Hơn 43% cơ sở quảng cáo thực phẩm chức năng có sai phạm

08/07/2014 07:37
Hồng Anh
(GDVN) - Cục ATTP cho biết, 6 tháng đầu năm, kiểm tra 4.514 cơ sở quảng cáo thực phẩm chức năng đã phát hiện 1.974 cơ sở có vi phạm các quy định về ATTP, chiếm 43,73%.

Từ tháng 12/2013 đến tháng 6/2014, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương đã đồng loạt triển khai đợt thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở thực phẩm chức năng (TPCN) của 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kết quả cho thấy, với tổng số 4.514 cơ sở được thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 1.974 cơ sở có vi phạm các quy định về ATTP chiếm 43,73%. 

Hàng nghìn hộp thực phẩm chức năng nhãn hiệu Genki 6, Genki9 đã bị thu giữ. (Ảnh minh họa)
Hàng nghìn hộp thực phẩm chức năng nhãn hiệu Genki 6, Genki9 đã bị thu giữ. (Ảnh minh họa)

Các vi phạm chủ yếu: Vi phạm quy định về sức khỏe, kiến thức, thực hành ATTP của người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chiếm 30,3% số cơ sở được kiểm tra; vi phạm về quảng cáo TPCN chiếm 19,01% với các hành vi như quảng cáo khi không có giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký, quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh,...

Vi phạm về ghi nhãn chiếm 9,05%; vi phạm điều kiện trang thiết bị, dụng cụ chiếm 5,41%; vi phạm điều kiện vệ sinh cơ sở chiếm 3,83%; vi phạm về công bố sản phẩm chiếm 3,33%. Ngoài ra, một số vi phạm khác về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh,... chiếm 28,33%.

Về lấy mẫu kiểm nghiệm, với tổng số 97 mẫu được kiểm nghiệm đã có kết quả có 17 mẫu không đạt chiếm 17,53%. Các chỉ tiêu không đạt như: Hàm lượng một số vitamine như A, D, E, C hoặc hàm lượng khoáng chất như Canxi, hàm lượng vi chất dinh dưỡng như Acid forlic hoặc axitamine như Lysine HCL,... không đạt so với công bố.

Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra và các địa phương đã xử phạt hành chính đối với 140 cơ sở, trong đó cảnh cáo 36 cơ sở, phạt tiền 104 cơ sở với tổng số tiền phạt 1.056.566.000 đồng; thu hồi 10 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, 1 giấy xác nhận nội dung quảng cáo; đình chỉ hoạt động 16 cơ sở; đình chỉ lưu hành 105 sản phẩm do không đạt chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc hoặc có nhãn không đúng quy định; buộc tiêu hủy 60 loại sản phẩm; buộc thu hồi, tiêu hủy 150 loại tài liệu quảng cáo sai quy định.

Ngay sau khi phát hiện, xử lý các vi phạm như vừa nêu, Cục ATTP và các địa phương đã thông báo trên trang website của Cục và của địa phương. Đồng thời, các phương tiện thông tin đại đã đưa tin rộng rãi đến đông đảo người tiêu dùng để biết, lựa chọn sản phẩm thực phẩm an toàn.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm ATTP, Cục ATTP tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương duy trì và tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm. 

Đồng thời, Cục ATTP phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, Trường Cán bộ Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP cho các địa phương trong đó có việc thanh tra, kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TPCN nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm kém chất lượng của công ty CP Thế giới khoa học&tự nhiên

Ngày 6/7, VTV đưa tin, Cơ quan chức năng đã thu giữ hàng chục nghìn hộp thực phẩm chức năng nhãn hiệu Genki 6, Genki 9 và 4 Joint của công ty CP Thế giới khoa học và tự nhiên kém chất lượng.

Hai sản phẩm thực phẩm chức năng Genki 6 và Genki 9 được quảng cáo là có xuất xứ tại Mỹ và Nhật Bản. Theo công bố của nhà sản xuất, trong sản phẩm này, sâm Hàn Quốc là hoạt chất chính. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm tại Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho cho thấy, không phát hiện hoạt chất trên trong các sản phẩm này.

Đối với sản phẩm 4 Joint, hàm lượng glucosamin công bố là 215 mg/viên nhưng kiểm nghiệm chỉ đạt 156,6mg/viên. Hiện giá bán của hai sản phẩm này trên thị trường từ 500.000-560.000 đồng/hộp.

Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Chi cục quản lý thị trường Hà Nội và TP. HCM trong đó nhấn mạnh: “Đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng, chất chính là hoạt chất trong thành phần quyết định công dụng của sản phẩm”. Và như vậy, những sản phẩm này có thể coi là hàng giả.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng phòng Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để siết chặt quản lý thực phẩm chức năng. 

Hồng Anh