Hàng không Việt Nam: Đổi mới hay là chết!

15/07/2014 11:19
Trần Đình Bá
(GDVN) - “Đổi mới hay là chết” đó là sự lựa chọn duy nhất cho Cục Hàng không Việt Nam và tất cả các hãng hàng không - ông Trần Đình Bá phân tích.

LTS: Trước tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng bay đang dược đặt vào tình trạng báo động, đến Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng phải thốt lên: "Không thể chấp nhận được" và hàng loạt sự cố về quản lý bay của Hàng không Việt Nam trong thời gian gần đây, ông Trần  Đình Bá – Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, người từng thách đấu với Cục Hàng không Việt Nam về bài toán “Hiệu quả kinh tế đường bay”, gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích nguyên nhân chậm, hủy chuyến; sự lãng phí trong Hàng không.. cũng như hiến kế dự án hạch toán kinh doanh có lãi cho Hàng không Việt.

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam xin đăng tải nguyên văn bài viết, thể hiện quan điểm của ông Trần Đình Bá dưới đây:

"Trước thực trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không và bức xúc của toàn xã hội, tại cuộc họp về thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng ngày 11/7 do đích thân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chủ trì đã gióng lên hồi chuông cảnh báo phải đổi mới để cứu lấy sự nghiệp hàng không!  

Hàng không Việt Nam lãng phí đến bao giờ?

Mọi  doanh nghiệp muốn làm ăn có lãi phải tính được chính xác bài toán hiệu quả kinh tế giữa đầu vào - đầu ra, chi phí nhiên liệu nhân công, hao mòn thiết bị máy móc. Hàng không còn có đặc thù riêng cũng quan trọng nhất là bài toán hiệu quả kinh tế đường bay. Vậy nhưng nó lại đang “chết lâm sàng", ngay cả với những "ông lớn" khỏe nhất.

Nguyên nhân là do đội ngũ tiến sỹ chuyên gia kinh tế của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), của các cơ quan quản lý, chuyên viên kinh tế Vietnam Airlines (VNA) và các hãng khác như Vietjet Air (VJA), Jetstar Pacific (JPA)... tính không đúng bài toán hiệu quả kinh tế đường bay nên cứ tưởng có lãi nhưng sự thực là thua lỗ nặng nề.

Tình trạng chậm, hủy lịch trình bay trong 5 tháng đầu năm nay tăng gấp 1,5 cùng kỳ năm ngoái.
Tình trạng chậm, hủy lịch trình bay trong 5 tháng đầu năm nay tăng gấp 1,5 cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ riệng đường bay thẳng Hà Nội – TP.HCM, nhóm chuyên viên kinh tế cao cấp VNA tính tiết kiệm được 9 phút, Cục HKVN tính chỉ tiết kiệm 2,5 phút nên cùng nhau rút ra kết luận là “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng”.

Sự thật khi tính toán bằng toán học cao cấp thì đường bay đó lãng phí tới 26 phút bay với máy bay có tốc độ nhanh nhất là Boeing 777. Như vậy, tính bình quân đường bay này lãng phí tới 25% chí phí sản xuất. Đường bay Hà Nội - Cần Thơ cũng lãng phí 28,1%, Đường bay Hà Nội - Phú Quốc lãng phí 38%.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lãi ròng chỉ đạt khoảng 5-10% chi phí sản xuất là điều mơ ước, vậy mà hầu hết các đường bay nội địa nước ta lãng phí tới 25% chi phí sản xuất thì không lỗ mới là chuyện lạ!

Lãnh đạo một doanh nghiệp hàng không đã chua xót trước báo giới: “Chúng ta đang bó tay nhìn hàng không thua lỗ. Không thể có thị trường lành mạnh khi mà tất cả các hãng tham gia đều thua lỗ. Nếu không có cơ chế tháo gỡ thì sớm hay muộn các hãng hàng không nội địa sẽ yếu đi và không đủ sức cạnh tranh".

Con số quy đổi về thời gian lãng phí trên bầu trời tính ra trên 25.000 giờ bay do bay lòng vòng trên những đường bay công nghệ máy bay “bà già“ hàng năm gần bằng với tuổi thọ sử dụng của một chiếc máy bay Airbus A330 thời giá hiện nay là 175 triệu USD. Như vậy mỗi năm hàng không “đốt" gần một chiếc máy bay trị giá 150 triệu USD, kèm theo đó là lãng phí trên 60.000 tấn nhiên liệu, 25.000 giờ bay phải thuê phi công ngoại, chi phí cho tiếp viên, nhân viên bay...

