Khách hàng nên thường xuyên kiểm tra tiền gửi trong tài khoản

03/04/2018 06:12
Trinh Phúc
(GDVN) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: "Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng".

Người tiêu dùng khiếu nại mất tiền trong một số tài khoản tiết kiệm thời gian gần đây, cho thấy lỗ hổng trong bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Khi vay tiền ngân hàng luôn có hợp đồng bảo vệ chặt chẽ, nhưng ngược lại khi gửi tiền, người gửi nhận được sổ tiết kiệm đơn giản, không có điều khoản nào bảo vệ quyền lợi, khi tranh chấp, người gửi ở thế yếu, không có thông tin gì, thông tin toàn ngân hàng nắm giữ.

Trước thực trạng này cơ quan quản lý có giải pháp gì tăng cường quyền lợi người gửi tiền, qua đó củng cố niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng?

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (ảnh chinhphu.vn).
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (ảnh chinhphu.vn).

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng: “Hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm hay cho vay tổ chức tín dụng với khách hàng là hoạt động ngân hàng tuân theo văn bản pháp luật hướng dẫn đầy đủ.

Ngân hàng nhà nước có văn bản, quy định rõ về quy trình, trình tự, thủ tục nhận tiền gửi khách hàng, trong đó quy định rõ trách nhiệm các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi là công khai minh bạch.

Quy trình gửi tiết kiệm, đến hạn trả đủ lãi gốc cho người gửi, đặc biệt phải chịu trách nhiệm lỗi vi phạm để bị lợi dụng dẫn đến mất tiền do tổ chức mình gây ra”.

Khách hàng nên thường xuyên kiểm tra tiền gửi trong tài khoản ảnh 2Gửi tiền an toàn – Bài toán không hề khó

Bà Hồng cho biết thêm: “Hằng năm, Ngân hàng nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ bảm đảm an toàn các hoạt động, trong đó có quy trình nhận tiền gửi.

Với một số vụ mất tiền, Ngân hàng nhà nước đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực phối hợp với khách hàng, các cơ quan chức năng khác để đưa ra phương án xử lý bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp người gửi tiền”.

Cuối cùng Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh: “Ngân hàng nhà nước cũng khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các tổ chức tín dụng, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi.

Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng chiếm đoạt tài sản của khách hàng”.

Trường hợp khách hàng bị mất tiền mới nhất xảy ra tại Eximbank.

Sáng 26/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét trụ sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ 229 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Đến gần 13h cùng ngày, quá trình khám xét hoàn tất, Cơ quan Công an đã bắt giữ hai nữ nhân viên phòng khách hàng đưa về trụ sở do có liên quan đến vụ đại gia mất 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 4 nhân viên Eximbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Bốn người này bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an khởi tố để điều tra vì đã có hành vi giúp sức ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đã bỏ trốn) chiếm đoạt tiền của ngân hàng này.

Theo đó, các bị can gồm: Hồ Ngọc Thủy (32 tuổi), Nguyễn Thị Thi (40 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (34 tuổi) và Trần Nguyễn Xuân Lan (37 tuổi).

Trong đó Thủy và Thi bị bắt tạm giam ngày 26/3. Trâm và Lan được cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra theo quy định pháp luật.

Ông Lê Nguyễn Hưng bị cáo buộc đã chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng C.T.B rồi bỏ trốn. Lê Nguyễn Hưng đã dùng thủ đoạn để rút tiền ở sổ tiết kiệm của bà B. từ năm 2014-2016.

Năm 2017, do nghi ngờ, bà B. kiểm tra số dư sổ tiết kiệm đã phát hiện mất 245 tỷ đồng. Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; khởi tố bị can Lê Nguyễn Hưng và phát lệnh truy nã đối với bị can này.

Tại một chi nhánh khác của Eximbank, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An (PC46) đã có kết luận trong vụ án: ''Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'' xảy ra tại Phòng giao dịch Ngân hàng Eximbank Đô Lương - Chi nhánh Vinh thuộc Eximbank.

Theo đó, Nguyễn Thị Lam (sinh năm 1987) là nhân viên ngân quỹ Eximbank Đô Lương đã đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối hàng chục khách hàng ký lệnh chi, ký khống chi ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Lam đã rút ruột 50 tỷ đồng của khách hàng gửi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho biết, theo thông lệ quốc tế về ngân hàng, khi khách hàng gửi tiền mà xảy ra sự cố thì ngân hàng chịu trách nhiệm đền tiền cho khách hàng ngay lập tức.

Sau đó, ngân hàng mới tính đến động thái xem xét hành vi của các nhân viên, trừ trường hợp khách hàng cấu kết với nhân viên ngân hàng nhằm trục lợi.

Trinh Phúc