Giá dầu xuống mức 40 USD/thùng, điều gì sẽ xảy ra?

15/01/2015 07:25
Lâm Giang
(GDVN) - Giám đốc một trong những công ty năng lượng lớn nhất nước Mỹ Breitling Energy, Chris Faulkner, cho rằng Ả Rập Saudi sẽ đầu hàng nếu giá dầu chạm ngưỡng 40 USD.

Ngày 13/1, giá dầu Brent đã hạ xuống mức kỷ lục mới, 45,59 USD/thùng. Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho rằng xu hướng giảm giá của vàng đen sẽ tiếp tục và sẽ sớm chạm xuống mức 40 USD/thùng.

Bloomberg dẫn lời Paul Stevens thuộc trung tâm nghiên cứu Chatham House cho biết, có nhiều yếu tố tác động đến giá dầu, gồm cả yếu tố toàn cầu và địa phương. Nhưng nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm là cung tăng, cầu giảm, nhưng OPEC quyết định không cắt giảm sản lượng.

Ảnh topwar.
Ảnh topwar.

Bloomberg dẫn lời Phó chủ tịch công ty tư vấn Englewood, Daniel Yergin, cũng cho rằng dầu có thể giảm xuống mức 40 USD/thùng là một khả năng thực tế và là hậu quả từ quyết định gây sốc của OPEC không cắt giảm sản lượng.

Theo tờ DK của Nga, giá dầu sụt giảm là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ của đồng rúp và nếu nó tiếp tục giảm sẽ đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục có các tác động tiêu cực tới tiền tệ và nền kinh tế của Nga.

Lãnh đạo đối lập Nga Boris Nemtsov cho biết, Nga chỉ có thể cân bằng ngân sách khi giá dầu đạt mức trên 100 USD/thùng. Còn không, "Kremlin chỉ có thể cầu nguyện cho giá dầu tăng".

Nhiều quốc gia khác phụ thuộc vào giá dầu không kém gì Nga cũng đang cảm thấy những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm giá dầu. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Giám đốc một trong những công ty năng lượng lớn nhất nước Mỹ Breitling Energy, Chris Faulkner, cho rằng Ả Rập Saudi sẽ đầu hàng nếu giá dầu chạm ngưỡng 40 USD/thùng.

"Tôi nghĩ rằng mức giá này sẽ nhấn nút báo động. Họ có thể nói những điều họ muốn, nhưng cuối cùng thì họ không thể tồn tại mãi mãi và không có tiền", ông nói.

Đối với Iran, theo Washington Post, giá dầu thô chạm mức 40 USD/thùng sẽ đẩy quốc gia này vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và buộc Tehran phải nhượng bộ, bắt đầu đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của mình.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng việc giảm giá dầu là nhân tạo và nó sẽ khiến cả Tehran và các nước khác phải chịu hậu quả nặng nề.

"Những người lập kế hoạch giảm giá để chống lại các nước khác sẽ phải hối tiếc về quyết định này. Nếu Iran phải chịu tổn thất vì sự sụt giảm giá dầu thì các nước sản xuất dầu mỏ khác như Ả Rập Saudi và Kuwait sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn cả Iran", Tổng thống Rouhani cho biết trong một cuộc phỏng vấn./.

Lâm Giang