Giáo sư Nguyễn Mại cảnh báo hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ

18/02/2018 09:05
Hưng Long
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Mại lạc quan trước tín hiệu xuất siêu thời gian qua nhưng cảnh báo về chất lượng hàng hóa sang thị trường Mỹ.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đánh giá, đầu năm 2018, Việt Nam xuất siêu 180 triệu USD là tin vui nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng của nền kinh tế.

Nền kinh tế đã có tín hiệu tăng kim ngạch xuất khẩu đầu năm là khá hơn nhiều so với năm ngoái. Có yếu tố khách quan, tháng Giêng đầu năm là làm cả tháng và năm 2017 là đẩy mạnh xuất khẩu vào dịp Tết. Nhưng điều quan trọng là trước đó Chính phủ và các doanh nghiệp từ năm trước đã đề ra mục tiêu không “lơ là” trong sản xuất, xuất khẩu. Đây là tín hiệu đáng mừng nhất.

Giáo sư Nguyễn Mại. (Ảnh: Hoàng Lực)
Giáo sư Nguyễn Mại. (Ảnh: Hoàng Lực)

Tín hiệu đáng mừng kế tiếp là xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng khá cao từ 25% - 30%. Đã từ lâu rồi, xuất khẩu chủ yếu hơn 70% là nhờ vào đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Thế nhưng, phát triển kinh tế từ đầu tư trong nước nếu không tăng mà để FDI chiếm thị phần 70% kéo dài thì kinh tế trong nước không thể mạnh lên. Vì vậy, khi các doanh nghiệp nội tăng xuất khẩu là tín hiệu rất tốt, về lâu dài càng tạo được nền tảng phát triển bền vững.

Giáo sư Nguyễn Mại nhận định, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước cần phải nâng lên 35% và cao hơn nữa để giảm tỉ trọng FDI xuống dưới 65%.

Năm 2017, kinh tế Việt Nam cũng đã đón nhận một sự thành công khi xuất siêu hơn 2,7 tỉ USD. Tháng 3 năm nay, nếu vẫn tiếp tục xuất siêu thì tăng trưởng quý I sẽ cao hơn năm ngoái. Năm 2018, xuất khẩu hy vọng tăng khoảng 7% – 8% như dự kiến.

Quan trọng nhất, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu tăng về chất hơn về lượng đối với một số mặt hàng ở tháng 1 cao hơn rất nhiều so với năm ngoái.

Giáo sư Nguyễn Mại bình luận, đơn cử như xuất khẩu về gạo, từ sản lượng tăng chỉ 45% nhưng về giá trị tăng gần 75%.

Gần đây, một hiện tượng tác động của thay đổi thuế ở Mỹ, đặc biệt là giảm thuế thu nhập của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Mại tán thành báo cáo của Tổ tư vấn cho Thủ tướng chính phủ, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.

Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa đến 10 tỉ USD, nếu tính luôn đầu tư của Mỹ vào nước thứ 3 đến Việt Nam thì khoảng gần 13 tỉ USD.

Như vậy là chưa nhiều so với tổng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là 170 tỉ USD.

Năm 2017, xuất khẩu gạo đã tăng về sản lượng lẫn chất lượng. (Ảnh: Báo Hải quan)
Năm 2017, xuất khẩu gạo đã tăng về sản lượng lẫn chất lượng. (Ảnh: Báo Hải quan)

Giáo sư Nguyễn Mại băn khoăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và cảnh báo phải theo dõi chặt chẽ. Chủ trương bảo hộ mậu dịch giảm thuế của chính phủ Mỹ để gia tăng sản xuất trong nước.

Hàng Việt Nam trước bài toán thị trường ASEAN

Chắc chắn, chính phủ Mỹ sẽ điều chỉnh các chính sách thuế, chống bán phá giá ngặt nghèo hơn trong việc áp dụng các định mức kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật cho cá, tôm đối với Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Mại dẫn chứng, như vừa rồi, mặt hàng thép xuất khẩu từ Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc bị Mỹ và EU đánh thuế rất nặng. Với những chính sách mới của Mỹ về bảo hộ mậu dịch Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, tính cả xuất nhập khẩu nên chính phủ Mỹ thay đổi chính sách là điều cần phải quan tâm.

“Trước mắt chưa biến động nhiều nhưng về lâu dài phải quan tâm đến thị trường này vì kim ngạch xuất khẩu đã chiếm 20%”, Giáo sư Mại nói.

Hưng Long