tin chính thức với cơ quan báo chí, khẳng định “Anhydrous Milkfat” - dầu bơ khan và “Anhydrous Butterfat”- chất béo khan của bơ là 2 mặt hàng khác nhau, có mã số HS và thuế suất khác nhau. 

Doanh nghiệp sữa kêu cứu: Không thể cứ “đè” lên doanh nghiệp  ảnh 2

Hàng loạt doanh nghiệp sữa "kêu cứu" khẩn cấp lên Thủ tướng

Doanh nghiệp sữa kêu cứu: Không thể cứ “đè” lên doanh nghiệp  ảnh 3

Hàng loạt doanh nghiệp sữa "kêu cứu", Hải quan khẳng định "làm đúng"

Đối với hàng có tên thương mại “Anhydrous Milkfat”, mã số 0405.90.90 có suất thuế nhập khẩu là 15%. Trong khi đó, đối với hàng có tên thương mại “Anhydrous Butterfat” thuộc mã số 0405.90.10 có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.

Tổng cục Hải quan cho biết, trước đó đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, quy định phân loại thì đây là hai mặt hàng dầu bơ khan và chất béo khan của bơ là hai mặt hàng có thuế suất thuế nhập khẩu khác nhau. Nhưng thực tế khi nhập khẩu, một số doanh nghiệp nhập mặt hàng dầu bơ khan vẫn khai là chất béo khan của bơ.

Vì vậy, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng khai báo “Anhydrous Milkfat”- và “Anhydrous Butterfat”.

“Ở đây chúng tôi không khẳng định doanh nghiệp nào khai sai, khai đúng mà từ dấu hiệu đó chúng tôi có chỉ đạo cho các địa phương kiểm tra sau thông quan”, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp sữa và phản hồi từ Tổng cục Hải quan, trên khía cạnh pháp lý, trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, Ths.LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: “Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo Chi cục Hải quan thực hiện hồi tố nhưng sai nguyên tắc, không hợp lý”.

Theo đó, việc hồi tố (truy thu thuế suất) phải áp dụng nguyên tắc không tăng trách nhiệm pháp lý, không đặt ra quy định pháp lý mới. Nói cách khác, không thể “bê” văn bản quy định mới áp dụng cho quá khứ, nhất là khi chưa rõ trách nhiệm các bên.

"Bắt bí" doanh nghiệp?

Ở góc độ người làm chính sách, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công nhận định: “Trước khi nói việc truy thu đúng hay sai cần nhìn vào quá khứ việc thực hiện thu thuế suất, thuế nhập khẩu đúng hay sai sẽ rõ câu chuyện”.

PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (nguyên Trưởng Khoa Chính sách công - Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Ảnh H.Lực.
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (nguyên Trưởng Khoa Chính sách công - Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Ảnh H.Lực.

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Thứ nhất, nếu kết mức thuế suất thu trước đây là sai thì trách nhiệm thuộc về ngành hải quan. “Khi đó anh (ngành hải quan) phải xử lý nội bộ xem trách nhiệm cá nhân của ai, ra sao chứ không thể đè lên doanh nghiệp”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết. 

Thứ hai, nếu mức thu trước đây là đúng, thì hải quan không thể truy thu thuế bởi thời điểm đó quy định mức thuế suất cho mặt hàng chỉ có 5%, doanh nghiệp chấp hành đúng. Còn thời việc điều chỉnh chỉ áp dụng sau thời điểm có hiệu lực. 

Câu hỏi đặt ra tại sao sau bao nhiêu năm đến nay Tổng cục Hải quan mới phát hiện ra hai sản phẩm chất béo khan của bơ và chất béo khan từ sữa có thành phần đặc tính khác nhau, có hai mã HS khác nhau. Nên nhớ rằng chính Tổng cục Hải quan từng thực hiện kiểm nghiệm, phân tích thành tố 2 sản phẩm này.

Từ câu hỏi trên, PGS.TS Phạm Quý Thọ đặt nghi vấn: “Liệu có phải do chính sức ép, trong đó có sức ép ngân sách đang khó khăn dẫn đến việc Tổng cục Hải quan phải truy thu thuế suất một cách vội vàng?”.

LS Trương Thanh Đức (ảnh H.Lực)
LS Trương Thanh Đức (ảnh H.Lực)

Đặt ra vấn đề trách nhiệm quản lý, giám sát của ngành hải quan. LS. Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh: Đó là câu chuyện muôn thủa ngành thuế, hải quan. Đáng nhẽ ông làm sai ông phải chịu nhưng lại đẩy hết khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp. 

Theo LS. Trương Thanh Đức, việc truy thu của Tổng cục Hải quan trong trường hợp trên không hợp lý, áp đặt.

Để giải quyết vấn đề, theo LS. Đức cần áp dụng nguyên tắc pháp luật để xem xét ai đúng, ai sai.

“Nếu lỗi doanh nghiệp, doanh nghiệp chịu, còn với cơ quan hải quan ai đó làm sai thì phải chịu trách nhiệm, chứ không thể bắt doanh nghiệp ra để truy thu, làm như vậy còn gì luật lệ, là thị trường”, LS Đức nói.

Mặt khác theo LS Trương Thanh Đức, việc truy thu trở lại các năm trong khi doanh nghiệp đã quyết toán sổ sách, lời lãi chia cổ tức cho cổ đông là không hợp lý. Lại yêu cầu nộp thuế trong thời gian ngắn là bắt bí doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp sữa việc cơ quan hải quan áp dụng mã số thuế không đúng gây hệ lụy lớn:

Thứ nhất, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp với việc phải nộp bổ sung thuế một cách bất hợp lý từ một văn bản chỉ đạo của Tổng cục hải quan.

Thứ hai ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do hàng hóa đã được đưa vào sản xuất kinh doanh từ nhiều năm trước.

Thứ ba vi phạm các cam kết của Chính phủ Việt Nam với các Hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia.

Thứ tư việc áp mã số thuế mới sẽ làm tăng giá thành sản phẩm đối với sản phẩm sữa, đặc biệt là các sản phẩm sữa trẻ em mà chính phủ đang kiểm soát giá, do đây là nguyên liệu sản xuất chính.
Mai Anh