Đối tượng tung tin đồn thất thiệt "sữa có đỉa", xử lý thế nào?

23/10/2012 06:39
Duy Châu
(GDVN) - Các luật sư đều khẳng định, các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, xã hội, người tiêu dùng khi được xác định chính xác cần phải bị xử lý nghiêm để răn đe.
Chỉ trong vài tháng trở lại đây, những tin đồn thất thiệt liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm liên tục xuất hiện. Mới đây nhất là tin đồn đỉa xuất hiện trong hàng loạt các sản phẩm tiêu dùng như sữa, bim bim, trứng, thịt… Mặc dù đã được các cơ quan chức năng, các nhà khoa học xác định những tin đồn trên chỉ là bịa đặt, không có dẫn chứng, căn cứ khoa học nhưng sự xuất hiện của nó ít nhiều tác động đến tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ngành thực phẩm. Trao đổi với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng: “Tác động tiêu cực của các tin đồn thất thiệt theo kiểu có đỉa trong hàng loạt thực phẩm đối với đời sống xã hội, nền kinh tế rất lớn nhưng chịu thiệt lớn nhất ở đây vẫn là người tiêu dùng, những người đang hàng ngày tiêu thụ các sản phẩm”.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Theo Luật sư Tiến: “Trong pháp luật hiện hành, cụ thể là trong Luật hình sự cũng như một số Nghị định của Chính phủ, đã có những quy định rất cụ thể đối với việc xử lý những hành vi tung tin đồn này thất thiệt này. Ở đây, nếu xác định được chính xác đối tượng tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì người tung tin đồn sẽ mắc vào tội vu khống và tùy vào những tác hại, ảnh hưởng tiêu cực mà hành vi đó gây ra với cộng đồng, xã hội thì người phạm tội sẽ phải chịu các hình phạt cụ thể tại điều 122 Bộ Luật hình sự với mức cao nhất là 7 năm tù. Tương tự, ở phạm vi xử phạt hành chính,  hành vi “bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường” sẽ bị xử phạt theo  quy định tại điều 18, Nghị định 84/2011/NĐ-CP ngày 20-9-2011 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá)". Cùng trao đổi về vấn đề này, Luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Hà Nội) nhấn mạnh, xử lý việc tung tin đồn thất thiệt không phụ thuộc vào hình thức tung tin đồn mà phụ thuộc vào hậu quả tin đồn gây ra. Tùy vào tính chất, mức độ, nội dung, hậu quả của tin đồn mà người tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử phạt hành chính, buộc bồi thường dân sự hoặc bị xử lý hình sự. Theo luật sư Ứng, tin đồn có thể nhắm đến một cá nhân, tổ chức cụ thể. Nếu cá nhân, tổ chức thấy mình bị thiệt hại danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc tài sản bởi tin đồn thất thiệt, có quyền kiện ra tòa đòi xin lỗi công khai, yêu cầu bồi thường thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần. “Việc kiện đòi bồi thường đòi hỏi tổ chức hoặc cá nhân đó phải chứng minh được thiệt hại. Thiệt hại ở đây có thể là những thiệt hại cụ thể về vật chất cụ thể hoặc những thiệt hại về gây ra tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng... Nếu xét thấy mức độ nghiêm trọng hơn, có thể đề nghị xử lý hình sự” - luật sư Ứng nói. Tuy nhiên, theo Luật sư Ứng, cái khó nhất ở đây chính là việc tìm ra được người tung tin đồn. "Thực tế, những tin đồn này đều do truyền miệng giữa người này với người kia nên việc xác định được chính xác đối tượng tung tin đồn thường là rất khó. Còn nếu đã xác định được rõ đối tượng và động cơ, mục đích tung tin đồn đó là thất thiệt, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tâm lý người tiêu dùng thì việc xử lý không khó, có thể vận dụng quy định pháp luật theo từng lĩnh vực cụ thể", Luật sư Ứng nói.

Để ngăn chặn những tin đồn thất thiệt gây hậu quả xấu, theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: “Trước hết, cần phải xử lý thật nghiêm minh và mang răn đe cao khi xác định chính xác các đối tượng cố tình tung tin đồn thất thiệt, với động cơ, mục đích, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội.
Đồng thời, trong việc thông tin của mình, các cơ quan thông tin đại chúng cũng cần phải xác định tính chính xác của thông tin, để đảm bảo đưa tin chính xác, khách quan, tránh việc đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang cho dư luận xã hội. Và nếu đưa tin sai cũng cần phải xử lý nghiêm minh”.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Duy Châu