Hàng triệu lượt khách không được bay vì một quyết định của Cục Hàng không?

30/03/2015 13:55
Mai Anh
(GDVN) – Do 2 tháng sữa chữa đường băng, sân bay có thể mất 120 tỉ đồng, các hãng mất doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng và 1 triệu lượt khách không được bay.

Nhằm đánh giá lại giới hạn khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để điều phối Slot lịch bay mùa Hè 2015, mùa Đông 2015/2016, Cục Hàng không dự định thực hiện Dự án đóng cửa đường băng CHC25L-07R để sửa chữa, cải tạo và mở rộng sân đỗ máy bay. Thời gian đóng cửa 1 đường băng để sửa chữa, nâng cấp từ 10/4 đến 25/6/2015.

Dễ thấy, thời điểm đóng cửa đường băng để sửa chữa cũng là lúc bắt đầu bước vào mùa cao điểm du lịch, nhất là khi dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay lại cùng dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, thời gian nghỉ kéo dài 6 ngày. Khi đó nhu cầu du lịch thăm quan của người dân tăng cao đặc biệt các tour du lịch về miền Nam hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chính vì vậy kế hoạch đóng cửa để nâng cấp, sửa chữa 1 đường băng mà Cục Hàng không đưa ra vào thời điểm tháng 4 – 6 đang nhận được nhiều ý kiến phản hồi khác nhau.

Toàn cảnh sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh nguồn ACV)
Toàn cảnh sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh nguồn ACV)

Với tầng suất khai thác hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đã đạt đến trần cất/hạ cánh từ 30 đến 32 lần/giờ, trong các khung giờ từ 6h đến 18h hàng ngày, cao điểm có lúc 39 lần/giờ. Tuy nhiên vào thời điểm tiến hành sửa chữa 1 đường băng theo quyết định của Cục Hàng không thì sẽ chỉ còn cất hạ tối đa được 25 lần/h, đồng nghĩa mỗi giờ giảm 5 đến 7 chuyến bay x 12h = khoảng 80 chuyến bị cắt giảm mỗi ngày, tương đương hơn 10 máy bay phải nằm đất và khoảng hơn 10.000 khách hành không được bay/ngày.

Không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, các hãng hàng không là người chịu thiệt nhất khi kế hoạch sửa chữa đường băng được đưa ra.

Nếu số lần cất hạ cánh tối đa bị cắt giảm, khả năng nhiều chuyến bay của các hãng Hàng không sẽ không được cấp phép bay, trong khi lịch bay đã được mở bán từ trước.

Về mặt kinh tế, theo tính toán mỗi hành khách phải nộp chi phí 120.000 đồng, với khoảng 1 triệu hành khách sẽ bị ảnh hưởng do 2 tháng sữa chữa đường băng, như vậy sân bay mất 120 tỉ đồng, các hãng mất doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng và 1 triệu lượt khách không được bay.

Nhìn vào con số này, ở góc độ chuyên gia kinh tế PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học kinh tế cho rằng, chắc chắn việc tạm đóng cửa sửa chữa 1 đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ảnh đến các hãng hàng không đến kế hoạch và nhu cầu đi lại của hành khách.

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình với đặc thù hàng không kế hoạch bay, các chuyến bay đã được đưa ra từ trước đó hàng năm. Theo các kế hoạch bay đó là kế hoạch bán vé, hành khách tiến hành đặt vé. Do vậy việc sửa chữa 1 đường băng giảm năng suất cất/hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách và các hãng hàng không sẽ chịu thiệt nhiều nhất. Tuy nhiên vấn đề cần làm rõ tại sao phải sửa chữa đường băng và thời điểm này?.

Theo PGS.TS Bình nếu đường băng phải sửa chữa vì lý do kỹ thuật không đảm bảo cho khai thác bay an toàn thì việc sửa chữa dù ảnh hưởng đến hoạt động, doanh thu của các hãng hàng không của sân bay cũng phải chấp nhận vì phải đảm bảo an toàn là trên hết.

Cùng với việc tạm đóng cửa 1 đường băng, Cục Hàng không còn điều chỉnh giảm số lần hạ cất cánh từ 30 – 32 lần/ngày xuống còn 25 lần/ngày. Điều này càng hạn chế số chuyến bay cất/hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Đánh giá vấn đề này, Trung tá Lê Trọng Sành - nguyên Phó Ban tác chiến Binh chủng Không quân; nguyên Trưởng phòng Quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng: Với 1 đường bằng nếu hạ cánh có thể từ 5 - 7 phút, máy bay có thể nối nhau hạ cánh khi máy bay hạ cánh trước đã chạm đất và đi vào đường lăn. Còn cất cánh có thể khoảng 10 phút/chuyến. Như vậy Cục Hàng không hoàn toàn có thể điều chỉnh nâng số lần cất/hạ cánh/ngày của sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian sửa chữa đường băng.

Hiện nay, khó khăn của sân bay Tân Sơn Nhất là chỉ có đường lăn hẹp, trong khi với sân bay cần nhiều đường lăn còn đường băng ngay khi máy bay hạ cánh xong thì máy bay đi vào đường lăn, máy bay khác lại có thể cất/hạ cánh được. Vì vậy một đường băng không ảnh hưởng nhiều.

“Vấn đề khi đường lăn hạn chế thì chỉ huy bay phải hết sức vô tư không thiên vị hãng hàng không nào mà dựa trên kế hoạch bay của từng hãng. Còn thực tế hiện nay có vẻ như hãng Hàng không Quốc gia vẫn được ưu tiên hơn. Ví dụ tại sân bay Hải Phòng năm ngoái khi máy bay Vietjet và Vietnam Airlines cùng hạ cánh nhưng xe thang máy bay đã được ưu tiên cho Vietnam Airlines trước”, ông Lê Trọng Sành cho biết.

Được biết trước kế hoạch về việc đóng cửa đường băng của Cục Hàng không các hãng hàng không đều đề xuất xin lùi thời gian sửa chữa sang tháng 8 và tháng 9 để các hãng có thể phục vụ nhu cầu du lịch người dân trong dịp hè.

Mai Anh