Hàng không Việt tỷ lệ đúng giờ không hề thua thế giới

10/07/2013 17:17
Theo Quang Trí/Vietnamnet
(GDVN) - Bỏ một số tiền (đôi khi là rất lớn) để đi máy bay nên không ai muốn bị chậm, hủy chuyến, song thực tế tình trạng này vẫn diễn ra. Dù là nguyên nhân gì và bên nào cũng thiệt hại, nhưng tất cả cũng vì đảm bảo cho một chuyến bay an toàn.
Bay quốc tế cũng chậm như cơm bữa
Đúng giờ, một nhu cầu và đòi hỏi chính đáng của mọi đối tượng khách hàng, một yếu tố quan trọng tạo nên uy tín của một hãng hàng không. Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Các hãng hàng không quốc tế (IATA), giờ khởi hành của một chuyến bay đi hoặc giờ cập bến đỗ của một chuyến bay đến, nếu không vượt quá 15 phút thì được coi là đúng giờ, còn nếu vượt quá 15 phút bị coi là chậm chuyến (delay). 
Nguyên nhân khiến một chuyến bay bị chậm, hủy chuyến thì có nhiều, nhưng thường tập trung ở 3 giai đoạn chính. Thứ nhất, xảy ra trong quá trình chuẩn bị trước khi khởi hành: máy bay thực hiện chuyến bay trước đến muộn; công tác kiểm tra kỹ thuật trước khi bay; khi là các thủ tục check-in, kiểm tra an ninh; xử lý hành khách không đủ điều kiện bay; tình trạng thời tiết khi cất, hạ cánh. Thứ hai, đó là giai đoạn lăn ra và cất cánh, như xe kéo đẩy tàu bay ra khỏi sân bay, tắc đường lăn hoặc đường bay cất cánh, tắc đường trên không... Thứ ba, sự cố xảy ra hặc thời tiết xấu trên đường bay và lúc hạ cánh.

Hàng không Việt tỷ lệ đúng giờ không hề thua thế giới ảnh 1
Hàng không Việt tỷ lệ đúng giờ không hề thua thế giới
Bất cứ sự trục trặc nào trong ba giai đoạn trên đều gây ra sự chậm trễ, và phần lớn sự chậm trễ này tác động trực tiếp tới khách hàng.
Chưa kể, hạ tầng các sân bay tại Việt Nam phần lớn chưa hoàn chỉnh và quá tải tại các sân bay lớn gây ùn tắc thường xuyên. Năm nay, vào đúng mùa hè cao điểm thì sân bay Tân Sơn Nhất đóng cửa 1 đường băng, sân bay Phú Bài đóng cửa hoàn toàn, khiến lịch bay mùa hè của các hãng xáo trộn không nhỏ. Hành khách và nhất là các công ty lữ hành đã lên lịch, mua vé trước cũng chỉ biết kêu trời.
Tuy nhiên, không riêng Việt Nam mà bất kỳ hãng bay thuộc quốc gia nào trên thế giới cũng có thể bị chậm, hủy chuyến. Nghiên cứu của Viện Hàng không Mỹ (American Aviation Institute - AAI), cho thấy, tỷ lệ chậm hủy chuyến cũng thường xuyên xảy ra ở một số hãng. Ví dụ, năm 2010, tỷ lệ bay đúng giờ của Comair là 73%, JETBLUE 75,7%; Delta 77,4%, Skywest 79%, American Airlines 79,6%, US Airway 83%... Trung bình, 19 hãng hàng không Mỹ chỉ đạt 79,8% về tỷ lệ bay đúng giờ. 
Còn tại Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2013, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ đúng giờ của các hãng hàng không là: Vietnam Airlines 91%, Jetstar Pacific 58%; VietJetAir 94%, VASCO 96% và Mekong Air 84% (chỉ hoạt động 2 tháng). 
