Honda Việt Nam sai phạm do không hiểu luật là "không thể chấp nhận"

29/04/2015 07:16
Mai Anh
(GDVN) - Theo Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc Honda Việt Nam đưa ra lý giải vì hiểu luật sai dẫn đến sai phạm là không hợp lý, sai này doanh nghiệp phải chịu.

Thông tin Bộ Tài chính quyết định truy thu, phạt Công ty Honda Việt Nam 182 tỷ đồng do phát hiện những sai phạm vừa qua không khiến dư luật bất ngờ.

Trước đó năm 2011 Công ty Honda Việt Nam từng bị Cục Hải quan Hà Nội đề nghị truy thu 3.340 tỷ đồng (tương đương 160 triệu đôla Mỹ) do vi phạm quy định linh kiện ô tô nhập khẩu không đảm bảo mức độ rời rạc của Quyết định số 05/2005/QĐ- BKHCN (không đáp ứng điều kiện để được phân loại và tính thuế theo linh kiện).

Cụ thể Honda Việt Nam đã không bóc tách linh kiện mà lồng vào nhau để né thuế. Ví dụ theo Quyết định 05, vành và bánh xe ô tô nhập khẩu của Honda phải ở tình trạng rời rạc để tính thuế nhưng doanh nghiệp này lại lót vào.

Tuy nhiên sau đó, Honda Việt Nam gửi văn bản đến Chính phủ “kêu oan”.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, lý giải của Honda Việt Nam cho rằng sai phạm là do không hiểu luật là không chấp nhận được. Anh không biết luật dẫn đến sai phạm thì anh cũng phải bị phạt.
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, lý giải của Honda Việt Nam cho rằng sai phạm là do không hiểu luật là không chấp nhận được. Anh không biết luật dẫn đến sai phạm thì anh cũng phải bị phạt.

Honda Việt Nam lý giải, sai phạm xuất phát từ cách hiểu luật hiện nay khác so với trước đây? Cũng trong văn bản gửi Chính phủ Honda Việt Nam nhấn mạnh nếu doanh nghiệp này bị tru thu số thuế như đề nghị của Cục Hải quan Hà Nội thì Honda sẽ xem xét lại vấn đề đầu tư tại Việt Nam.

Từ phản ứng của Honda Việt Nam với tư cách một doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đó là cách hành xử không chấp nhận được.

Theo Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, trong câu chuyện Honda Việt Nam có hai vấn đề. Thứ nhất một doanh nghiệp đi đầu tư ở bất kỳ nước nào không thể nói tôi không biết luật hay tôi hiểu không đúng luật của nước đó…

Bởi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều có đội ngũ luật sư am hiểu tường tận luật pháp mỗi nước họ định đầu tư. Doanh nghiệp sẽ không đầu tư vào bất kỳ đâu nếu không có luật sư đi trước tìm hiểu hệ thống pháp luật tại đó.

“Vì vậy lý giải của doanh nghiệp cho rằng sai phạm là do không hiểu luật là không chấp nhận được. Anh không biết luật dẫn đến sai phạm thì anh cũng phải bị phạt. Nó giống như việc vì không biết luật nên khi sang Việt Nam tôi lái xe không đi bên phải mà lại đi trái, khi đó tôi phải nộp phạt chứ không thể nói vì tôi không hiểu luật”, Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho biết.

Thứ hai khi đầu tư vào nước nào, doanh nghiệp cũng phải có hồ sơ đăng ký đầu tư, trong hồ sơ đó doanh nghiệp xin rất nhiều ưu tiên, ưu đãi những cái đó doanh nghiệp đầu tư thuộc lòng.

“Trong khi nói luật thuế anh không hiểu nhưng những ưu đãi, ưu tiên quyền lợi doanh nghiệp lại biết. Ở đây cho thấy mâu thuẫn trong chính cách lý giải của doanh nghiệp”, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Bên cạnh lý giải sai phạm do không hiểu luật pháp, việc doanh nghiệp đưa ra yêu sách theo kiểu nếu phạt tôi sẽ xem xét lại vấn đề đầu tư là không hợp lý.  

“Đặt lại vấn đề khi doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam họ xin ưu đãi, lấy đất xây dựng nhà xưởng, kèm theo cam kết đầu tư… Nhưng khi bị bắt lỗi lại đưa ra yêu sách nếu phạt sẽ thay đổi vấn đề đầu tư. Như vậy doanh nghiệp đòi luật pháp của chúng ta phải thay đổi theo ý doanh nghiệp nước ngoài”, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thẳng thắn chỉ ra vấn đề. 

Trên thế giới không đất nước nào chấp nhận phải sửa đổi luật của mình vì một doanh nghiệp đầu tư chứ chưa nói đến việc doanh nghiệp đó phạm pháp. 

“Còn doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư có thể họ thấy ưu đãi đầu tư chưa cao, chưa đủ hoàn toàn có quyền kiến nghị xin thêm ưu đãi. Còn nếu anh dọa người ta, nói nếu truy thu thuế anh sẽ coi lại đầu tư, việc coi lại vấn đề đầu tư là quyền của anh đâu cần anh phải nói.

Trước khi anh đầu tư vào bất kỳ nước nào đều phải tìm hiểu vấn đề ưu đãi, vấn đề thuế, hải quan… Còn nay anh phạm pháp anh lại hiên ngang nói tôi phạm pháp làm gì tôi thì làm đi và tôi sẽ xem xét lại vấn đề đầu tư và tôi đi, nói thế như cách uy hiếp là không hợp lý”, ông Thành cho biết. 

Thẳng thắn chỉ ra những vô lý của doanh nghiệp tuy nhiên Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, ở Việt Nam vấn đề khai báo giá không đúng nhằm chuyển giá là một kỹ năng lớn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Họ tìm cách tránh thuế, né thuế chứ không phải họ trốn thuế.

Tránh thuế và trốn thuế là hai chuyện khác nhau. Doanh nghiệp sẽ tìm tất cả kẽ hở của luật pháp Việt Nam, tránh nộp thuế tăng lợi nhuận luôn có trong suy nghĩ của doanh nghiệp. 

“Điều quan trọng cơ quan quản lý phải nhìn lại hệ thống pháp luật của Việt Nam xem kẽ hở pháp luật đang bị doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lợi dụng để kịp thời sửa đổi, bổ sung văn bản luật mới. Còn hiện nay rõ ràng vấn đề chuyển giá là có nhưng chúng ta phải chịu vì luật pháp của ta chưa chặt chẽ”, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định. 

Từ câu chuyện trong quá khứ với cách phản ứng của Honda Việt Nam, dư luận đang chờ xem liệu kịch bản cũ có lặp lại tron sự việc truy thù 184 tỷ đồng tiền thuế lần này.


Mai Anh