Đừng để dân chịu phí oan

26/07/2016 07:07
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị, đối với các dự án BOT, cần làm rõ băn khoăn của dư luận như vấn đề suất đầu tư cao, giá trị công trình, có lợi ích nhóm không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất, việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 (giao Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội giúp về nội dung giám sát);

Thứ hai, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 (giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung giám sát);

Thứ ba, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư  (PPP) (giao Ủy ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát);

Thứ tư, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh (giao Ủy ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung giám sát).

Người dân bức xúc với nhiều trạm thu phí BOT. ảnh: Hoàng Lực.
Người dân bức xúc với nhiều trạm thu phí BOT. ảnh: Hoàng Lực.

Nhiều nơi người dân không có sự lựa chọn

Trao đổi về những nội dung trên, Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị lựa chọn đó là nội dung về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng, kinh doanh, chuyển giao, lựa chọn nội dung này bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, đây là nội dung thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông và chuyên sâu vào vấn đề BOT. Đây cũng là vấn đề người dân và dư luận hết sức bức xúc, trong đó có vấn đề như trạm thu phí, vấn đề bất hợp lý về giá phí...

Đừng để dân chịu phí oan ảnh 2

Nghi vấn thất thoát thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn toàn có cơ sở

Thứ hai, đầu tư BOT nhất là đối với đường cao tốc. Theo nguyên tắc thị trường thì đường cao tốc đầu tư BOT thuộc tài sản của nhà đầu tư, ai sử dụng phải trả tiền, nhưng đi đường đó hay không đi thuộc người tiêu dùng là người dân, tùy thuộc vào tiện ích và giá phí hợp lý hay không để họ lựa chọn.

Tuy nhiên, nhiều nơi người dân không có sự lựa chọn mà gần như bắt buộc phải đi vì không có con đường nào khác.

Gần đây báo chí có phản ánh hiện tượng ngăn đường hoặc cầu khác để buộc người dân phải đi vào đường hay cầu có BOT mà dư luận đã nêu ra và rất bức xúc. Như vậy là không công bằng, không đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân đã được Hiến pháp quy định.

Như vậy, đã làm tăng thêm bức xúc trong dân trong thời gian qua. Việc giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để tháo gỡ vấn đề này.

Thứ ba, qua giám sát sẽ làm minh bạch các vấn đề dư luận quan tâm lâu nay như vấn đề suất đầu tư cao, giá trị công trình, vấn đề thu phí, vấn đề có lợi ích nhóm không trong đầu tư BOT...

Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị làm rõ trong các dự án BOT có lợi ích nhóm không? ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị làm rõ trong các dự án BOT có lợi ích nhóm không? ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) cũng bày tỏ sự ủng hộ lựa chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về đầu tư khai thác các công trình giao thông thực hiện đồng bộ kinh doanh và chuyển giao theo BOT.

Đại biểu Nhường nói: “Thứ nhất là làm rõ việc đầu tư và thu phí, từ đó đề ra giải pháp đầu tư các cơ sở hạ tầng giao thông trong thời gian tới mà không tạo gánh nặng cho người dân cũng như các doanh nghiệp, giảm chi phí cho xã hội.

Từ đó phát triển được vấn đề logistic cũng như doanh nghiệp, ổn định nền kinh tế, khi cần chúng ta sẽ đầu tư những cơ sở hạ tầng khác.

Thứ hai, các trạm thu phí hiện nay rất đông nhân viên, làm thủ công, gây lãng phí về nhân lực, thời gian, phải ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin thu phí tự động để giảm nhân lực, thời gian, chi phí, cũng như quản lý được công khai, minh bạch hơn, tránh trường hợp như một số báo chí nêu là giấu nguồn thu”.

Quyền lợi của dân cần được bảo vệ

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho biết, cử tri hiện đang rất băn khoăn về các công trình, dự án BOT giao thông.

“Tính công khai, minh bạch cần phải được làm rõ, liệu có lợi ích cho một nhóm để áp lực lên nền kinh tế, khiến cho sức cạnh tranh nền kinh tế bị suy giảm do chịu quá nhiều loại phí?

Phí đúng thì người dân bằng lòng nhưng không đúng thì người ta không hài lòng. Các đồng chí thấy trạm thu phí vừa bộ kiểm tra, vậy thì các trạm khác thế nào? Bình quân 35 tỷ/tháng nhưng vừa rồi kiểm tra, thanh tra ra thì gần 60 tỷ/tháng.

Nếu mức thu này không được tính toán vào thì hoặc là phí phải chịu cao lên hoặc thời gian thu phí kéo dài ra thì người dân phải chịu và chịu này là chịu rất oan”, ông Phương nêu quan điểm.

Đại biểu Bùi Văn Phương đánh giá, nếu không công khai minh bạch trong các dự án BOT sẽ khiến cho sức cạnh tranh của nền kinh tế suy giảm. ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.
Đại biểu Bùi Văn Phương đánh giá, nếu không công khai minh bạch trong các dự án BOT sẽ khiến cho sức cạnh tranh của nền kinh tế suy giảm. ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cũng đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình giám sát 2017 là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông, với ba lý do:

Thứ nhất là đầu tư vào lĩnh vực giao thông là một lĩnh vực có sử dụng kinh phí rất lớn, có vị trí vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của xã hội.

Thứ hai, hình thức đầu tư này còn tương đối mới mẻ và có nhiều lỗ hổng về mặt thủ pháp cần hoàn thiện.

Thứ ba, người dân rất quan tâm đến lĩnh vực này, bởi vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) nói thẳng: “Thực tế, giám sát tốt các dự án BOT sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí và cũng là lo cho dân.

Người dân đỡ phải đóng những phí vô lý nếu triển khai và thực hiện đặt những trạm và xác định mức phí vô lý, không hợp lý”.

Ngọc Quang