Dự thảo của Bộ Giao thông"khai tử" taxi công nghệ là lười suy nghĩ, đi giật lùi?

23/10/2018 06:19
Vũ Phương
(GDVN) - Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải ép taxi công nghệ theo cách quản lý như taxi kiểu cũ là bộc lộ tư duy lười nghĩ, đi giật lùi.

Nhiều ngày qua dư luận và không ít chuyên gia bày tỏ sự khó hiểu trước tư duy đi ngược thời đại 4.0 của Bộ Giao thông Vận tải khi đưa ra dự thảo nghị định có thể nói sẽ "khai tử" các hãng taxi công nghệ. 

Bộ Giao thông Vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận với ý kiến đề xuất quản lý của các cơ quan có quan điểm cho rằng hoạt động của loại hình vận tải Grab, Uber cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi.

Đáng chú ý, dự thảo trên cũng bỏ quy định “taxi điện tử” đã được đưa ra tại bản dự thảo đã trình trước đó.

Bộ Giao thông Vận tải ép taxi công nghệ phải gắn mào, tuân theo các quy định như taxi kiểu cũ là cách làm thụt lùi so với cách mạng công nghệ 4.0. Ảnh: Vũ Phương.
Bộ Giao thông Vận tải ép taxi công nghệ phải gắn mào, tuân theo các quy định như taxi kiểu cũ là cách làm thụt lùi so với cách mạng công nghệ 4.0. Ảnh: Vũ Phương. 

Nếu dự thảo mới được thông qua, các hãng taxi công nghệ sẽ mất hết lợi thế. Các ứng dụng gọi xe điện tử như Grab, Go-Viet... sẽ phải đáp ứng tất cả các quy định kinh doanh như một hãng taxi kiểu cũ.

Toàn bộ các phương tiện đối tác hiện kết nối phần mềm điện tử sẽ phải gắn phù hiệu “Xe taxi” trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định, đồng thời, phải có hộp đèn với chữ “Taxi” gắn cố định trên nóc xe.

Đồng thời, các hãng xe taxi công nghệ như Grab, Go-Viet cũng phải chịu ràng buộc niên hạn như taxi, tiêu chuẩn lái xe, kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi khác.  

Đáng chú ý, Hiệp hội taxi Hà Nội còn kiến nghị xe taxi công nghệ phải có bộ nhận diện riêng hoặc gắn như biển màu vàng, phân biệt với xe gia đình để các cơ quan chức năng dễ quản lý.

Ngay khi dự thảo được công bố, không ít người lo ngại, người tiêu dùng hết thời gọi taxi công nghệ giá rẻ.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đang bộc lộ tư duy theo kiểu thu gom, lười nghĩ khi ép taxi công nghệ như taxi truyền thống. Ảnh: N.Q.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đang bộc lộ tư duy theo kiểu thu gom, lười nghĩ khi ép taxi công nghệ như taxi truyền thống. Ảnh: N.Q.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Để quản lý một mô hình mới, hiện đại một số hãng taxi công nghệ như Grab, Uber không phải đơn giản. Văn bản pháp luật của nước ta còn chưa bắt kịp, cần thiết phải điều chỉnh và hoàn thiện.

Nhưng dự thảo mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra cho thấy có hạn chế nhất định trong việc nắm bắt thực tiễn để đưa ra khung quản lý mới.

Vấn đề quản lý ở đây không phải là gắn mào hay không gắn mào, có thông tin trên kính lái hay không mà là bình đẳng. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế, chất lượng dịch vụ, bảo hiểm cho khách hàng.

Dự thảo trên cho thấy Bộ Giao thông Vận tải đang ép hãng taxi công nghệ theo cách quản lý như taxi kiểu cũ là bộc lộ tư duy theo kiểu thu gom, lười nghĩ.

Bộ giao thông không thể ép người tiêu dùng ăn mãi một món được. Taxi công nghệ hay taxi kiểu cũ sẽ bộc lộ những điểm ưu nhược điểm và người tiêu dùng sẽ là người lựa chọn. 

Nhà nước chỉ quản lý việc anh có thu nhập thì phải nộp đủ thuế, hạn chế mức thấp nhất doanh nghiệp lách, trốn thuế. Anh mở dịch vụ phải đảm bảo dịch vụ ngày càng tốt, giá cạnh tranh.  

