Đòi tăng chiết khấu đến 25%, siêu thị Big C có ép được doanh nghiệp Việt?

13/05/2016 07:31
Mai Anh
(GDVN) - Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị HN nếu tất cả DN hàng Việt có mặt tại Big C đoàn kết, đưa hàng khỏi siêu thị, lúc đó chính siêu thị phải mời DN.

Big C đòi chiết khấu đến 25% ép doanh nghiệp Việt?

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn cho ban lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C, đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản. 

Trong công văn số 09/CV-VPĐD VASEP cho biết, năm qua, một số hệ thống siêu thị lớn đổi chủ dẫn tới xáo trộn nhân sự và hoạt động, ảnh hưởng đến cả siêu thị và doanh nghiệp cung cấp hàng.

Trong tháng 3 và 4/2016, nhiều siêu thị gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu. 

Trong đó, Big C là siêu thị đưa ra mức tăng cao nhất, tăng thêm 4,25%-5,5% lên mức 25%, mức tăng chiết khấu này khiến doanh nghiệp không có lãi và chỉ có lựa chọn duy nhất mang hàng ra khỏi Big C.

Văn bản của VASEP - ảnh Hoàng Lực.
Văn bản của VASEP - ảnh Hoàng Lực.

“Tổng mức chiết khấu cao hơn 15% trung bình 17%-20%, thậm chí có doanh nghiệp bị chiết khấu đến 25%. Đây mức chiết khấu quá cao, chắc chắn sẽ lỗ doanh nghiệp thể có lãi và tài đầu tư”, văn bản của VASEP nhấn mạnh.

Cũng theo VASEP, ngoài chi phí chiết khấu trên doanh thu sản phẩm, hiện các nhà cung cấp còn phải chịu hàng loạt chi phí khác cho siêu thị, như mở điểm bán mới, kỷ niệm ngày thành lập, chi phí cho thương lượng chung, vận chuyển, chương trình khuyến mãi…

Không những vậy, siêu thị còn có những khoản “bắt chẹt” nhà cung cấp. Chẳng hạn, trong hợp đồng giữa doanh nghiệp thủy sản với siêu thị có khoán “tỉ lệ hàng hư hỏng”, thường là 1%, nghĩa là nhà cung cấp phải chiết khấu cho siêu thị 1% doanh số mua dù hàng có hỏng hay không. 

Đòi tăng chiết khấu đến 25%, siêu thị Big C có ép được doanh nghiệp Việt? ảnh 2

Big C - Metro và những kệ hàng Thái Lan - Trung Quốc

(GDVN) - Trung Quốc – Thái Lan kết hợp với nhau là có thể chiều theo được mọi sở thích của người tiêu dùng Việt Nam mà không cần tới một nhà cung cấp thứ ba nào khác.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, trong hoàn cảnh sản xuất - kinh doanh khó khăn như hiện nay, tổng mức chiết khấu 10% đã gần quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp.

Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không doanh nghiệp nào đáp ứng được, nếu chấp nhận thì sẽ thua lỗ.

Theo tính toán của VASEP, ngưỡng chiết khấu siêu thị mà doanh nghiệp thủy sản có thể tồn tại được cao nhất chỉ 15%, mức chiết khấu cao hơn 15% doanh nghiệp sẽ thua lỗ. Vì vậy trong văn bản gửi Big C, VASEP đề nghị siêu thị này xem xét giảm mức chiết khấu hàng hóa xuống bằng hoặc thấp hơn 15%.

Không nên quá lo lắng

Việc Big C đòi tăng chiết khấu  cao khiến doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản bất bình. Khi thâu tóm các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, các tập đoàn ngoại đều công bố vẫn tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và hàng Việt Nam.

Thế nhưng trên thực tế, không bao lâu sau khi Big C được chuyển nhượng cho Tập đoàn Central Group (của Thái Lan) siêu thị đòi tăng chiết khấu làm khó doanh nghiệp Việt. 

Đánh giá động thái này của Big C, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết: “Tôi không lạ với cách làm của Big C, họ tuyên bố 80% - 90% hàng Việt Nam, tuy nhiên khi chuyển sang cho người Thái, tất nhiên họ sẽ tìm cách để đưa hàng hóa nước họ vào tiêu thụ, tăng chiết khấu là cách để ép doanh nghiệp trong nước”.

