Dư luận đang phê phán NXB, nhóm biên soạn hay ông Vũ?

16/05/2011 00:05
(GDVN) - Báo Giáo Dục Việt Nam xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc gửi về tòa soạn bày tỏ quan điểm của mình.

(GDVN) - Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều khi người ủng hộ, kẻ hoài nghi về cuốn sách “Tài năng và Đắc dụng” của tập thể tác giả do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2008. Báo Giáo Dục Việt Nam xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc gửi về tòa soạn bày tỏ quan điểm của mình.

>> Người Tây Nguyên nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ

>> Người đề xuất ông Vũ vào sách “Tài năng và đắc dụng” nói gì?

>> "Tôi không tin Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ tiền “đánh bóng” tên tuổi"

Tâm điểm trong các cuộc tranh luận là việc nhóm tác giả đã xếp ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên ngang hàng cùng các vĩ nhân đất Việt cũng như danh nhân thế giới. Một số ý kiến, nhận định về cuốn sách này đã vô tình hay hữu ý trở thành quan điểm mang tính phê phán ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Báo Giáo Dục Việt Nam xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc gửi về tòa soạn bày tỏ ý kiến xung quanh vấn đề này.

Đừng “xung kích” doanh nhân Việt

Chia sẻ suy nghĩ của mình đến báo Giáo Dục Việt Nam, độc giả Nguyễn Văn Trí (chilinh_75@yahoo.com) cho rằng, khi mọi tâm điểm phê bình hướng về ông Vũ thì đó là  sự “phản ủng hộ, phản khích lệ, phản hỗ trợ, phản động viên” đối với cá nhân doanh nhân -  doanh nghiệp Việt Nam, người đang ngày ngày thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Độc giả Trí mạnh dạn phân tích: “Không riêng gì Việt Nam – một nước đang phát triển mà trên toàn cầu từ Á đến Âu, doanh nhân đúng đắn được hiểu lực lượng đại diện cho sự phát triển kinh tế quốc gia. Nói cách khác nền kinh tế của quốc gia gắn liền doanh nhân – doanh nghiệp. Sự giàu mạnh của cộng đồng gắn liền với  doanh nhân – doanh nghiệp hùng mạnh.

Thế nên, chúng ta nếu vô tình hay hữu ý theo đà của ý kiến phê bình một chuyên luận “Tài năng và Đắc dụng”, cuốn theo hiệu ứng “số đông” trong truyền thông tạo ra một làn sóng phê phán đối với doanh nhân Việt Nam Đặng Lê Nguyên Vũ, cuối cùng sẽ đạt điều gì? Có chăng là “phản khích lệ” một doanh nhân chân chính đại diện cho nhiều doanh nhân đang có khát vọng vươn lên, đang nỗ lực làm giàu chính đáng cho gia đình, cho cộng đồng, cho đất nước Việt Nam giàu mạnh không thua kém quốc gia nào".

Trong sự nghiệp xây dựng kinh tế, ông Vũ (ảnh phải) đang cố gắng đưa thương hiệu Việt Nam ra ngoài thế giới.

Trong sự nghiệp xây dựng kinh tế, ông Vũ (ảnh phải) đang cố
gắng đưa thương hiệu cà phê Việt Nam ra thế giới.

Theo quan điểm của bạn đọc Nguyễn Văn Trí, những doanh nhân Việt đang là những chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận người Việt dùng hàng Việt. Khi mọi dư luận đều “chĩa súng” vào doanh nhân Việt tức là đang “phản động viên” cuộc chiến người Việt dùng hàng Việt của những doanh nhân Việt Nam.

“Cuộc cạnh tranh trên thương trường là cuộc chiến tranh – một cuộc trường chinh không cân sức được viết bằng sự dấn thân của doanh nhân Việt Nam trên toàn tuyến nhằm giữ bảo vệ, thậm chí mở rộng biên cương hàng Việt. Trong cuộc trường chinh đầy khó nhọc này, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cũng như hàng trăm, hàng ngàn doanh nhân Việt rất cần sự động viên ủng hộ của cộng đồng Việt”.

Lỗi của doanh nhân hay người biên soạn?

Trước hàng trăm ý kiến dư luận về sự việc quyển sách "Tài năng và Đắc dụng" xếp doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ ngang hàng với các vĩ nhân, độc giả Nguyễn Minh Đức (nminhduc@gmail.com) bày tỏ: “Tôi cho rằng cũng cần phải bình tĩnh xem lại. Xếp ông Vũ chung cùng các vĩ nhân cũng không có nghĩa tài năng của ông Vũ là ngang hàng với các vĩ nhân ! Nên tôi nghĩ: Nếu tổ tiên ta khắc bia đá ghi danh, thì chúng ta nên viết sách ghi công và cuối cùng, dù chúng ta xếp ông Vũ ở đâu thì ông cũng thật đáng để chúng ta nể trọng".

