Khách sạn, resort tự phong 5 sao để “chém” khách chục triệu/đêm

28/05/2012 15:39
Theo Quế Hà/ Thanh Niên
Nhìn bảng giá, chúng tôi giật mình vì phòng loại rẻ nhất ở đây cũng 5 - 6 triệu đồng/đêm; còn phòng trung bình giá từ 9 - 11 triệu đồng/đêm. Riêng phòng đẹp có giá từ 17 - 20 triệu đồng/đêm
Không hề được cơ quan chức năng công nhận nhưng nhiều khách sạn (KS), khu nghỉ mát (resort) ở Bình Thuận vẫn tự rao trên mạng đạt tiêu chuẩn 4-5 sao để đánh lừa du khách.

Resort không sao, hét giá 5 sao
Tại một resort được quảng cáo “5 sao” ở đường Nguyễn Đình Chiểu (P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận), khi chúng tôi thử liên hệ đặt 25 phòng, đạt tiêu chuẩn 5 sao cho đoàn du khách ở 3 ngày 2 đêm, cô lễ tân nhanh nhảu nói: “Anh có cần em đưa đi xem phòng không. Resort chúng em là 5 sao, vừa được một tập đoàn quốc tế nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng đứng ra điều hành”. Cô lễ tân chỉ vào bảng giá và nói: “Đây chỉ là giá niêm yết thôi, chúng em có thể chi lại cho anh 25 - 30%”.
Theo ông Hoàng Văn Toàn, ngành du lịch không quản lý giá phòng. Giá phòng là các DN tự đưa ra, sau đó báo cáo ngành thuế dựa vào đó để thu thuế. Điều này cho thấy giá bán phòng ở các resort hiện nay đang bị thả nổi. Du khách không biết đâu mà lần.
Nhìn bảng giá, chúng tôi giật mình vì phòng loại rẻ nhất ở đây cũng 5 - 6 triệu đồng/đêm; còn phòng trung bình giá từ 9 - 11 triệu đồng/đêm. Riêng phòng đẹp có giá từ 17 - 20 triệu đồng/đêm. Theo quan sát, dù chiếm ưu thế mặt tiền biển Hàm Tiến ở khu vực khá đẹp, nhưng resort này (khai trương khoảng hơn 2 năm nay) cũng không có gì đặc biệt so với hàng trăm resort ở Phan Thiết. Trao đổi với ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở VH - TT - DL, về vấn đề này, ông Toàn khẳng định resort đó chưa có tên trong danh sách các khu nghỉ dưỡng được xếp hạng ở Bình Thuận. Thậm chí, chưa có hồ sơ trình Sở thẩm định xếp hạng. "Vì vậy mọi quảng cáo “5 sao” đều là giả mạo", ông Toàn nói. Tại Bình Thuận, Tổng cục Du lịch chỉ công nhận duy nhất KS đạt tiêu chuẩn 5 sao, đó là Sealinks Hotel. “Ngoài ra, bất cứ KS nào tuyên bố đạt “5 sao” đều là tự phong”, ông Toàn khẳng định.
Theo danh sách của Sở VH - TT - DL Bình Thuận, trên địa bàn hiện nay có 1 KS đạt tiêu chuẩn 5 sao; 15 KS, resort đạt 4 sao và 12 KS, resort đạt 3 sao. Tuy nhiên, trên website của nhiều hãng lữ hành phong hàng loạt KS ở Bình Thuận đạt 4 sao, thậm chí 5 sao.

Chẳng hạn như trên website của Công ty ChuDu24 (Q.1, TP.HCM) thông báo danh sách ở Mũi Né có đến 28 resort 4 sao. Ngay cả resort Anantara (L’Anmien cũ - TP.Phan Thiết) và D’Annam resort (H.Hàm Thuận Nam) còn được trang web này gắn “5 sao” và so sánh với những KS danh tiếng như PalmGarden của Hội An (Quảng Nam).
Du khách thiệt thòi

Với kiểu quảng cáo vô tội vạ này, du khách không thể biết đâu mà lường. Ngay cả ông Hoàng Văn Toàn cũng nhìn nhận, khu vực ven biển phía nam của Bình Thuận từ Phan Thiết vào đến Hàm Tân, chưa có KS hay resort nào đạt tiêu chuẩn 3 sao (chỉ có 3 resort đạt 2 sao). Thế nhưng, trên trang quảng cáo của các hãng lữ hành đưa khách đến nghỉ ở đây toàn tuyên bố 3 sao, 4 sao, thậm chí một resort ở Kê Gà còn tự phong là “5 sao”.

Resort Anantara (P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết) chưa được xếp hạng nhưng được một vài trang web phong là “5 sao”. Ảnh: Quế Hà.
Resort Anantara (P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết) chưa được xếp hạng nhưng được một vài trang web phong là “5 sao”. Ảnh: Quế Hà.

Anh Lê  Ngọc Hữu, một viên chức ở Q.7 (TP.HCM), đưa gia đình ra nghỉ mát tại một resort ở Mũi Né, tâm sự: "Tôi đặt phòng trên mạng, thấy họ rao là tiêu chuẩn 4 sao, phòng đẹp giá 1,6 triệu đồng/đêm (đã giảm giá). Nhưng khi ra ở và chứng kiến tôi mới thất vọng.

Ngoài vẻ đẹp tự nhiên của biển, resort này không có một thứ gì đặc biệt. Dịch vụ khá tầm thường, dù thưa khách nhưng nhân viên phục vụ chậm chạp và thiếu thiện cảm. Nhưng lỡ đặt phòng rồi phải ở hết 2 đêm. Chắc chắn lần sau có đi Mũi Né, tôi sẽ không bao giờ đến resort này nữa".

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho rằng có nhiều KS, hay resort xây dựng nhiều phòng (trên 70 phòng) nên họ tự ghi là “4 sao”, giá mềm, để câu khách. Khi khách đến ở mới biết là mình bị lừa vì chất lượng quá tệ. Đây là một hình thức kinh doanh không lành mạnh đang phổ biến ở Mũi Né. “Những resort tự gắn sao làm cho du khách thiệt đủ đường. Từ giá cả đến chất lượng dịch vụ, thậm chí mua cái bực mình vào thân. Một resort 3 sao giá phòng trung bình hiện nay khoảng 2 triệu đồng/phòng/ngày nhưng khi "gắn" 4 sao thì giá phòng được đẩy lên 3 triệu đồng/phòng/ngày. Còn resort tự "phong" 5 sao phải 5 triệu, có khi đẩy giá lên 7 - 8 triệu đồng. Chúng tôi cũng rất bức xúc vì hiện nay trên nhiều trang web các hãng lữ hành tự tiện phong “sao” cho những resort ở Phan Thiết - Mũi Né”, ông Bình nói.
Theo Quế Hà/ Thanh Niên