Ông Phú phân tích, Big C không thể vô duyên, vô cớ đẩy hàng Việt khỏi siêu thị nhưng chỉ cần đòi tăng chiết khấu nếu doanh nghiệp Việt không chịu nổi sẽ tự phải rút lui.

Nên nhớ, chiết khấu là thỏa thuận hợp tác giữa nhà cung ứng và đơn vị bán lẻ do đó khi siêu thị muốn đẩy hàng hóa nào đó đi họ đòi tăng chiết khấu không đáp ứng được thì dừng hợp đồng.

“Chúng ta phải bình tĩnh nhận định tình hình. Hiện chỉ có VASEP lên tiếng, nên không biết mặt hàng khác có bị Big C đòi tăng chiết khấu hay không. Nếu cũng bị siêu thị này ép tăng chiết khấu, các ngành hàng cần phải hợp tác để cùng lên tiếng. Cần có hiệp hội các nhà cung ứng để cùng lên tiếng phản đối”, ông Phú nói.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - ảnh H.Lực.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - ảnh H.Lực.

Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nếu tất cả doanh nghiệp hàng Việt có mặt tại Big C đoàn kết với nhau đưa hàng khỏi siêu thị, lúc đó chính siêu thị phải mời doanh nghiệp.

Cũng theo ông Phú, cần làm rõ vấn đề khi Big C đòi tăng chiết khấu với doanh nghiệp Việt thì hàng hóa doanh nghiệp nước ngoài có bị tăng chiết khấu? Nếu không tăng rõ ràng có sự phân biệt, cạnh tranh không bình đẳng. Khi đó Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh cần lên tiếng.

Cũng liên quan đến việc Big C đòi tăng chiết khấu, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả - Bộ Tài chính cho rằng: Rất khó để “bắt bẻ” hay kiện Big C bởi không có luật  nào quy định một con số chiết khấu hoa hồng cụ thể (10% hay 20%) mà ở đây chỉ là thỏa thuận theo kiểu “thuận mua, vừa bán” giữa 2 bên, hợp lý thì vào, không hợp lý thì quay ra. 

“Đối với Big C, nói họ ép nhưng nhìn góc độ kinh tế đó là điều khoản hợp tác nếu  anh không đồng ý thì anh thôi, không thích nơi này thì tìm nơi khác… Đây là một biện pháp, một thủ đoạn khéo léo, một cách thức để “ép” doanh nghiệp phải trả hoa hồng cao, nếu không chấp nhận thì Big C đưa hàng hóa khác vào. Khi đó doanh nghiệp Việt có nguy cơ mất thị trường” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.

Theo PGS.TS Long, không loại trừ Big C gây khó cho doanh nghiệp Việt nhằm đưa hàng Thái xâm nhập sâu hơn thị trường Việt Nam, nguy cơ hàng Thái thắng thế trên thị trường Việt hoàn toàn có thể xảy ra.

Nói như vậy nhưng ông Long cho rằng doanh nghiệp Việt không nên quá lo lắng khi hàng Thái tràn vào thị trường Việt Nam. Bởi nếu về gốc gác, bản chất, hàng Việt sản xuất chất lượng tốt, giá thành lại hạ, giá bán rẻ hơn so với hàng Thái thì không có lý do gì không thể cạnh tranh được với hàng Thái. 

Vì vậy, bản thân hàng Việt phải nỗ lực, tự cố gắng để thay đổi chất lượng và giá thành của sản phẩm.

Đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với nhiều quốc gia trên thế giới, đã tham gia  thị trường tự do ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp nội phải nỗ lực, đừng đòi hỏi câu chuyện “ưu ái” hay cơ chế “xin – cho”. Tất cả đều tuân thủ nguyên lý của thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Sau 18 năm đầu tư tại Việt Nam, Big C  xây dựng được một mạng lưới 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm. Doanh thu năm 2015 đạt 586 triệu euro.

Ngày 29/4/2016, Tập đoàn Central và Tập đoàn Nguyễn Kim công bố nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu euro (1,05 tỉ USD).

Ngay sau khi Big C được chuyển nhượng, Tổng cục Thuế cho biết cơ quan thanh tra thuế đang tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế của 32 siêu thị Big C Việt Nam, dự kiến kết thúc vào cuối tháng này. Đặc biệt, cơ quan thuế Việt Nam cũng cho biết đang nghiên cứu xem Big C Việt nam có tránh thuế qua giao dịch liên kết (chuyển giá) hay không.

Mai Anh