Đọc nhanh 20/3: Nông dân có nguy cơ mất nhà vì đại gia thủy sản

20/03/2012 19:00
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) -Nông dân có nguy cơ mất nhà vì đại gia thủy sản. Giá vàng lao dốc mạnh… là những tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 20/3.

1. Nông dân có nguy cơ mất nhà vì đại gia thủy sản

Trên VTV đưa tin: Thế chấp vay tiền ngân hàng để nuôi cá và bán cho Công ty Thủy sản Bình An nhưng đơn vị này chưa trả hàng trăm tỷ đồng, nhiều nông dân Cần Thơ đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất.



Tổng số tiền mà Công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) của nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền, còn nợ 45 nông dân Cần Thơ là 261 tỷ đồng. Hai người trong số này đã kiện Bianfishco ra tòa và thắng kiện nhưng vẫn chưa được công ty trả tiền (cả gốc lẫn lãi). Những nông dân khác cũng trong tình cảnh tương tự và đứng trước nguy cơ mất nhà cửa, đất đai vì bị ngân hàng siết nợ.

2. Giá vàng lao dốc mạnh

Tính đến 15h20 hôm nay, giá vàng miếng trong nước tiếp tục lao dốc, chính thức mất mốc 44 triệu đồng/lượng, khi giá vàng thế giới mất gần 14 USD/ounce.

Cụ thể, vàng SJC tại Hà Nội chỉ còn 43,63 triệu đồng/lượng (mua vào) - 43,78 triệu đồng/lượng (bán ra), tức giảm tới 360.000 đồng/lượng so với sáng nay.

Vàng lao dốc mạnh

Vàng lao dốc mạnh

Vàng miếng Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giảm 150.000 đồng/lượng, còn 42,4 triệu đồng/lượng - 42,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng trong nước hiện điều chỉnh giảm nhẹ so với mở cửa phiên sáng nay, lùi gần về mốc 44 triệu đồng/lượng (bán ra). Dù vậy, giá vàng miếng trong nước vẫn cao hơn thế giới trên 2 triệu đồng/lượng.

3. CPI Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng giảm tốc mạnh

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,19%, trong khi CPI tại TP Hồ Chí Minh đạt mức thấp kỷ lục trong 19 tháng. Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong số 10 nhóm hàng tăng giá, chỉ có 1 nhóm hàng tăng trên 2% là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (2,84%), nhóm giao thông tăng 1,36%, trong khi nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,8%.

 Còn theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, mức tăng CPI là 0,12%, thấp hơn nhiều so với tháng 2 (1,32%) và so với cùng kỳ năm 2011 (2,2%). Đây cũng là mức CPI tăng thấp kỷ lục trong vòng 19 tháng gần đây kể từ tháng 9/2010 tại TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm tới 0,74%, nhóm giao thông chỉ tăng 0,65% so với tháng trước. (Theo Hanoimoi online)

4. Tập đoàn Dầu khí phải rút khỏi dự án “khủng”

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ không tiếp tục thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại, Công viên giải trí và Tháp Dầu khí tại khu đất 25ha thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Tháp PVN Tower
Tháp PVN Tower

Mục đích chính là để PVN có thể tập trung nguồn lực cho hoạt động ngành nghề kinh doanh chính của mình, không thực hiện đầu tư dàn trải.

Theo đó, chủ mới của dự án sẽ được giao cho Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục thực hiện trên diện tích 21,2ha.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ tham gia góp vốn làm văn phòng của Tập đoàn với mức tối thiểu và không lấy tên của Tập đoàn trong dự án này, đổi tên Tháp Dầu khí sang tên khác (theo VTC News).

5. Chung cư mini rẻ hơn 200 triệu đồng/căn đang bùng nổ

Hiện nay, đang xuất hiện xu hướng nhóm người rủ nhau tự xây chung cư mini, rẻ hơn được 200 triệu đồng/căn.

 Giá cho một căn chung cư mini dao động từ 590 triệu - 660 triệu đồng. So với giá thị trường hiện nay, mỗi căn chung cư mini này sẽ rẻ hơn 200 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc phát triển chung cư mi ni là hướng đi tốt để giải quyết chính sách nhà ở cho người dân tại Thủ đô Hà Nội. Đây là hướng đi mới, linh hoạt của các cá nhân đầu tư vừa để giải quyết vấn đề nhà ở, vừa tiết kiệm chi phí xây dựng.

Sự ra đời của hàng loạt dự án chung cư mini đã giúp giải cơn khát về nhà ở cho người dân tại các TP lớn. (Dothi.net)

6. Người Sài Gòn thích dùng hàng Việt hơn người Hà Nội

Sáng nay (20/3), Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác triển khai công tác năm 2012. Báo cáo tổng kết cho thấy, hơn 80% người tiêu dùng mua và sử dụng hàng Việt.

 Theo số liệu nghiên cứu mới nhất về xu hướng tiêu dùng của công ty Nielsen (chuyên nghiên cứu thị trường) cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng (NTD) tại TP.Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ dùng hàng Việt; trong khi đó, tỷ lệ này ở Hà Nội thấp hơn 7%, đạt 83%. Trong đó, 59% NTD mua và sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt; 38% NTD khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 36% NTD chủ động khuyên người dân, bạn bè ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2012 phát huy hiệu quả, cơ quan chức năng cần phải kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu từ biên giới. Chống độc quyền, nhất là với những sản phẩm nhập khẩu, hay nguyên liệu nhập khẩu, ví dụ như sữa (Infonet).

7. Nguy cơ phá sản, SHN dư bán sàn 10,3 triệu cổ phiếu

Trước nguy cơ phá sản do không đòi được nợ, cổ đông SHN tiếp tục xả mạnh cổ phiếu, với lượng bán sàn duy trì trên 10 triệu đơn vị. 2 sàn đóng cửa cùng xanh điểm, Vn-Index vượt 440 điểm.

 Cổ phiếu SHN ngay từ đầu phiên đã được rao bán đầy trên sàn. Dư bán trần luôn đạt xấp xỉ 8 triệu- 10 triệu cổ phiếu trong khi dư mua trống trơn. Rõ ràng, nếu kịch bản HANIC phá sản xảy ra thì hơn 6.000 cổ đông hiện nắm giữ SHN sẽ mất trắng. Cổ phiếu SHN biến thành đống giấy lộn.

Thời gian giao dịch chiều, thị trường vẫn trong xu hướng giằng co nhưng nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng mà VN-Index đã có được một phiên tăng. 11 mã ngành tài chính trên sàn HOSE tăng mạnh. VN-Index chốt phiên chiều với mức tăng 2.2 điểm lên mốc 440.29 điểm. KLGD toàn sàn đạt 62.7 triệu đơn vị tương đương với 992 tỉ đồng.

Hương Trà (tổng hợp)