Như vậy, HKVN đã “đốt” trên 300 triệu USD mỗi năm vốn liếng của tất cả các hãng hàng không trên đường bay nội địa. Điều này cũng lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi trong khi đường bay nội thua lỗ nặng nề.

Do không còn tiền để mua sắm thay thế phương tiện thiết bị… nên đã xảy ra hàng trăm vụ trễ chuyến, hủy chuyến do trục trặc kỹ thuật như nổ lốp, xì lốp, rơi lốp, trục trặc hệ thống dưỡng khí … Càng hủy chuyến, chậm chuyến các hãng hàng không càng rơi vào cảnh “lỗ chồng lỗ".

Trong thời gian gần đây, tình trạng này ngày càng dồn đập có nguy cơ về những thảm họa hàng không do lỏng lẻo trong các khâu điều hành – quản lý an toàn hàng không mà chính Cục HKVN phải chịu trách nhiệm.    

Đã đến lúc Cục HKVN lưu ý “Bài toán hiệu quả kinh tế đường bay …”  

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp 11/7, “Cục trưởng Cục Hàng không chưa nhận ra khuyết điểm của mình thì ngành hàng không chưa có giải pháp hữu hiệu.

Vừa qua tôi không nhắc thì Cục Hàng không không có ý kiến gì, coi việc này là rất bình thường…  mấy lần mà không thay đổi, chấn chỉnh. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan với các hãng là có vai trò quản lý của Cục Hàng không, cứ có khuyết điểm là đổ lỗi cho nhau. Còn các hãng hàng không sự phối hợp cũng chưa tốt, toàn tìm cách dìm nhau...

Theo TS Trần Đình Bá, đã đến lúc Cục Hàng không Việt Nam lưu ý đến bài toán hiệu quả kinh tế đường bay.
Theo TS Trần Đình Bá, đã đến lúc Cục Hàng không Việt Nam lưu ý đến bài toán hiệu quả kinh tế đường bay.

Một khi tình trạng hàng không như hiện nay mà vẫn vô cảm với việc này thì còn chậm, còn hủy chuyến. Mỗi ngày tôi trả lời, xin lỗi không biết bao nhiêu người dân phản ánh…

Các anh phải nghiên cứu luôn đường bay thẳng, tại sao cứ để nói đi nói lại. Tại sao mình bay đi khắp các nước được mà không phối hợp được với các nước để cho đường bay ngắn đi!?…  Các ông là các nhà quản lý phải nhảy xuống cùng bơi với doanh nghiệp chứ đừng đứng trên mà hướng dẫn... Quản lý nhà nước mà ngồi trên trời thì sao biết người ta khó khăn gì?”.

Câu nói của Bộ trưởng làm những ai đã từng chứng kiến những gì của đêm trước đổi mới trong vở kịch nổi tiếng của lưu Quang Vũ : “Tôi và chúng ta”. Trong kịch bản, vị  Tổng Giám đốc Hoàng Việt hét lên: “Các anh trói chúng tôi lại rồi ném xuống sông để tự bơi thì làm sao sống được".

Đã gần 3 thập kỷ đổi mới, Cục HKVN vẫn chưa đổi mới khi vẫn đang trói các hãng hàng không lại rồi ném xuống sông để bơi!

Bài toán kinh tế quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp hàng không. Đã đến lúc các doanh nghiệp phải “tự cứu mình" bằng việc hạch toán lại toàn bộ bài toán hiệu quả kinh tế đường bay và cũng là lúc Cục Hàng không Việt Nam phải xem câu nói của Bộ trưởng như một mệnh lệnh để hành động!

Đúng ra theo Luật doanh nghiệp, các hãng hàng không thua lỗ có thể khởi kiện tư duy bảo thủ của cục Hàng không Việt Nam đã vi phạm luật Doanh nghiệp, kìm hãm các hãng hàng không trong cảnh bơi trong ao nhà – vườn nhà. Luận thuyết “bay vòng để thực hiện quyền điều hành" đang thực sự bức tử sự nghiệp Hàng không!

Khi anh không cải thiện được hiệu quả kinh tế trong kinh doanh thì càng hoạt động càng tự sát. Đó là bài học trong “Tôi và chúng ta”!.

“Đổi mới hay là chết” đó là sự lựa chọn duy nhất cho Cục Hàng không Việt Nam và tất cả các hãng hàng không!

Trần Đình Bá