GS.TS Vương Đình Huệ: Phải có chính sách cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên

09/03/2016 16:19
Vân Lam (tổng hợp)
(GDVN) - Muốn nền kinh tế phát triển thì phải có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên, phải tạo môi trường kinh doanh chung thuận lợi mà ai cũng được hưởng.

Là một trong những chính khách rất tâm huyết với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, GS-TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, muốn nền kinh tế phát triển thì phải có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên, phải tạo môi trường kinh doanh chung thuận lợi mà ai cũng được hưởng.

Không giải quyết được thị trường thì vẫn được mùa rớt giá

Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí, một trong những vấn đề mà ông Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm đó chính là làm thế nào để kinh tế ngày càng phát triển, bắt kịp xu hướng phát triển trên thế giới.

Theo ông Vương Đình Huệ, là nền kinh tế thị trường hiện đại là phải có thị trường cả về trình độ, cả về quy mô, cả về cơ cấu và cả về thể chế. Thể chế này phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

GS-TS Vương Đình Huệ: "Muốn nền kinh tế phát triển thì phải có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên, phải tạo môi trường kinh doanh chung thuận lợi mà ai cũng được hưởng".
GS-TS Vương Đình Huệ: "Muốn nền kinh tế phát triển thì phải có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên, phải tạo môi trường kinh doanh chung thuận lợi mà ai cũng được hưởng".

Ông Vương Đình Huệ cho rằng, cần nhận thức rõ nhiều vấn đề về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu là do còn có nhiều vướng mắc trong phát triển các loại thị trường.

Nếu chúng ta chỉ tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, mà không tháo gỡ những vướng mắc về các yếu tố thị trường và các loại thị trường thì chúng ta vẫn không giải quyết được vấn đề một cách cơ bản.

Ông Vương Đình Huệ đưa ra một ví dụ, bây giờ chúng ta muốn xử lý nợ xấu cho thực chất thì phải có thị trường mua bán nợ. Muốn có thị trường mua bán nợ thì phải phát triển các định chế tài chính.

“Ngay cả với nông sản, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề thị trường thì luôn gặp điệp khúc được mùa rớt giá. Đến tháng 5, tháng 7 là dưa hấu lại chất đống ở cửa khẩu. Tất cả là bài toán thị trường hết, không chỉ là thị trường xuất khẩu, mà còn thị trường trong nước và thị trường biên mậu nữa.

Muốn giảm thiểu rủi ro cho người nông dân thì phải có sàn giao dịch, có thị trường giá cả tương lai, để san sẻ bớt rủi ro của người sản xuất, của nông dân sang cho các nhà thương mại, chứ không chỉ khổ người nông dân.

Đối với thị trường đầu vào của nông nghiệp cũng vậy, có giải quyết bài toán thị trường thì mới mong có vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp có giá cả hợp lý và chất lượng tốt”, ông Huệ khẳng định.

Một trong những vấn đề mà Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ còn băn khoăn là động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực có tỷ trọng xuất khẩu chiếm 65-70% tổng xuất khẩu của cả nước. Mà bản thân khu vực này chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ giá trị gia tăng rất thấp, và tác động lan tỏa của ứng dụng công nghệ và quản trị với nền kinh tế còn yếu.

Trong khi đó khu vực kinh tế trong nước, gồm doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh... còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp tăng trưởng vẫn thấp, xuất khẩu thì giảm cả về lượng và giá trị.

“Một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết năm 2016 là phải suy nghĩ, tại sao trong một quốc gia mà lại có sự lệch pha giữa hai khu vực kinh tế là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, mà tôi muốn gọi là doanh nghiệp dân tộc? Thậm chí có một số chuyên gia còn nói với tôi là họ lo ngại có rủi ro “hai nền kinh tế trong một quốc gia”. Chúng ta phải làm như thế nào để khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh lên”, GS-TS Vương Đình Huệ cho biết.

Phải hành xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường

Về giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết: Một trong những trọng điểm của năm 2016 và các năm tiếp theo là cần gỡ bỏ các vướng mắc để phát triển đồng bộ các loại thị trường, bao gồm thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường bất động sản và thị trường khoa học công nghệ.

Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ trò chuyện thân mật vứoi cử tri thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định
Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ trò chuyện thân mật vứoi cử tri thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định

Tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ và đồng bộ theo các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. 

Ông Vương Đình Huệ chia sẻ: “Chúng ta phải tập trung nỗ lực để tạo ra làn sóng đầu tư mới. Chúng ta đã chứng kiến làn sóng đầu tư thứ nhất vào thời kỳ đổi mới từ 1986 và làn sóng đầu tư thứ hai vào những năm 2000 sau khi có Luật Doanh nghiệp.

Giờ đây, chúng ta có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi theo những nguyên tắc hiện đại, tiến bộ, minh bạch; và có hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Tôi rất hy vọng chúng ta sẽ tạo được làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp”.

Bên cạnh đó, ông Huệ cũng nhấn mạnh phải có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên, trước hết phải tạo môi trường kinh doanh chung thuận lợi mà ai cũng được hưởng; phải hành xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.

“Để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước và cả khu vực FDI thì việc quan trọng đầu tiên là chúng ta phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phải rút ngắn khoảng cách quy định trên văn bản và thực thi; phải áp đặt kỷ luật thị trường cho tất cả doanh nghiệp. Đó là tác động theo chiều ngang - cách tác động tốt nhất ở mọi quốc gia. Thứ hai, chúng ta phải tác động theo chiều dọc, tức là tác động chính sách đến từng loại hình doanh nghiệp”, GS-TS Vương Đình Huệ nói.

Vân Lam (tổng hợp)