Phó Tổng giám đốc VietJetAir, ông Nguyễn Đức Tâm, nhận xét "hàng không Việt Nam không hề thua kém các hãng bay quốc tế về tỷ lệ bay đúng giờ, thậm chí còn ít bị chậm trễ chuyến hơn các hãng hàng không Mỹ. Tại VietJetAir, chúng tôi đang duy trì tỉ lệ các chuyến bay đúng giờ dẫn đầu trong ngành hàng không thế giới, tỉ lệ chuyến bay hủy thấp nhất toàn ngành".
Riêng việc hủy chuyến, tức là vì một lý do nào đó hàng không không thể thực hiện được lịch bay đã công bố, lại bắt nguồn từ tình trạng kỹ thuật của máy bay không đảm bảo, không đáp ứng yêu cầu bay hay thời tiết không cho phép cất/hạ cánh, lý do thương mại (máy bay không có khách). Cũng theo số liệu trên, tỷ lệ hủy chuyến bình quân ở hàng không Mỹ là 1,76%, còn tại Việt Nam, con số này của 5 tháng đầu năm 2013 lần lượt là 3% (Vietnam Airlines), 5% (Jetstar Pacific), 1% (VietJetAir)...
Việc hủy bay là điều cả hành khách và hãng bay đều không mong muốn vì thiệt hại gián tiếp gây ra rất lớn. 
Ông Tâm dẫn chứng, 5 tháng đầu năm 2013, với tỷ lệ chậm hủy chuyến như trên, ước tính gần 1 triệu lượt khách bay ở Việt Nam bị ảnh hưởng, phải hứng chịu hậu quả. Khi chuyến bay bị chậm, hủy thì bản thân các hãng hàng không cũng tổn thất nặng nề về kinh tế. Theo tính toán, mỗi phút chậm chuyến, các hãng bay có thể "bay" mất 100 USD (mức thiệt hại đối với máy bay A-320) . Như vậy thiệt hại của các hãng hàng không ở Việt Nam có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng, lớn hơn nhiều so với lợi nhuận các hãng có thể làm ra.
Theo nghiên cứ của AAI, chỉ tính riêng yếu tố tắc nghẽn đường băng ở các sân bay Mỹ trong năm 2010, các hãng hàng không nước này cũng mất tới 18,7 tỷ USD.

Ứng xử có văn hóa, được cả đôi đường

Ở Việt Nam, số người dân đi máy bay vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ vài phần trăm. Giá vé cao là một trong những lý do hàng đầu khiến người dân "chào thua". Tuy nhiên, với sự tham gia của nhiều hãng hàng không khiến giá vé “mềm” hơn, cơ hội đi máy bay được nhân rộng ra tới hàng nghìn, hàng triệu người, trong đó còn không ít hành khách còn chưa tìm hiểu những thông tin, luật lệ quy định liên quan đến hàng không và an toàn bay.
Chính vì thế mà gần đây, khi tình trạng các chuyến bay nội địa bị chậm, hủy, thì sự giận dữ lan ra tạo thành hiệu ứng đám đông. Một số hành khách sẵn sàng chửi mắng nhân viên hãng bay. Thậm chí, mâu thuẫn còn lên đến đỉnh điểm khi hành khách xông vào hành hung nhân viên phải nhập viện. Sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) và Vinh (Nghệ An) là những địa điểm thường diễn ra cảnh xô xát, "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" giữa hành khách và các hãng hàng không, kéo cả truyền thông vào cuộc ồn ào. Thậm chí có báo còn suy diễn tới mức “hàng không thiếu nhân lực nên không thể phục vụ hành khách chu đáo”.
Ở đây có vấn đề về văn hóa ứng xử. Nhiều trường hợp chậm, hủy chuyến, hành khách đã không có đủ thông tin, không thông cảm với hãng và có những hành vi thái quá. Trong khi đó, bản thân các hãng bay cũng cần xem xét cung cách ứng xử đối với khách hàng khi gặp sự cố. 
