Giảm thuế TNDN là bước đột phá của Chính phủ

23/05/2013 10:29
Hoàng Lực
(GDVN) - Đánh giá tác động của việc sửa Luật thuế TNDN vào thời điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, đây là bước đột phá của một dự thảo Luật thuế TNDN được Chính phủ trình Quốc hội.
Sau khi được đưa ra lấy ý kiến, mới đây Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được trình bày trước Quốc hội chính thức thông qua. Đây được xem là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp nhằm ổn định kinh tế.
Theo đó, thuế TNDN còn được giảm sâu theo lộ trình và áp dụng riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, thuế suất cơ bản áp dụng từ 1/1/2014 giảm thêm 3%: từ 25% xuống 22%, từ 1/1/2016 giảm tiếp từ 22% xuống 20%. Còn thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 1/1/2014 giảm từ 25% xuống 20%, từ 1/1/2016 giảm tiếp từ 20% xuống 17%.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tác động của việc giảm thuế suất thuế TNDN đến ngân sách nhà nước (NSNN) là khá lớn. Riêng năm 2014, dự kiến thu NSNN từ thuế TNDN khoảng 150.800 tỉ đồng, nếu điều chỉnh thuế suất từ 25% xuống 23% dự kiến giảm thu khoảng 12.064 tỉ đồng, nếu áp dụng thuế suất 20% đối với DN nhỏ và vừa, giảm thu ngân sách còn nhiều hơn. Đánh giá tác động của việc sửa Luật thuế TNDN vào thời điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, đây là bước đột phá của một dự thảo Luật thuế TNDN được Chính phủ trình Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, mức thuế suất thuế TNDN thể hiện tỷ lệ điều tiết tiền của NSNN và doanh nghiệp trên khoản tiền lãi (thu nhập chịu thuế) do doanh nghiệp tạo ra. Thông thường số lãi được chia thành 3 phần và phân chia theo tỷ lệ: để lại doanh nghiệp 2 phần, nộp NSNN 1 phần. Với việc giảm thuế TNDN, theo bà Cúc sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ vốn mở rộng sản xuất, hoặc có vốn quay vòng. “Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nhiều doanh nghiệp hiện nay đang khó khăn trong vay vốn ngân hàng do không đủ điều kiện tín dụng” – bà Cúc cho biết thêm. Tuy nhiên bà Cúc cũng băn khoăn về nội dung các khoản chi được trừ và không được trừ thuế TNDN. “Đây là nội dung khó nhất và dễ tạo ra tính thiếu minh bạch nhất của Luật Thuế TNDN. Để được xác định là khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN thì các khoản chi phải đáp ứng đủ các điều kiện: Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, đồng thời các khoản chi đó không thuộc các khoản chi phí không được trừ quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Thuế TNDN”, bà Cúc phân tích. Cũng bày tỏ ý kiến xung quanh những nội dung mới của Luật thuế TNDN mới được sửa đổi, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) cho rằng đây là sáng kiến rất hay của chính phủ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. TS Lê Đăng Doanh cho rằng con số hơn 70% doanh nghiệp lỗ như báo cáo của Tổng cục Thuế phần nào cho thấy tình hình rất khó khăn của doanh nghiệp. “Đặt giả thiết nếu Chính phủ không xem xét việc giảm thuế, giúp doanh nghiệp tích tụ vốn vượt qua khó khăn ổn định sản xuất thì dù Nhà nước có cố thu doanh nghiệp cũng không có để đóng góp” – TS Lê Đăng Doanh cho biết. Liên quan đến khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong lúc này, TS Doanh cho rằng, doanh nghiệp đang gặp khó nhất ở khâu giải quyết hàng tồn kho và tìm ra phương án kinh doanh mới. Nguyên nhân khiến hàng tồn kho lớn TS Doanh lý giải: “Do sức mua kém, sức mua kém do sức mua của dân và mức độ đầu tư vào nền kinh tế giảm, năm 2007 đầu tư đến 47%GDP nhưng năm nay chỉ còn 30%”. Để sức mua tăng lên trong thời gian tới theo TS Lê Đăng Doanh phải nâng mức đầu tư nhưng phải là đầu tư đúng chỗ mới phát huy hiệu quả. Có thể nói giảm thuế TNDN lúc này có ý nghĩa lớn giúp doanh nghiệp trong nước từng bước vượt qua khó khăn. Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giảm mức lãi suất vay cộng với gói kích cầu 30.000 tỉ đồng phục hồi thị trường BĐS, tất cả sẽ giúp tình hình kinh tế trong nước khởi sắc hơn trong thời gian tới. 
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hoàng Lực