Hợp đồng 50 tỷ là lừa đảo hay móc ngoặc "ăn" tiền cổ phần hóa?

15/12/2017 09:40
Trúc Diệp
(GDVN)- Ai chống lưng cho bà Lành để bà này "chốt" giúp Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Hoàng Phát mua được cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước, giá tối đa là 1.1?

Ở những bài báo trước, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin về nữ doanh nhân có tên Nguyễn Thị Lành – sinh năm 1985, chỉ bằng tay trắng đã nhanh chóng trở thành người đứng đầu, nắm giữ 40-50% của nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Chưa hết, bà Lành cũng được cho là người có tài “hô biến” dự án bãi đỗ xe, vườn hoa quận Long Biên (Hà Nội) thành dự án trong đó có xây dựng biệt thự… Và cho đến nay vấn đề này chưa được các cơ quan chức năng của Hà Nội làm rõ, xử lý.

Mới nhất, theo tìm hiểu của phóng viên, bà Nguyễn Thị Lành đã ký một bản hợp đồng với Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Hoàng Phát, đại diện pháp luật là ông Nguyễn Viết Chi - Tổng giám đốc (gọi là bên A); có trụ sở chính là C6, phòng 108, phố Tô Hiệu, phường Nghĩa tân, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội từ tháng 10/2015. 

Một bên là bà Nguyễn Thị Lành (gọi là bên B) có hộ khẩu tại Quán Thánh, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. 

Hợp đồng giữa bà Nguyễn Thị Lành và Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Hoàng Phát.
Hợp đồng giữa bà Nguyễn Thị Lành và Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Hoàng Phát.

Điều kỳ lạ ở đây là trong hợp đồng bà Lành đã thỏa thuận một phi vụ làm ăn “động trời’’ có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng là “moi” tiền thông qua thoái vốn của một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng. 

Nội dung cụ thể: Trong hợp đồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật này, bà Nguyễn Thị Lành cam kết bỏ công sức và các giải pháp tối ưu nhất để đảm bảo cho ông Nguyễn Viết Chi được nhận chuyển nhượng trực tiếp 28% vốn Nhà nước của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Bộ Xây dựng tại Công ty Cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội theo chủ trương thoái vốn của Nhà nước; với giá tối đa theo giá thỏa thuận hai bên được "liều lĩnh" ghi trong hợp đồng là 1.1.

Hợp đồng 50 tỷ là lừa đảo hay móc ngoặc "ăn" tiền cổ phần hóa? ảnh 2

Lộ diện nữ doanh nhân “tai tiếng” của dự án bãi đỗ xe và nhà ở quận Long Biên

Trong hợp đồng còn quy định rõ: Bà Nguyễn Thị Lành tự nguyện bỏ ra 50 tỷ đồng để thực hiện cam kết trên; số tiền này do phía bà Lành tự hạch toán lỗ lãi và tự chịu trách nhiệm.

Sau khi ông Nguyễn Viết Chi đã mua được 28% vốn Nhà nước của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội theo giá 1.1 thì phải hoàn trả bà Nguyễn Thị Lành 50 tỷ đồng.

Số tiền này thanh toán làm 3 đợt:

Đợt một: 15 tỷ đồng trong vòng 60 ngày kể từ ngày Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Hoàng Phát nhận được chuyển nhượng trực tiếp 28% vốn nhà nước của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty cổ phần bê tông xây dựng Hà Nội.

Đợt hai: 15 tỷ đồng trong vòng 60 ngày kể từ đợt thanh toán lần 1.

Đợt ba: 20 tỷ đồng kể từ ngày trong vòng 60 ngày kể từ đợt thanh toán lần 2.

Và câu hỏi đặt ra lúc này là, đây là hợp đồng lừa đảo hay móc ngoặc "ăn" tiền nhà nước?

Theo nội dung các cam kết của các bên trong hợp đồng, chỉ bằng cách buôn bán “nước bọt’’, không hiểu núp sau một thế lực nào mà bà Lành tự tin cam kết giúp Công ty Cổ phần xây dựng và Đầu tư Hoàng Phát mua được số cổ phần trên của nhà nước, để lấy về 50 tỷ đồng?

Sau khi mua được 28% vốn Nhà nước của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội thì bà Lành nhận được 50 tỷ đồng.
Sau khi mua được 28% vốn Nhà nước của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội thì bà Lành nhận được 50 tỷ đồng. 

Những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước mặc dù được ưu ái, nhưng làm ăn thua lỗ liên tục, vay nợ ngân hàng khó trả. Có công ty thua lỗ kéo dài, nợ hàng ngàn tỷ đồng, nhưng trong các báo cáo thành tích hàng năm vẫn là “năm sau tăng trưởng hơn năm trước, đời sống công nhân ổn định…”.

Sau đó đã có nhiều giám đốc đã phải vào tù vì những hành vi lợi dụng chức quyền, tham ô tài sản nhà nước.

Để hạn chế tình trạng này, Đảng và Nhà nước đã có chủ trưởng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đây là chủ trương đúng đắn, tuy vậy trên thực tế lại có những người lợi dụng khe hở của pháp luật, lợi dụng chức quyền để lấy đi một lượng không nhỏ vốn nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

Vụ việc tìm cách mua lại cổ phần của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội giữa các cá nhân trên theo hợp đồng cũng đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường, vi phạm pháp luật.

Cụ thể hơn, trong hệ thống pháp luật về cổ phần hóa đã có quy định; trường hợp thoái vốn nhà nước trong các công ty cổ phần phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp trên phê duyệt, việc bán cổ phần phải công khai minh bạch và thông qua tổ chức đấu giá. 

Từ đây phải đặt ra câu hỏi: Việc thực hiện bán cổ phần của của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội chưa diễn ra, tại sao bà Nguyễn Thị Lành lại có thỏa thuận với Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Hoàng Phát là sẽ giúp công ty này mua được cổ phần với mức giá 1.1?

Vậy tổ chức, cá nhân nào đã thao túng để cho bà Nguyễn Thị Lành trở thành “chủ nhân”, có quyền khẳng định sẽ giúp đối tác mua được cổ phần của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội với giá 1.1? Hợp đồng này thực chất được tạo ra nhằm bắt tay A, B “moi” tiền nhà nước?

Trước dấu hiệu bất thường này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam kính đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật sớm vào cuộc để làm rõ và xử lý nghiêm những con “sâu mọt” đục khoét tiền của Nhà nước và nhân dân.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Trúc Diệp