Hàng loạt khu đất “vàng”, đắc địa của Hà Nội sắp bị thu hồi

15/10/2014 07:17
NHẤT NGÔN
(GDVN) - UBND TP. Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo về việc thanh kiểm tra, xử lý đối với các dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố.

Trước đó, ngày 16/4/2014, Thành phố có Văn bản số 2661/UBND-TNMT, chỉ đạo kiên quyết thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm quy định của Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, việc xử lý dự án chậm triển khai và có sai phạm còn chậm. Thậm chí, không ít dự án chưa có kết luận thanh tra.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thanh tra các dự án, tập trung vào các nội dung: giải phóng mặt bằng cho thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính, chuyển nhượng dự án, vi phạm quy hoạch và trật tự xây dựng… Các sai phạm của dự án nếu có, sẽ được xử lý căn cứ theo Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

Hàng loạt dự án đã bị lập danh sách xử lý, thu hồi vì chậm triển khai hoặc sử dụng đất sai mục đích. Đặc biệt, nhiều dự án liên tiếp có mặt trong danh sách thanh tra của UBND Thành phố. Thế nhưng, tiến độ dự án và việc khắc phục sai phạm trên thực tế không có nhiều chuyển biến.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại lô đất ký hiệu NT1, TH1, Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng của Liên danh CTCP Xây dựng Công nghiệp ICC và CTCP Tư vấn kiến trúc đô thị UAC, dù được quy hoạch làm trường học, nhà trẻ, nhưng khu đất lại bị sử dụng sai mục đích. Từ năm 2012 đến nay, Thành phố có nhiều văn bản thúc giục doanh nghiệp thực hiện dự án, nhưng khu đất tiếp tục bị sử dụng sai mục đích.

Tại ô đất CC 3 A, B, C, Khu đô thị Mỹ Đình 2 của Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD), dự án đã bị Thành phố kiến nghị thu hồi vào năm 2012 vì sử dụng đất sai mục đích. Đến cuối tháng 3/2014, Thành phố tiếp tục có văn bản kiến nghị thu hồi, nếu chủ đầu tư không tháo dỡ trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn ô đất này vẫn bị các đơn vị thứ cấp sử dụng sai mục đích, không trả lại mặt bằng theo yêu cầu của Thành phố.

Ô đất ký hiệu 3.7CC, rộng 9.984 m2 được giao cho Công ty Hacinco xây dựng thí điểm nhà ở cho thuê. Tuy nhiên, doanh nghiệp mới triển khai được một khối nhà. Phần diện tích còn lại hiện đang được sử dụng sai mục đích làm nhà xưởng.
Tại ô đất 4.5 - NO, rộng trên 5.700 m2, dự án của CTCP Phát triển Nhà Hà Nội (HDI) được Thành phố nhắc nhở triển khai liên tục từ năm 2012, nhưng đến nay, dự án này vẫn là một bãi đất trống quây tôn.

Tại khu Nam Trung Yên, lô đất ký hiệu C3 rộng trên 9.000 m2 được giao cho Tập đoàn Thùy Dương thực hiện Dự án tổ hợp thương mại, văn phòng từ năm 2011, đã vài lần bị Thành phố nhắc nhở triển khai, nhưng đến nay, dự án chỉ là một bãi đất trống, một phần dự án được sử dụng làm gara sửa xe.

Vừa qua, sở Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách 53 dự án sử dụng đất có sai phạm. Trong số đó, có 2 dự án sở này đang lập hồ sơ thu hồi đất; 2 dự án đã có kết luận của thanh tra và tiếp tục trình UBND TP Hà Nội chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất.
Kết quả thanh tra cho thấy, nhiều dự án quây tôn, cỏ mọc um tùm bỏ hoang nhiều năm, nhiều dự án bất động sản (BĐS) thi công dở dang để giữ đất. 

Ví dụ như: Dự án Hà Nội Times Tower ở Văn Phú, Hà Đông, sau gần 4 năm thi công mới chỉ xây xong phần hầm và khung của 4 tầng nhà. Hay như dự án Hattoco 110 đường Trần Phú, Hà Đông sau 5 năm triển khai cũng mới chỉ “nhú” đến tầng thứ 9.

Đặc biệt, siêu dự án Habico Tower trên đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm nổi đình nổi đám một thời vì mức giá “khủng” từ 75 – 100 triệu đồng/m2 được chào bán năm 2008, đã ngừng thi công tại sàn tầng 9 và đến nay chưa có dấu hiệu khởi động trở lại.

Một dự án hoành tráng về cả quy mô và thời gian là dự án xây dựng tháp BIDV Diamond, tổng diện tích là 3.344m2 của Ngân hàng Thương mại cổ phẩn Đầu từ và Phát triển Việt Nam (BIDV) nằm trên đường Phạm Hùng, Từ Liêm cũng đang khiến giới địa ốc xôn xao. Dự án này nằm trong khu “đất vàng” và gần nhiều dự án lớn như tòa nhà Keangnam, khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì, Tòa nhà Sông Đà… Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Dự án tháp BIDV Diamond bị thu hồi do 12 năm không triển khai.

Ngoài ra, nhiều dự án khác có vị trí “đắc địa” cũng có tên trong danh sách bị thu hồi vì chậm triển khai như: Dự án Tháp Doanh nhân của Tập đoàn Anh Quân, trên khu đất rộng 1.370 m2, tại số 1 đường Thanh Bình (Hà Đông); dự án “khủng” Castle Plaza với quy mô hơn 12ha ở 136 Hồ Tùng Mậu…

Lí giải việc danh sách vi phạm thì nhiều mà dự án thu hồi lại ít, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, mục đích của việc thanh tra, xử lí vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai nói chung là nhằm sử dụng đất hiệu quả, đúng quy định, tránh lãng phí. Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan quản lí có thể xử phạt hành chính hoặc thu hồi đất. Nhưng thực tế, trước khi có quyết định, cơ quan quản lí thường xem xét, làm rõ nguyên nhân.

Nhiều trường hợp, dự án phải dừng, chờ rà soát sau khi hợp nhất, không còn phù hợp quy hoạch, do suy giảm kinh tế… Nên không hẳn trường hợp vi phạm nào cũng có quyết định thu hồi đất. Thậm chí, có trường hợp theo quy định phải thu hồi nhưng kiểm tra trực tiếp thấy đủ điều kiện tháo gỡ vướng mắc và phương án khắc phục của đơn vị sử dụng đất khả thi hơn.
NHẤT NGÔN