Đòi tăng chiết khấu cao, Big C có thể "gậy ông đập lưng ông"

14/05/2016 08:28
Mai Anh
(GDVN) - Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, việc Big C đòi tăng chiết khấu với doanh nghiệp Việt sẽ ảnh hưởng thương hiệu và dễ bị người tiêu dùng quay lưng.

Thời điểm nhạy cảm

Ngày 29/4/2016, Tập đoàn Central và Tập đoàn Nguyễn Kim công bố chính thức nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu euro (1,05 tỉ USD). 

Việc Big C Việt Nam rơi vào tay doanh nghiệp Thái Lan dấy lên lo lắng siêu thị này sẽ ngập tràn hàng Thái, và hàng Việt Nam sớm muộn cũng bị đẩy ra ngoài.

Những lo lắng ấy càng có cơ sở khi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiết lộ với báo chí văn bản gửi Big C Việt Nam đề nghị siêu thị này không tăng chiết khấu.

VASEP cho biết, để được tái ký hợp đồng mới, siêu thị Big C yêu cầu nhà cung ứng phải tăng thêm chiết khấu cho siêu thị này từ thêm 4,25%-5,5%.


Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi văn bản đề nghị Big C Việt Nam không tăng chiết khấu với doanh nghiệp xuất khẩu chế biến thủy sản - ảnh: Hoàng Lực.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)  gửi văn bản đề nghị Big C Việt Nam không tăng chiết khấu với doanh nghiệp xuất khẩu chế biến thủy sản - ảnh: Hoàng Lực.

Theo văn bản VASEP, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang phải chịu mứng chiết khấu từ 17% - 25%, trong khi theo tính toán doanh nghiệp chỉ tồn tại được ở mức chiết khấu bằng hoặc thấp hơn 15%. 

Mức tăng chiết khấu này khiến doanh nghiệp không có lãi và chỉ có lựa chọn duy nhất mang hàng ra khỏi Big C.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết: Big C Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao quyền sở hữu, là giai đoạn nhạy cảm nên bất cứ động thái nào cũng khiến dư luận quan tâm.

Đòi tăng chiết khấu cao, Big C có thể "gậy ông đập lưng ông" ảnh 2

Đòi tăng chiết khấu đến 25%, siêu thị Big C có ép được doanh nghiệp Việt?

(GDVN) - Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị HN nếu tất cả DN hàng Việt có mặt tại Big C đoàn kết, đưa hàng khỏi siêu thị, lúc đó chính siêu thị phải mời DN.

“Việc Big C đòi tăng chiết khấu là thỏa thuận kinh tế giữa siêu thị và nhà cung ứng dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Nhà cung ứng cần siêu thị và ngược lại siêu thị cũng cần nhà cung ứng.

Nếu yêu cầu tăng chiết khấu ở thời điểm khác sẽ không gây chú ý, còn lúc này là thời điểm nhạy cảm, chuyển giao quyền sở hữu... việc tăng chiết khấu sẽ khiến dư luận nghĩ theo chiều hướng khác”, ông Võ Văn Quang cho biết.

Theo ông Quang, hướng dư luận đang nghĩ đến hiện nay đó là "Big C đẩy hàng Việt cửa trước - rước hàng Thái vào cửa sau", lấy hàng Thái thay thế hàng Việt.

Ông Quang cho rằng, suy diễn này của dư luận có cơ sở khi ông chủ mới của Big C Việt Nam là người Thái Lan.

Vị chuyên gia thương hiệu này nhấn mạnh: Big C Việt Nam lựa chọn sai thời điểm đòi tăng chiết khấu.

“Đáng nhẽ Big C phải làm ngược lại, khi chuyển giao quyển sở hữu tức sẽ có sự thay đổi bộ máy lãnh đạo, Big C nên tranh thủ sự kiện này để tạo khuyến mại nội bộ - tức là gửi lời cảm ơn đến nhà cung ứng đã hợp tác với Big C trong suốt thời gian qua và triển khai giảm chiết khấu thấp hơn mức hiện nay để truyền đi thông điệp Big C dù đổi chủ nhưng không thay đổi quan điểm phát triển và kinh doanh tại Việt Nam”, ông Quang cho biết.

Nguy cơ người tiêu dùng quay lưng

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, sai lầm này của Big C Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng truyền thông trong tương lai, ảnh hưởng đến thương hiệu trên thị trường cũng như trong mắt người tiêu dùng Việt.

