Giá dầu liên tục giảm: Nếu lỗ, Việt Nam nên dừng khai thác

23/01/2015 11:03
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu khai thác dầu so với giá bán lỗ, Tập đoàn Xăng dầu VN, Tập đoàn Dầu khí nên xem xét dừng khai thác hoặc giảm sản lượng khai thác.

Tại cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô chiều ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế theo các mức giá dầu thô thế giới ở các ngưỡng 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng.

Cụ thể, nếu giá dầu thô năm 2015 là 60 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế GDP sẽ giảm so với dự kiến là 0,21 điểm phần trăm.

Giá xăng dầu tiếp tục giảm gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam (Ảnh minh họa)
Giá xăng dầu tiếp tục giảm gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam (Ảnh minh họa)

Nếu giá dầu thô xuống mức 50 USD/thùng, sản lượng khai thác dầu của Việt Nam còn ở mức 14,4 triệu tấn thì GDP sẽ giảm 0,56 điểm phần trăm.

Nếu giá dầu thô giảm mạnh xuống 40 USD/thùng, Việt Nam chỉ sản xuất 13,08 triệu tấn dầu thô thì GDP có thể giảm tới 1 điểm phần trăm. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 là 6,2% thì ở kịch bản xấu nhất, tác động sẽ rất lớn, GDP sẽ chỉ còn 5,2%.

Những kịch bản kinh tế Việt Nam được đưa ra dựa trên giả định về giá xăng dầu làm sáng tỏ một điều, tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu khí. 

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng đây chính là khuyết tật lớn của nền kinh tế khi phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nhiên liệu, khoáng sản.

Theo đó, tác động của giá dầu đến nền kinh tế Việt Nam theo hai chiều tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam bởi Việt Nam vừa xuất khẩu dầu thô, vừa là nước nhập xăng dầu thành phẩm. Do đó, giá dầu giảm xuống ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhưng ngược lại giá xăng giảm lại tác động thuận lợi, làm giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển.

“Xuất khẩu dầu khí đóng góp 30% ngân sách, giá dầu giảm kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Trong khi tác động thuận lợi như giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chưa thấy ngay”, PGS.TS Phạm Quý Thọ phân tích.

Bên cạnh tác động vào nền kinh tế vĩ mô, ở góc nhìn chính sách việc giá xăng dầu giảm sẽ tác động chuyển dịch cơ cấu lao động. Cụ thể, khi giá xăng dầu giảm nguồn thu xuất khẩu dầu khí của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí quốc gia sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

“Trước đây người lao động ở khu vực xăng dầu, dầu khí được coi là nơi thu nhập cao nhưng tác động của giá xăng dầu có thể sẽ khiến thu nhập giảm, dẫn đến có sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Thậm chí nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm thì các tập đoàn cần tính đến việc giảm sản lượng khai thác một số mỏ theo sau đó là giải quyết vấn đề tạo việc làm và thu nhập cho lao động”, PGS. TS Thọ cho biết.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia cần tính đến phương án giảm sản lượng khai thác thậm chí dừng khai thác một số mỏ nhưng phải đảm bảo giữ được thị trường xuất khẩu
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia cần tính đến phương án giảm sản lượng khai thác thậm chí dừng khai thác một số mỏ nhưng phải đảm bảo giữ được thị trường xuất khẩu

Tác động tiêu cực nữa là khi giá xăng giảm, theo lý giá đầu vào sản xuất sẽ giảm theo cụ thể giá cước vận tải, chi phí sản xuất giảm dẫn đến giá hàng hóa giảm. Từ đây sẽ kích cầu cho nền kinh tế. Tuy nhiên thực tế giá hàng hóa không tự giảm theo giá xăng, do vậy dẫn đến doanh nghiệp được hưởng lợi còn người dân bị ảnh hưởng.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam nên tính đến phương án giảm khai thác dầu thô. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia nên xem xét cân đối chi phí sản xuất và giá trị xuất khẩu thu lại. Nói cách khác, nếu khai thác dầu so với giá bán lỗ thì nên dừng khai thác.

“Nên xem xét dừng khai thác hoặc giảm sản lượng khai thác dầu khí, tuy nhiên phải tính đến việc đảm bảo các hợp đồng cung cấp dầu đã ký với các nước, đồng thời khai thác để duy trì và giữ được thị trường xuất khẩu”, TS Hiếu cho biết.

Ở góc nhìn kinh tế vĩ mô, việc giá xăng dầu giảm ảnh hưởng lớn đến hoạt động tài chính đặc biệt là thị trường chứng khoán bởi nhà đầu tư đang có xu hướng bán cổ phiếu của các doanh nghiệp xăng dầu. “Việc giá xăng dầu giảm khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp xăng dầu liên tục giảm điểm vì vậy xu hướng bán ra đang ngày một nhiều khi cổ phiểu giảm nhà đầu tư rút vốn daonh nghiệp xăng dầu sẽ càng khó khăn”, TS Hiếu cho biết thêm.

Cùng với đó theo vị chuyên gia này, giá xăng giảm liên tục ảnh hưởng thu ngân sách cho thấy điểm yếu của nền kinh tế lâu nay. Cụ thể lâu nay Việt Nam xem khai thác tài nguyên, buôn bán và xuất khẩu tài nguyên như là một trong các mũi chính của nền kinh tế. Chính vì vậy khi giá nhiên liệu trên thế giới giảm ngay lập tức kinh tế Việt Nam chịu tác động.

Xăng dầu giảm với Việt Nam chỉ tác động tích cực trong vấn đề giao thông vận tải, còn xăng dầu trong công nghiệp rất ít. Do vậy với nền kinh tế ở các nước như Việt Nam vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu nhiên liệu họ có sự cân bằng. Khi giá nhiên liệu tăng thì xuất khẩu tăng thu ngân sách ngược lại khi nhiên liệu giảm thì công nghiệp sản xuất hàng hóa mang lại nguồn thu chính cho ngân sách. Ở chúng ta khi tăng giá nhiên liệu tuy ngân sách thu từ xuất khẩu tăn,  nhưng doanh nghiệp gặp khó khi giá nguyên liệu tăng cùng với giá cước vận tải. Đây chính là vấn đề cần giải quyết của kinh tế Việt Nam.

Mai Anh