Giấy phép con đang "bào mòn" sức khỏe doanh nghiệp

06/08/2017 07:15
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia nhiều quy định đúng ra không nên có vì nó làm thủ tục hành chính thêm phức tạp còn doanh nghiệp tốn thêm chi phí và thời gian.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa tái khẳng định, năm 2017 phải là năm tạo dấu ấn mạnh mẽ trong việc rà soát cơ chế, chính sách và thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

Trên thực tế chi phí đầu vào cho doanh nghiệp bao gồm cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức đang là nỗi ám ảnh với doanh nghiệp Việt Nam. 

Nhiều báo cáo nghiên cứu, thống kê chỉ ra rằng chi phí kinh doanh của Việt Nam về cơ bản vẫn là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, điều này đang làm suy giảm rất nhiều khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2017 phải là năm tạo dấu ấn mạnh mẽ trong việc rà soát cơ chế, chính sách và thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. - ảnh nguồn VTC news.
Năm 2017 phải là năm tạo dấu ấn mạnh mẽ trong việc rà soát cơ chế, chính sách và thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. - ảnh nguồn VTC news.

“Bào mòn sức khỏe” doanh nghiệp

Trao đổi trong chương trình “sự kiện - bình luận” trên kênh VTV1 sáng ngày 5/8, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đang thiệt thòi hơn so với doanh nghiệp các nước khác, trong đó có doanh nghiệp Khu vực Asean về nhiều yếu tố.

Chẳng hạn như chi phí vốn, hiện nay lãi suất vay của Việt Nam vào khoảng 7-9% trong khi bình quân các nước Asean lãi suất vay chỉ 3-4%, thậm chí có những quốc gia chỉ 1-2%. 

Tương tự chi phí cho bảo hiểm xã hội, công đoàn Việt Nam cũng rất cao, ở Việt Nam bình quân phí đóng bảo hiểm xã hội là 32,5% (doanh nghiệp đóng 20%, người lao động đóng phần còn lại), trong khi  bình quân các nước các loại phí trên chỉ 12 -13%. 

Chi phí lương của doanh nghiệp Việt Nam rất cao, tốc độ tăng lương tối thiểu gần đây lên đến 7-10% trong khi năng suất lao động tăng bình quân chỉ 4-5%. 

Chi phí logictic, chi phí vận tải, chi phí BOT tăng rất nhanh….Đó là chưa tính đến chi phí không chính thức hay chi phí từ thủ tục hành chính tương đối cồng kềnh.

Qua đó thấy rõ khoảng cách rất lớn trong chi phí giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước.

“Nhìn bức tranh chung chúng tôi thực sự lo ngại cho sức khỏe, lo ngại cho hiệu quả kinh doanh và sự tồn tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)/ ảnh: Hoàng Lực.
Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)/ ảnh: Hoàng Lực.

Cho đến thời điểm này chi phí từ thủ tục hành chính, từ điều kiện kinh doanh, giấy phép con vẫn là gánh nặng “bào mòn” sức khỏe của doanh nghiệp. 

Trong vô vàn chi phí đầu vào thì có nhiều chi phí phát sinh từ quy định của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Điều đáng nói là nhiều quy định đúng ra không nên có vì nó làm thủ tục hành chính thêm phức tạp còn doanh nghiệp tốn thêm chi phí và thời gian.

Ông Phạm Thanh Bình – Chuyên gia cao cấp Hải quan, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, ngoài chi phí về sản xuất thì chi phí về thủ tục hành chính hiện nay rất nặng nề cho doanh nghiệp.

Điển hình như trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hẹp hơn nữa là kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa tổ chức một khảo sát trên cơ sở số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2016 cho thấy, chi phí kiểm tra chuyên ngành hải quan trong một năm vào khoảng hơn 14.000 tỷ đồng. 

Chi phí về ngày công bao gồm ngày công làm thủ tục và ngày công chờ đợi để thực hiện chi phí kiểm tra chuyên ngành khoảng 28 triệu ngày công, 28 triệu ngày công khi tính ra tiền sẽ là rất lớn.

“Tương tự phí cảng biển lâu nay khiến doanh nghiệp bức xúc như phí xếp dỡ, phí cân bằng trọng tải, phí vệ sinh công tai nơ. Càng bức xúc hơn khi có loại phí doanh nghiệp không biết đó là phí gì, ví dụ phí chuyển dữ liệu.

Với chủ trương giảm 10 -15% thủ tục hành chính tương đương sẽ giảm được 10-15% chi phí phát sinh do thủ tục hành chính từ đó sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ cho doanh nghiệp”, ông Bình cho biết.

Ông Phạm Thanh Bình – Chuyên gia cao cấp Hải quan, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - ảnh Lê Thanh/Tuổi trẻ
Ông Phạm Thanh Bình – Chuyên gia cao cấp Hải quan, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - ảnh Lê Thanh/Tuổi trẻ

Biến tướng giấy phép con

Theo ông Phạm Minh Đức – Chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam hơn 90% số doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nhạy cảm với chi phí nên chi phí tăng lên do rào cản thông thường sẽ tác động đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Trong rất nhiều trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí không có cơ hội để phát triển.