“Trong lúc dư luận, truyền thông đang kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, những nơi không có hàng Việt hoặc hàng Việt bị gây khó dễ sẽ đồng nghĩa với việc bị người tiêu dùng, dư luận, truyền thông quay lưng. Big C Việt Nam đang đứng trước nguy cơ như thế”, ông Quang cho biết.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - ảnh nhân vật cung cấp.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - ảnh nhân vật cung cấp.

Bên cạnh nguy cơ người tiêu dùng quay lưng, động thái tăng chiết khấu Big C Việt Nam sẽ tạo điều kiện để đổi thủ cạnh tranh chiếm lĩnh nguồn hàng của các nhà cung ứng. Đặt giả thiết, nếu các siêu thị lớn như Co.opmart, Lotte Mart, Vinmart… hạ chiết khấu chắc chắn thu hút nhà cung ứng, kèm theo đó là động thái chuyển nhà bán lẻ.

Big C sẽ mất thị phần nếu hàng hóa của doanh nghiệp lớn chuyển sang các siêu thị khác cộng với việc đưa thông điệp truyền thông Big C không bán hàng Việt. Giả thiết này nếu đúng sẽ cực kỳ bất lợi cho Big C.

PGS.TS Ngô Trí Long nhận định: Doanh nghiệp Việt không nên lo lắng việc Big C tăng chiết khấu.

PGS.TS Ngô Trí Long nhận định: Doanh nghiệp Việt không nên lo lắng việc Big C tăng chiết khấu.

Đặt giả thiết siêu thị này muốn đưa hàng Thái vào Việt Nam nhưng với hàng hóa đòi hỏi tươi, ngon như rau,củ quả, thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản doanh nghiệp Việt Nam luôn chiếm ưu thế.

Hơn nữa nếu đế chiếm lòng tin của người tiêu dùng Việt thì hàng hóa từ Thái Lan còn xếp sau hàng hóa châu Âu, hàng Nhật, Hàn Quốc.

Đặt giả thiết siêu thị này muốn đưa hàng Thái vào Việt Nam nhưng với hàng hóa đòi hỏi tươi, ngon như rau,củ quả, thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản doanh nghiệp Việt Nam luôn chiếm ưu thế.

Hơn nữa nếu đế chiếm lòng tin của người tiêu dùng Việt thì hàng hóa từ Thái Lan còn xếp sau hàng hóa châu Âu, hàng Nhật, Hàn Quốc.

Ở góc nhìn khác, TS. Đào Xuân Khương – Chuyên gia thương hiệu nhận định, các nhà sản xuất phải nhận thức rằng: Mối quan hệ giữa nhà sản xuất - nhà bán lẻ là mối quan hệ hợp tác kinh doanh. Vì vậy, các điều khoản thương mại được xây dựng dựa trên đàm phán.

Về nguyên tắc đàm phán, ai có lợi thế sẽ có khả năng áp đặt “luật chơi” với bên kia.  Chính vì thế, không nên dùng các biện pháp hành chính để đàm phán. Sẽ khó hiệu quả.

“Giải pháp ở đây, theo tôi nên là cùng ngồi đàm phán, tìm ra giải pháp cùng có lợi cho cả hai bên. Trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung, nhà cung ứng nên xây dựng cho mình một kênh phân phối khác, không nên chỉ quan tâm đến kênh duy nhất là các siêu thị bán lẻ. Về nguyên tắc, nếu một doanh nghiệp sản xuất mà phụ thuộc vào một thành viên của kênh phân phối, chứng tỏ kênh phân phối của doanh nghiệp có vấn đề", chuyên gia Võ Xuân Khương nêu quan điểm.

Từ hiện tượng này, doanh nghiệp cần nhìn xa hơn là phải có chiến lược xây dựng kênh phân phối và quản lý kênh phân phối hiệu quả”, ông Khương nói.
Đơn vị bán lẻ nói chung và Big C nói riêng theo ông Khương luôn người gắn liền với người tiêu dùng, gắn liền với “sự tin cậy” với người tiêu dùng.

“Big C Việt Nam không nên để hiệu ứng truyền thông tiêu cực đến thương hiệu bán lẻ của mình vì có thể dẫn tới sự tẩy chay hàng hóa trong ngắn hạn của một bộ phần người tiêu dùng. Vì thế, Big C nên chủ động giải quyết vụ việc này. Đảm bảo có lợi nhất cho thương hiệu của mình và các nhà cung cấp”, TS. Khương cho biết.

Mai Anh