Keangnam chuẩn bị hầu tòa

22/09/2014 12:58
Hồng Minh
(GDVN) - Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina - chủ đầu tư Tổ hợp tòa nhà Keangnam chuẩn bị hầu tòa vì hàng loạt sai phạm.

Trong 3 ngày (từ 26 – 29/9/2014) TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) sẽ đưa xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng bán căn hộ của 7 hộ dân mua nhà tại khu căn hộ Keangnam. Bị đơn là Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina (Công ty Keangnam Vina).

Keangnam Vina hầu tòa

Theo đó 7 hộ dân khởi kiện Công ty Keangnam Vina vì cho rằng công ty này đã ăn gian diện tích căn hộ và vi phạm thanh toán bằng ngoại tệ.

Cụ thể phản ánh trên Báo Đầu tư, bà Lê Xuân Hoa - nguyên đơn khởi kiện cho biết, khách hàng được nhận căn hộ không phù hợp với hợp đồng. Tháng 5/2011, sau khi khách hàng đã hoàn thành 100% nghĩa vụ thanh toán, Keangnam tiến hành bàn giao căn hộ, nhưng không bàn giao về diện tích, mà chỉ bàn giao về các trang thiết bị có trong căn hộ.

Quá trình bán nhà, Keangnam đã cung cấp thông tin không đầy đủ, không trung thực, dẫn đến khách hàng không thể phát hiện ra trong diện tích căn hộ đã bao gồm cả diện tích thuộc sở hữu chung như cột, tường, hộp kỹ thuật; không quy định tường, cột, hộp kỹ thuật là phần sở hữu chung như quy định của Luật Nhà ở; đã xóa bỏ các ký hiệu, chú thích về tường, cột, hộp kỹ thuật nằm trong căn hộ trên bản vẽ đính kèm hợp đồng.

Trong khi đó, theo Điều 225 Bộ luật Dân sự: “Phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung của tất cả các chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không thể phân chia”.

Mặc dù như vậy nhưng với cách thực hiện hợp đồng như ở Keangnam, chủ căn hộ cho rằng chủ đầu tư đã phân chia toàn bộ phần diện tích thuộc sở hữu chung nằm trong căn hộ để bán cho khách hàng mà không hề thông báo rõ cho khách hàng biết. Trung bình mỗi căn hộ đã phải trả tiền cho khoảng 15% diện tích là phần thuộc sở hữu chung, từ đó dẫn đến căn hộ hình thành trên thực tế thiếu diện tích so với hợp đồng.

Từ nghi vấn trên, chủ căn hộ đã  thuê một đơn vị địa chính chuyên nghiệp có chức năng đo đạc đến kiểm tra lại diện tích căn hộ. Kết quả cho thấy nhiều căn hộ diện tích thực bị thiếu, cá biệt có căn hộ thiếu đến gần 10 m2.

Với giá bán trung bình khoảng 3.000 USD/m2, nếu số diện tích căn hộ bị thiếu là chính xác rõ ràng chủ các căn hộ tại tòa nhà Keangnam phải chịu thiệt quá lớn

Lý do thứ hai khiến nhóm khách hàng khởi kiện do chủ đầu tư đã quy định trong hợp đồng giá bán căn hộ và giá trị các đợt thanh toán bằng ngoại tệ là đô la Mỹ và khi thanh toán thì quy đổi ra tiền Việt. Điều này đã vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo khách hàng, trong 10 căn hộ ký với chủ đầu tư, có 4 hợp đồng đã thanh toán bằng USD (Keangnam có phiếu thu ngoại tệ). Hành vi này của chủ đầu tư đã bị Ngân hàng Nhà nước kết luận tại Công văn số 7178 ngày 14/9/2011 là “vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối…”.

Nhiều lần bị xử phạt

Tại Kết luận số 7178/NHNN-QLNH ngày 14/9/2011 của Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý vi phạm của Công ty Keangnam chỉ rõ: Hành vi định giá bằng ngoại tệ trong các hợp đồng mua bán căn hộ trước tháng 8/2010 của Công ty Keangnam Vina là vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam tại điều Điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, cần bị xử lý như các trường hợp vi phạm tương tự của các công ty kinh doanh bất động sản khác.

Tại thời điểm Keangnam ký hợp đồng với khách hàng (bắt đầu từ tháng 8/2008), Pháp lệnh Ngoại hối đã được ban hành (năm 2005). Trong đó, tại Điều 22 về hạn chế sử dụng ngoại hối đã quy định rõ: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”. Như vậy, mọi giao dịch được hiểu là tất cả các giao dịch (từ định giá, ký hợp đồng) đều không được thực hiện bằng ngoại hối.

Trước đó, tháng 8/2009 sau khi để xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn khiến 4 công nhân thiệt mạng, sau khi điều tra Cơ quan CSĐT Công an huyện Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án theo điều 229 Bộ luật Hình sự với tội danh “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư tòa nhà Keangnam cũng bị cơ quan thuế phanh phui, làm rõ chiêu trò chuyển giá trốn thuế. Theo Tổng cục Thuế, để thực hiện chuyển giá, Keangnam Vina đăng ký lập DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. Sau đó, công ty ký hợp đồng chìa khóa trao tay với bên liên kết là nhà thầu nước ngoài để xây dựng các hạng mục công trình với giá rất cao rồi báo cáo lỗ lớn để không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tính từ năm 2011, khi tòa nhà Keangnam đi vào vận hành, doanh thu của công ty này lên tới hơn 5.000 tỉ đồng thì điệp khúc lỗ vẫn tái diễn. Và theo những thông tin được cơ quan Thuế đưa ra, số lỗ này lại được chính Keangnam Vina “đạo diễn” khi bỏ ra số tiền lớn hơn mức bình thường, sẵn sàng vay những khoản vay có với lãi suất cao hơn nhiều lần lãi suất thị trường để triển khai dự án toà nhà Keangnam.

Hồng Minh