Gánh nặng đến với doanh nghiệp đến từ nhiều phía, nếu là gánh nặng chi phí đến từ thị trường doanh nghiệp buộc phải đối mặt. 

Tuy nhiên hầu hết gánh nặng chi phí lại đến từ quy định không hợp lý, giấy phép con, thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp mất thời gian, lỡ cơ hội kinh doanh thì doanh nghiệp luôn ở thế thua thiệt.

Chi phí đầu vào doanh nghiệp ngoài chi phí sản xuất kinh doanh còn có chi phí từ thủ tục hành chính. Đáng nói chi phí thủ tục hành chính không đến nhiều từ luật mà đến từ bộ, từ thông tư, quyết định của cấp bộ.

Giấy phép con đang "bào mòn" sức khỏe doanh nghiệp ảnh 4

Chặn "giấy phép con": Chỉ Chính phủ quyết liệt thôi thì chưa đủ

Theo rà soát của VCCI trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi thống kê ra số điều kiện kinh doanh nhỏ lên đến hơn 5.700 điều kiện kinh doanh. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn chỉ cần 1 điều kiện kinh doanh gây phiền hà, không thực tiễn là đã tạo ra gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp.

Dẫn chứng cụ thể ông Tuấn cho hay, gần đây doanh nghiệp sản xuất thực phẩm kêu về quy định xác nhận phù hợp an toàn thực phẩm tại Nghị định 38 Hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật An toàn thực phẩm.

Theo đó, Nghị định 38 quy định thực phẩm bao gói doanh nghiệp phải có “Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm” và “Chứng nhận phù hợp quy chuẩn”. Đây là nguyên nhân làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như gây lãng phí thời gian và tiền bạc. 

“Đáng nói ở đây là việc xét duyệt cơ quan quản lý chỉ ngồi 1 chỗ còn doanh nghiệp phải chờ đợi và đi lại nhiều lần.

Tôi có thể lấy ví dụ thực tế, sản phẩm bánh sôcôla của một doanh nghiệp được sản xuất từ 10 loại nguyên liệu thì phải thực hiện “công bố phù hợp an toàn thực phẩm” cho cả 10 loại này và sản phẩm cuối cùng. 

Hay như lĩnh vực in, có doanh nghiệp phản ánh chỉ nhập một máy rất nhỏ trị giá 2-3 nghìn USD nhưng phải bay ra Hà Nội để xin giấy phép và mất cả tháng. Nếu chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ, không thay đổi chất lượng thì vẫn phải làm lại toàn bộ thủ tục”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn rà soát giảm giấy phép con là giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Đối với quy định điều kiện kinh doanh cần có thì vẫn duy trì nhưng phải đơn giản hóa thủ tục, tránh để cán bộ nhũng nhiễu trong khâu làm thủ tục hành chính.

Giám sát khâu thực hiện

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2017 vừa diễn ra, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay có 43.000 doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhất là về tiếp cận vốn, thủ tục chính thức, đất đai, tín dụng. 

Trong đó có 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trên 27.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, lần lượt tăng 16,2% và 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu đạt tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay là 6,7%, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lại càng đặt ra bức thiết. 

Bởi vậy, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nhất quán thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng đạt kế hoạch; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có đối sách rõ ràng hơn trong từng ngành, từng lĩnh vực. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là tháo gỡ các nút thắt, rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về phí và lệ phí cho phù hợp. 

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng cường khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của doanh nghiệp. 

Cùng với quyết liệt triển khai các giải pháp về xử lý nợ xấu, cần tiếp tục thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo...

Trước chỉ đạo của Chính phủ, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, nét tích cực năm 2017 là năm giảm chi phí, thông điệp Chính phủ rất rõ ràng, giản dị nhưng thiết thực là giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp nên bằng cách phản ánh nhanh, công khai tình trạng nhũng nhiễu, bức xúc về phí xảy ra ở các bộ ngành nếu có. Đồng thời cũng nêu lên nét tích cực của bộ, ngành trong việc giảm phí mà doanh nghiệp”, ông Tuấn cho biết.

Về việc làm cụ thể các bộ, ngành để đồng hành cùng năm giảm chi phí cho doanh nghiệp ông Tuấn cho rằng, có thể giảm ngay phí hạ tầng cảng biển. Có thể giảm phí thủ tục xin phép, hoặc giữ thủ tục nhưng giảm số ngày, đơn giản hóa thủ tục để tiết kiệm thời gian, tài chính cho doanh nghiệp.

Chung quan điểm, ông Phạm Thanh Bình cho rằng, chủ trương của Chính phủ, lãnh đạo bộ đúng nhưng khâu thực hiện cần giám sát. Tăng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp chủ yếu ở khâu làm thủ tục hành chính rườm rà.

“Nếu được nghe thấu đáo phân tích của chuyên gia, doanh nghiệp thì tôi tin chắc các Bộ trưởng sẽ giải quyết ngay vướng mắc về chi phí cho doanh nghiệp”, ông Bình cho biết.

Mai Anh