Hiệu ứng nhà kính: Những tác động khó lường đến biến đổi khí hậu

14/08/2012 10:08
Diện Hứa
(GDVN) - Những năm gần đây, khái niệm "Hiệu ứng nhà kính" đã không còn xa lạ đối với nhận thức của con người. Tuy nhiên, ít ai nắm được những tác động khôn lường của nó đến biến đổi khí hậu, điều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người.

Nhiệt độ trái đất tăng sẽ làm băng tan chảy và mực nước biển dâng cao. Điều này có thể khiến nhiều vùng sản xuất lương thực trù phú, các khu đông dân cư, các đồng bằng lớn, nhiều đảo thấp sẽ bị chìm dưới lòng đại dương. Sự nóng lên của trái đất sẽ làm thay đổi điều kiện sống bình thường của các sinh vật, nhiều loai vật có thể bị tiêu diệt. Trái đất nóng lên cũng khiến cho hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, nhiều loại bệnh tật mới sẽ xuất hiện, dịch bệnh lan tràn, sức khỏe con người bị suy giảm…

Ít ai nghĩ rằng những hiện tượng như đường ray xe lửa bị bẻ cong, những chiếc hồ khô cạn và chứng hắt hơi sổ mũi của con người đều có nguồn gốc từ hiệu ứng nhà kính. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiệu ứng nhà kính gây nên những tác động khó lường đến biến đổi khí hậu và cuộc sống của con người như:

Nhiệt độ của trái đất tăng cao

Hiệu ứng nhà kính diễn ra khi khí quyển chứa khí đã hấp thụ tia cực quang. Khi hơi nóng từ mặt trời vào Trái Đất đã bị giữ lại ở tầng đối lưu, tạo ra hiệu ứng nhà kính ở bề mặt các hành tinh hoặc các vệ tinh.

Khí thải của các nhà máy công nghiệp góp phần gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính.
Khí thải của các nhà máy công nghiệp góp phần gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính.
Nhiệt độ bề mặt trái đất được tạo nên do sự cân bằng giữa năng lượng mặt trời đến bề mặt trái đất, và năng lượng bức xạ của trái đất vào khoảng không gian giữa các hành tinh.

Trong khi đó, bức xạ của trái đất với nhiệt độ bề mặt trung bình +16°C là sóng dài có năng lượng thấp, dễ dàng bị khí quyển giữ lại. Các tác nhân gây ra sự hấp thụ bức xạ sóng dài trong khí quyển là khí CO2, bụi, hơi nước, khí mêtan, khí CFC v.v... Kết quả của sự của sự trao đổi không cân bằng về năng lượng giữa trái đất với không gian xung quanh, dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển trái đất. Hiện tượng này diễn ra theo cơ chế tương tự như nhà kính trồng cây và được gọi là Hiệu ứng nhà kính.

Các thành phần gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu bao gồm hơi nước, khí đioxit cacbon (CO2), ô-xit Nitơ (N2O), khí mê-tan (CH4) và ô zôn (O3). Những họat động của con người đã làm sản sinh thêm những chất khí mới vào thành phần các chất khí gây hiệu ứng nhà kính như fluorure lưu huỳnh SF6, các họ hàng nhà khí hydroflurocarbone HFC và Hydrocarbures perfluoré PFC. Tất cả các lọai khí này đều có đặc tính hấp thụ tia bức xạ hồng ngọai từ bề mặt trái đất lên không gian.

Sự biến mất của các hồ

Trái đất nóng lên khiến nhiều hồ biến mất.
Trái đất nóng lên khiến nhiều hồ biến mất.
Hiệu ứng nhà kính tác động đến hai địa cực một cách mạnh mẽ: 125 hồ ở Bắc Cực đã biến mất trong vài thập kỷ qua. Lý do: Tảng băng vĩnh cửu ở dưới đáy hồ, vốn đã tồn tại từ hàng triệu năm, đã tan chảy, khiến nước thấm qua đất và hồ cạn đi. Khi các hồ biến mất, các hệ sinh thái phụ thuộc vào chúng cũng biến mất theo.

Cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn

Hiệu ứng nhà kính khiến tuyết tan sớm, tình trạng khô hanh ở các khu rừng trầm trọng hơn, hỏa hoạn dễ phát sinh và lây lan. Trên thực tế, số vụ cháy rừng tăng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Các nhà khoa học cho rằng sự tăng lên của nhiệt độ và tình trạng tan sớm của tuyết là nguyên nhân chính khiến lửa dễ xuất hiện và lan ra các khu rừng.

Nguồn nước nhiều, mưa tăng, gây lụt lội thường xuyên
Lụt lội diễn ra thường xuyên do lượng mưa lớn.
Lụt lội diễn ra thường xuyên do lượng mưa lớn.
Chất lượng và số lượng của nước uống, nước tưới tiêu, nước cho kỹ nghệ và cho các máy phát điện, và sức khỏe của các loài thủy sản có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thay đổi của các trận mưa rào và bởi sự tăng khí bốc hơi. Khí bốc hơi, gây ra hiện tượng mưa nhiều và lượng mưa lớn quanh năm, như vậy, gây lụt lội thường xuyên hơn. Khí hậu thay đổi có thể làm đầy các lòng chảo nối với sông ngòi trên thế giới.

Đất đai  thu hẹp do mực nước biển  dâng cao

Khi trái đất nóng lên, khiến khí hậu trái đất thay đổi, tác động làm mực nước biển  dâng cao. Mực nước biển dâng cao 30m trên phạm vi rộng lớn có thể gây ngập lụt 3.7 triệu dặm vuông đất đai trên thế giới, còn với mực nước biển dâng cao 5m đột ngột thì cuộc sống của 669 triệu người và 2 triệu dặm vuông đất đai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chỉ tại riêng Hoa Kỳ, mực nước biển dự đoán tăng 50 cm vào năm 2100, có thể làm mất đi 5.000 dặm vuông đất khô ráo và 4.000 dặm vuông đất ướt.

Dưới tác động của hiệu ứng nhà kính, số người mắc bệnh cũng tăng.
Dưới tác động của hiệu ứng nhà kính, số người mắc bệnh cũng tăng.

Chứng "hắt hơi" tăng

Dưới tác động của hiệu ứng nhà kính, số người mắc các bệnh dị ứng theo mùa và hen suyễn ngày càng tăng lên trong những thập kỷ qua. Ngoài những thay đổi trong lối sống và tình trạng ô nhiễm môi trường - là những điều kiện khiến con người dễ tổn thương hơn trước những tác nhân gây dị ứng, lượng carbon dioxide trong khí quyển và nhiệt độ cao là nhân tố quan trọng khiến thực vật nở hoa sớm và tạo ra nhiều phấn hơn. Phấn hoa là một trong những tác nhân gây dị ứng hàng đầu...      
Diện Hứa