Bởi vậy, không lý do gì bắt taxi công nghệ, trong đó có xe của người dân tham gia cung ứng dịch vụ phải gắn mào”.

Dự thảo của Bộ Giao thông"khai tử" taxi công nghệ là lười suy nghĩ, đi giật lùi? ảnh 3Xăng tăng giá, thêm thuế môi trường sẽ tác động rất lớn đến đời sống của dân

Không ít người lo ngại việc kéo taxi công nghệ về như taxi kiểu cũ sẽ khiến giá dịch vụ cao, người tiêu dùng sẽ bị thiệt.

Về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Không hẳn người tiêu dùng bị thiệt, nhiều thời điểm trong ngày taxi công nghệ giá còn cao hơn giá taxi kiểu cũ.

Điều quan trọng là dịch vụ nào làm tốt hơn người tiêu dùng sẽ lựa chọn chứ không phải taxi công nghệ hay taxi kiểu cũ”.  

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng thẳng thắn phản đối dự thảo trên khi Bộ Giao thông Vận tải tìm cách gò, kéo sự phát triển theo tư duy cũ: “Nếu dự thảo được thông qua, việc siết chặt đến mức độ biến mất taxi công nghệ sẽ rất đáng buồn.

Taxi công nghệ, taxi chính hãng hay còn gọi là taxi kiểu cũ là 2 loại hình khác nhau. Một loại hình áp dụng điều hành thủ công được hình thành từ thời công nghệ 0.4. Loại khác là dịch vụ thời đại công nghệ 4.0, điều hành bằng công nghệ thông tin.

Bởi vậy, Bộ Giao thông Vận tải đem nhốt chung hai loại hình này vào một chuồng sẽ rất phản khoa học. Điều này sẽ gây thiệt hại cho xã hội, người dân”.

Nhiều tài xế một hãng taxi kiểu cũ phản đối taxi công nghệ đang thu hút dư luận trong thời gian gần đây. Ảnh: VNN.
Nhiều tài xế một hãng taxi kiểu cũ phản đối taxi công nghệ đang thu hút dư luận trong thời gian gần đây. Ảnh: VNN. 

Ông Bùi Danh Liên cũng không đồng tình với việc kéo hãng taxi công nghệ về giống như taxi chính hãng khác.

“Vấn đề làm sao chúng ta có thể quản lý các hãng taxi để nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn cho khách hàng, không làm tăng số lượng taxi gây ùn tắc giao thông.

Dự thảo lại kéo taxi công nghệ quản lý như taxi kiểu cũ là đang đi giật lùi với sự phát triển của nhân loại.

Vậy tại sao Bộ Giao thông Vận tải không quản lý taxi kiểu cũ theo taxi công nghệ mà làm ngược lại, tức kéo cái mới về cái cũ.

Điều này hoàn toàn đi ngược với chủ trương của Chính phủ khi hướng tới công nghệ 4.0. Bộ Giao thông Vận tải cần phải xem lại dự thảo này”, ông Liên nói.

Ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, dự thảo quy định quản lý taxi công nghệ bằng việc phải gắn mào là rất vô lý. Cái xe đang đẹp phải đeo một cái mào cũng là việc không cần thiết, trên thực tế nhiều người dân thích đi xe không có mào.

Bộ Giao thông Vận tải cho thí điểm xe điện tử rất đáng hoan nghênh. Vấn đề nảy sinh mâu thuẫn lợi ích giữa taxi công nghệ và taxi kiểu cũ.

Bởi vậy, cần có những quy định pháp luật thể hiện sự bình đẳng, đảm bảo lợi ích hài hòa cả khách hàng, doanh nghiệp và Nhà nước.  

Ông Bùi Danh Liên cũng đề nghị ngành thuế làm một cách bài bản, áp dụng 4.0 sẽ chống được thất thoát thuế đối với các hãng taxi công nghệ.

Việc ép hãng taxi công nghệ tuân theo những quy định như taxi truyền thống không có ý nghĩa gì đối với quản lý trật tự an toàn giao thông và càng không tiện cho quản lý Nhà nước.

Việc này sẽ không làm tăng chất lượng dịch vụ, thậm chí nguy cơ tăng giá gây thiệt cho người tiêu dùng.

Vũ Phương