Doanh nhân Phạm Đình Nguyên đưa cà phê sạch đến Mỹ thế nào?

31/07/2013 13:31
Đỗ Tuyết (th)
(GDVN) - Sau khi giành được quyền sở hữu thị trấn Buford, Mỹ vào tháng 4/2012, mới đây (ngày 30/7), ông Phạm Đình Nguyên, chính thức công bố việc đổi tên Burfod thành PhinDeli, đây cũng là tên thương hiệu cà phê 100% Việt Nam siêu sạch, an toàn mà ông sẽ kinh doanh tại thị trấn này.
Thương vụ thị trấn Buford: Từ cơ duyên đến may mắn của DN Phạm Đình Nguyên

Ông Phạm Đình Nguyên sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chàng trai đầy nhiệt huyết này bắt đầu những tháng ngày làm thuê ở nhiều công ty khác nhau: Coca-Cola Việt Nam, Nokia Việt Nam, Công ty CP Hàng gia dụng quốc tế… Trước khi đứng ra thành lập và làm giám đốc Công ty Dịch vụ Phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), ông đã giữ vị trí giám đốc toàn quốc kênh hiện đại cho Tập đoàn Kinh Đô.

Chia sẻ về cuộc đấu giá thị trấn Buford vào tháng 4/2012, ông Phạm Đình Nguyên cho biết: Do tình cờ ông đọc được bản tin rao đấu giá thị trấn “nhỏ nhất nước Mỹ” Buford trên VnExpress.net với giá khởi điểm là 100.000 USD, ông bắt đầu quan tâm, tìm lại tin bằng tiếng Anh, qua những bài báo khác. 

Ông Phạm Đình Nguyên tại cây xăng ở thị trấn do mình làm thị trưởng.
Ông Phạm Đình Nguyên tại cây xăng ở thị trấn do mình làm thị trưởng.

Thông tin về buổi bán đấu giá thị trấn này đã được đưa lên mạng từ nhiều tháng trước, thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, đến 12g ngày 5/4 (khoảng 1g sáng 6/4 giờ Việt Nam), vị doanh nhân từ TP.HCM đã bay đến thị trấn Buford ngay trong ngày đầu tiên đấu giá và bất ngờ giành chiến thắng với giá đấu thầu 900.000 USD, vượt qua những người mua khác đến từ Hong Kong, New York, Florida, Kansas và Wyoming.
Thị trấn Buford rộng khoảng 40.000m2. Tại thời điểm đó, thị trấn chỉ có một cư dân với hạ tầng là một cửa hàng tiện lợi, một trạm xăng, một trạm điện thoại và khoảng 1.000-2.000 lượt người ghé qua mỗi ngày.
Sau khi giành được quyền sở hữu thị trấn Burfod, nhiều ý kiến cho rằng, ông Phạm Đình Nguyên đã trả giá quá cao để có được thị trấn này. Những người khác lại tỏ ra tiếc nuối khi một thị trấn đẹp như Buford lại được bán với mức giá "rẻ mạt". Và phần đông số người lại băn khoăn, không biết ông Nguyên sẽ làm gì ở một thị trấn nhỏ bé, lạnh lẽo như Buford.

Đáp trả tất cả những thắc mắc này, khi đó ông Nguyên tiết lộ, ông sẽ dùng Buford như là một bàn đạp tinh thần để giới thiệu các thương hiệu từ Việt Nam. Vị doanh nhân này cũng cho biết:  “Sở hữu một bất động sản tại Mỹ là mơ ước của tôi từ lâu. Khi tôi đọc được thông tin cuộc đấu giá thị trấn Buford này trên mạng, tôi rất hào hứng. Do đó tôi quyết định bay đến Wyoming để tham gia đấu thầu tại chỗ. Đây là một hành trình dài nhưng cuối cùng tôi cũng đến được. Đây là giấc mơ Mỹ”.

Triết lý kinh doanh "Không gì là không thể"

Theo thông tin mới nhất, doanh nhân Phạm Đinh Nguyên đang tận dụng cửa hàng tiện lợi rộng 200m2 có sẵn tại thị trấn Buford để mở quán cà phê. 

Tại đây, ông sẽ pha chế và bán trực tiếp hai nhóm sản phẩm là cà phê siêu sạch và thượng hạng thương hiệu PhinDeli, có trọng lượng 250-500 gam/gói, đảm bảo nguồn nguyên liệu sử dụng hạt cà phê đúng chuẩn, tuyệt đối không sử dụng các hóa chất độc hại tạo mùi, màu... 