Hàng không nào cũng bị chậm, hủy chuyến; cách giải quyết của hãng sẽ khiến khách thông cảm hoặc làm khách bực tức, và qua đó cũng chính là kéo khách đến với mình nhiều hơn hay là đẩy khách đi. Đòi hỏi được phục vụ chu đáo của hành khách là chính đáng. Tuy nhiên, nếu có cơ hội đi lại máy bay thường xuyên với các hãng hàng không tại các sân bay nước ngoài thì chắc chắn các hành khách Việt của chúng ta sẽ đánh giá hàng không Việt Nam mình cũng khá “dễ thương” so với các nước. 
Đơn giản là ở nước ngoài, khi chuyến bay chậm hay hủy, hành khách đừng có mơ sẽ có nhân viên hàng không tới nhắc nhở hay chăm sóc. Khách thường phải chủ động tìm hiểu giờ bay mới, nếu chưa có thì nghĩa là chờ thêm. Cách đây chưa lâu, người viết bài này từng ngồi phòng chờ của khách Thương gia tại sân bay Suvanabumi Băng-cốc để bay về Việt Nam. Gần tới giờ bay nhưng không hề thấy trên màn hình hiển thị báo thông tin chuyến bay. Hỏi cô lễ tân thì cô chỉ lắc đầu cười rất xinh: “Em không biết”. Sốt ruột, tôi chạy đại đi tìm thì máy bay sắp đóng cửa. May quá, tí xíu nữa thì bị rớt lại, biết kêu ai? 
Trước đó, cả nhà tôi đi Nhật. Chuyến về từ sân bay Tokyo chậm hơn 6 tiếng, làm gì có ai báo trước. Chúng tôi cũng chỉ biết đợi tại phòng chờ, thỉnh thoảng hỏi nhân viên sân bay xem có tin mới chưa và nhận được cái lắc đầu nhẹ nhàng. Cứ vậy cho đến lúc lên được máy bay còn lo không biết có phải quay lại nữa không. Chưa hết, về tới Tân Sơn Nhất thì toàn bộ hành lý của nhà tôi thất lạc. Lại khai báo, và may quá hôm sau chúng tôi đã nhận đủ. Được biết, hành lý của chúng tôi bị chuyển nhầm về Hà Nội và lỗi không phải của VietnamAirline mà là của dịch vụ sân bay Nhật Bản. 
Người Nhật vốn nổi tiếng về dịch vụ chu đáo, nhưng cũng chỉ làm đến thế được thôi. Vừa mới tuần trước, từ London về tôi được đi hạng thương gia. Về tới Tân Sơn Nhất,tôi chờ mãi cũng không thấy va-li của mình trên băng truyền hành lý. May quá, cậu bé đi cùng chạy tìm và phát hiện ra va-li đang du hành trên băng truyền của khách quá cảnh ra Hà Nội. Tí nữa là lại thất lạc va-li. 
Chúng tôi đi máy bay quốc tế nhiều, hiểu và thông cảm với thực tế của hoạt động hàng không để chủ động xử lý tình huống và kết cục ổn thỏa cả. Hành khách không may gặp phải tình huống chậm chuyến, thất lạc hành lý thì trước hết cần bình tĩnh giải quyết theo qui định một cách có văn hóa.
Mặc dù các Hãng hàng không đều công bố Điều lệ vận chuyển trên website của hãng nhưng cũng chưa nhiều hành khách chủ động tìm hiểu. Để thu hút ngày càng đông khách bay, ông Nguyễn Đức Tâm cho biết sắp tới VietJetAir đã có kế hoạch và các chương trình cụ thể để truyền thông rộng rãi hơn về những thông tin hành khách nên biết khi đi lại bằng máy bay. Việc này cũng là trách nhiệm của các tổ chức hoạt động trong ngành hàng không.Khi các thông tin và kinh nghiệm đi lại bằng máy bay được truyền thông rộng rãi sẽ có ích cho hành khách và cho cả hãng hàng không, nhất là trên các chuyến bay quốc tế, ông Tâm chia sẻ.
Theo Quang Trí/Vietnamnet