Khi nhân tài được hiểu phải là người phát triển và đưa các sản phẩm của mình vào ứng dụng thực tế nhanh chóng và hiệu quả nhất, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nước nhà thì việc ông Vũ được xếp vào là người có tài cũng là rất hợp lý. Ông Vũ đã có những đóng góp không nhỏ cho phát triển nông nghiệp Việt Nam, cho kinh tế và thương hiệu Việt Nam, hơn nữa là cho tinh thần dân tộc Việt Nam, thể hiện được tính cách con người Việt Nam hiện đại.

Việc làm tốt, có ý nghĩa của mỗi người chúng ta, mang ra để cân đo để tính thật khó bởi nó không chỉ giá trị vật chất, tinh thần mà còn là giá trị khác tùy góc nhìn nhận. Vì thế nên nhiều ý kiến cho là choáng khi xếp ông Vũ vào "nhân tài" cũng là chuyện bình thường. Nếu không choáng có lẽ Việt Nam đã hết nhân tài.
Đồng quan điểm với những bạn đọc trên, độc giả Lê Đình Hải Sơn thẳng thắn bày tỏ: "Tôi không biết và cũng không quan tâm việc ông Vũ có là phải là vĩ nhân hay danh nhân gì đó hay không, nhưng tôi rất quan tâm đến việc ông Vũ dám nghĩ và dám đem khát vọng chinh phục thế giới bằng cà phê Viêt Nam.
Vĩ nhân theo tôi hiểu là những người dám nghĩ và dám làm những việc có ích cho cộng đồng. Theo tôi, nếu ông Vũ cũng như bao doanh nhân khác chỉ kinh doanh thuần túy thì liệu vài chục năm nữa, Việt Nam có thể ngẩng đầu cao ở các châu lục khác không, hay chỉ vui vẻ trong cái ao nhà?.

Tôi ủng hộ khát vọng của ông Vũ và tôi tin ông Vũ sẽ tiếp tục thực hiện những hoài bảo của mình. Cộng đồng sẽ theo dõi và giám sát những việc ông đang và sẽ làm. Ông hãy chứng minh cho mọi người rằng ông xứng đáng với ngôn từ Vĩ nhân sau vài chục năm nữa với hoài bảo của mình".

Trong khi đó, bạn Hoàng Hải viết: Những hành động, suy tư và sự dấn thân của cá nhân anh Vũ cùng những người đồng hành ở Trung Nguyên đã làm cho chúng em - những người trẻ tuổi - thấy được sự cần thiết của mỗi cá nhân trong công cuộc đưa đất nước trở nên mạnh mẽ hơn, giàu có hơn. Hi vọng rằng cùng những ly cà phê, cảm hứng sáng tạo và sự dấn thân của anh đừng bao giờ tắt.

Qua đó, không ít bạn đọc của báo Giáo Dục Việt Nam kết luận, NXB và nhóm chủ biên đã rất bất cẩn khi thực hiện quyển sách này và ông Tổng giám đốc Trung Nguyên vô tình là "nạn nhân". Tuy nhiên, khi sách ra đời, ông Vũ nên có thái độ dứt khoát thì vẫn tốt hơn.

Và cuối cùng, như độc giả Trần Duy Khanh kiến nghị và cũng là điều mà độc giả báo Giáo Dục Việt Nam mong muốn: "Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia cần làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Nhà xuất bản và nhóm tác giả biên soạn quyển sách "Tài năng và Đắc dụng", không thể để một quyển sách mang danh "công trình nghiên cứu khoa học" lại được xuất bản rộng rãi gây phản cảm trong dư luận" .

P.T  (ghi)

>> Người Tây Nguyên nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ

>> Người đề xuất ông Vũ vào sách “Tài năng và đắc dụng” nói gì?

>> TGĐ Trung Nguyên đứng chung cùng các vĩ nhân từ năm 2008?

>> TGĐ Trung Nguyên được vinh danh "vĩ nhân" theo tiêu chí nào?

>> Đặng Lê Nguyên Vũ xếp cạnh vĩ nhân: Một công trình được đánh giá tốt
>> "Tôi không tin Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ tiền “đánh bóng” tên tuổi"
>> "Chủ biên xếp Đặng Lê Nguyên Vũ cạnh vĩ nhân là việc làm sai trái"

Theo bạn, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã xứng đáng trong cuộc tôn vinh này hay chưa hoặc ai có thể xứng đáng hơn ông Vũ? Bạn nhìn nhận thế nào về các tiêu chí sắp xếp trong quyển sách “Tài năng và đắc dụng”? Hãy chia sẻ ý kiến với báo Giáo dục Việt Nam bằng cách gửi vào ô phản hồi dưới đây hoặc gửi về địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng!