Doanh nghiệp vẫn bị nhũng nhiễu

18/08/2018 07:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo ông Lê Hoàng Châu, ngoài tốn kém nhất thì thủ tục hành chính cũng là điểm nghẽn trong sự phát triển của thị trường bất động sản.

Theo báo cáo được công bố Hội nghị “Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018” cho thấy quán quân trên bảng xếp hạng chỉ số chi phí thực hiện thủ tục hành chính là nhóm thủ tục thuế với chi phí trung bình ít nhất chỉ 73.000 đồng.

Trong khi đó, nhóm thủ tục xây dựng đứng sau cùng với chi phí lên tới 64,1 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) khẳng định, thủ tục hành chính đã được Hiệp hội nhận định là một trong 5 điểm nghẽn của thị trường bất động sản hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu. (Ảnh: Tạp chí Nhà Đầu tư)
Ông Lê Hoàng Châu. (Ảnh: Tạp chí Nhà Đầu tư)

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP nhằm thúc đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính và kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Một số Sở, ngành đã công bố các thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, liên thông, nộp hồ sơ qua mạng.

Nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiêu khê và trong một số cán bộ, công chức Nhà nước đã có biểu hiện né tránh, đùn đẩy không dám đề xuất vì sợ trách nhiệm.

Điều này dẫn đến việc thẩm định, phê duyệt dự án của doanh nghiệp bị gây khó, hồ sơ bị chuyển lòng vòng, tốn nhiều thời gian và chi phí.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp mất cả cơ hội kinh doanh.

“Hiện nay, vẫn còn vướng mắc trong giai đoạn xem xét "đủ điều kiện" trước khi nhận hồ sơ, hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần, kéo dài thời gian trong quá trình thụ lý.

Các Bộ, ngành chưa mạnh dạn phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để từ đó các Bộ, ngành tập trung vào công tác hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, thực hiện hậu kiểm chứ không chỉ chăm bẵm vào việc giữ lại quyền thẩm duyệt, thẩm định dự án của doanh nghiệp để lấy "phí", hoặc đi thanh tra, kiểm tra để "nhũng nhiễu", "hành" doanh nghiệp”, ông Châu đánh giá.

Ông Châu nhấn mạnh, riêng việc thẩm định thiết kế quy định trong Nghị định 59, ông không nhớ là đã bao nhiêu lần gửi kiến nghị, lên tiếng ý kiến về việc cần phải thay đổi.

Nghị định 59 cho phép Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố thẩm định thiết kế nhà từ 20 tầng trở xuống, còn từ 21 tầng trở lên phải đưa ra Bộ.

Doanh nghiệp vẫn bị nhũng nhiễu ảnh 2Nhóm ngành xây dựng có chi phí thủ tục đắt đỏ nhất lên tới 64 triệu đồng

Đến năm 2017, Nghị định 42/2017/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định 59, phân cấp thêm cho Sở Xây dựng được thẩm định thiết kế công trình nhà ở cấp 1 (dưới 25 tầng, tăng 4 tầng so với trước đây).

Nhưng trên thực tế, những dự án khu phức hợp dưới 25 tầng mà trong dự án có một công trình không phải nhà ở, thì toàn bộ dự án này vẫn phải được Cục Quản lý các hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm định.

“Tức là vẫn phải thẩm định 2 lần. Tuy nhiên, đơn vị thẩm định lại không chịu trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng.

Đơn vị thẩm định ký vậy thôi còn phải về xin giấy phép xây dựng ở cấp tỉnh. Bộ thẩm định nhưng Sở Xây dựng là nơi cấp phép. Nó rất lòng vòng”, ông Châu đánh giá.

Nhóm ngành xây dựng có chi phú tuân thủ thủ tục hành chính đắt đỏ nhất. (Ảnh minh hoa:giaoduc.net.vn)
Nhóm ngành xây dựng có chi phú tuân thủ thủ tục hành chính đắt đỏ nhất. (Ảnh minh hoa:giaoduc.net.vn)

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, ở trên thế giới, họ không làm kiểu đó.

Nhà nước chỉ xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy cách, quy hoạch….còn thủ tục để xem xét có đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn không là do dân sự làm.

Theo đó, đơn vị thiết kế là tư nhân hoặc cá nhân có chứng chỉ hành nghề.

Thẩm định thiết kế cũng là một đơn vị tư nhân khác có chức năng thẩm định. Còn chúng ta giờ ta mới đang từng bước đơn giản các thủ tục.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng, Chính phủ đã có thu thập, phân tích chi tiết từ đó sẽ có cơ sở để đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.

Điều này sẽ giúp tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận kinh doanh thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Được biết, để thực hiện báo cáo, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin của 3.000 doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hành chính trên cả nước trong 6 tháng cuối năm 2017.

Ông Ngô Hải Phan đánh giá dư địa cải cách còn rất nhiều. (Ảnh: VGP)
Ông Ngô Hải Phan đánh giá dư địa cải cách còn rất nhiều. (Ảnh: VGP)

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI) gồm 2 chỉ số thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp phải chi trả.

Chi phí thời gian là khoảng thời gian thực tế mà doanh nghiệp, tổ chức phải bỏ kể từ khi bắt đầu tìm hiểu thủ tục hành chính tới khi hoàn tất việc thực hiện thủ tục.

Cơ quan tính toán từ đó sẽ nhân với mức thu nhập trung bình của một người theo giờ (khoảng 25.000 đồng/giờ) để tính ra số tiền.

Còn lại, chi phí trực tiếp theo ông Phan là là các khoản như phí, lệ phí, chi phí tư vấn hay các chi phí không chính thức.

Đỗ Thơm