Để quảng bá cho thương hiệu cà phê này, doanh nhân Phạm Đình Nguyên cho biết, ông không có nhiều tiền để thực hiện theo cách truyền thống  bởi chi phí quảng cáo ở Mỹ rất đắt. Một trang quảng cáo trên báo The Wall Street Journal là gần 500.000 USD. Còn những spot quảng cáo trên tivi thì tính bằng trăm ngàn USD. Theo đó, ông đã tạo ra một câu chuyện hay, hấp dẫn báo chí, Internet, đặc biệt là các mạng xã hội.

Sau khi đăng ký với cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) các thông tin chi tiết về công ty và sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ. Rồi quá trình sản xuất, lưu kho, cho đến vận chuyển các sản phẩm đều phải được cung cấp cho FDA... Đến nay ông Nguyên đã hoàn tất việc đưa sản phẩm cà phê vào giới thiệu và kinh doanh tại thị trấn này đúng lịch trình.

Nói về thương hiệu cà phê PhinDeli, ông Nguyên tiết lộ: Chữ “Phin” là từ đầu tiên trong phin cà phê, một vật dụng pha chế quen thuộc cho thức uống gần như là “quốc hồn quốc túy” của người dân Việt Nam. Còn Deli là viết tắt của chữ “delicious” - thơm ngon.

Ngày 30/7, ông Phạm Đình Nguyên chính thức công bố việc kinh doanh thương hiệu cà phê 100% Việt Nam này và xem đây là bước đệm để đưa các thương hiệu cà phê an toàn, chất lượng của Việt Nam ra nước ngoài. Để quảng bá sâu rộng hơn, ông quyết định đổi tên thị trấn Buford thành PhinDeli.

Lãnh đạo Công ty CP PhinDeli giới thiệu sản phẩm cà phê với khách hàng. Ảnh: Người lao động
Lãnh đạo Công ty CP PhinDeli giới thiệu sản phẩm cà phê với khách hàng. Ảnh: Người lao động

Theo thông tin đăng tải trên Người lao động khi nói về ý tưởng kihn doanh cà phê tại thị trấn nhỏ nhất  nước Mỹ, ông Phạm Đình Nguyên cho rằng: "Sẽ rất buồn cười nếu ai đó biết tôi là người không biết thưởng thức cà phê cũng như không rành về cà phê mà lại làm nên thương hiệu PhinDeli và đưa nó sang đất Mỹ. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, ý tưởng về việc đưa một sản phẩm có thế mạnh, đậm nét văn hóa Việt để gắn với Buford luôn ở trong đầu tôi. Tại sao không là cà phê với phong cách pha phin đặc trưng của người Việt. Nó đáng để quảng bá, để giới thiệu với thế giới quá đi chứ!”

Cùng với đồng nghiệp là ông Đỗ Quốc Tuấn (người từng làm giám đốc marketing tại Việt Nam cho Tập đoàn Kraft Foods, tập đoàn hàng đầu thế giới về cà phê), ông Nguyên đã bắt tay vào gầy dựng PhinDeli trong sự nghi ngờ của nhiều người bởi sự cạnh tranh của một thị trường cà phê khá khốc liệt. 

Tuy vậy, từ ý tưởng “không gì là không thể!” như khi tham gia đấu giá mua thị trấn Buford, ông Nguyên cho biết chính sự khác biệt của PhinDeli về chất lượng, an toàn và với bước đi riêng bởi sự hợp tác của một đơn vị có kinh nghiệm về ngành cà phê hơn 50 năm qua, ông đã tự tin rất nhiều về sự thành công của PhinDeli. Điều gây chú ý là thị trấn Buford sẽ đổi tên thành PhinDeli trong thời gian tới cùng với việc mở kinh doanh sản phẩm PhinDeli trên trang mạng amazon... Ông Phạm Đình Nguyên cho biết tất cả sản phẩm xuất sang Mỹ hay bán tại Việt Nam của PhinDeli đều có tiêu chuẩn và chất lượng như nhau. Chỉ khác là những dòng sản phẩm cao cấp hơn sẽ được chú trọng xuất sang Mỹ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cũng theo ông Đỗ Quốc Tuấn, hiện sản phẩm PhinDeli đã có mặt tại một vài siêu thị, dự kiến sẽ mở rộng tại tất cả các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa trên cả nước trong thời gian sớm nhất. Đối với thị trường Mỹ, PhinDeli sẽ được giới thiệu cho khách dùng miễn phí tại hệ thống cửa hàng rộng khoảng 200m2 được thiết kế ấn tượng với bức tranh dài 10 m. Đợt hàng đầu tiên của PhinDeli sẽ có 2 nhóm sản phẩm là siêu sạch (có 3 loại: ngày mới, giọt đắng, moka) và thượng hạng (Gold, Supreme, Espresso). Giá bán trung bình từ 140.000- 360.000 đồng/kg.
>> Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index
Đỗ Tuyết (th)