Kho cà phê thế chấp 7 ngân hàng: Trường Ngân có dấu hiệu lừa đảo

06/12/2013 09:15
Liễu Phạm (Nguồn VTV)
(GDVN) - "Cùng một tài sản mà công ty Trường Ngân lại thế chấp cho nhiều ngân hàng khác nhau. Đồng thời, giá trị tài sản lại thấp hơn giá trị vay. Như vậy, trong trường hợp này, công ty Trường Ngân đã có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định ở điều 179, Bộ luật Hình sự", luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương Luật cho biết.
Như thông tin đã đưa, ngày 3/12, các cơ quan thi hành án Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bất ngờ tuyên bố cưỡng chế kho hàng cà phê của công ty Trường Ngân dựa trên bảng thỏa thuận giữa công ty Trường Ngân và ngân hàng Phương Dông (OCB) đã được tòa án quận 4 TP.HCM công nhận. Việc thi hành án đã bước sang ngày thứ 3, tuy nhiên, sự việc đang vấp phải nhiều sự phản ứng của 6 ngân hàng còn lại dựa trên tài sản thế chấp là kho cà phê này. Cụ thể là các ngân hàng: Ngân hàng Quân đội (MB), VIB, Agribank, Hàng Hải, Vietinbank, Techcombank. Tài sản trong khi còn lại khoảng 3.360 tấn cà phê trị giá hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền mà các ngân hàng đã giải ngân là số hàng đảm bảo dựa trên số cà phê này lên đến hơn 600 tỷ đồng. Thực tế ghi nhận của PV, cà phê trong kho rất nhiều bao bên trong chỉ chứa vỏ cà phê và rác. Quá trình thi hành án đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các bên có liên quan.
Kho của Công ty Trường Ngân bị cưỡng chế, cà phê được chuyển lên xe tải đưa ra khỏi kho ngày 3/12.
Kho của Công ty Trường Ngân bị cưỡng chế, cà phê được chuyển lên xe tải đưa ra khỏi kho ngày 3/12.
Theo thông tin từ Techcombank, ngân hàng này đã đem vụ việc khởi kiện tại tòa án quận 4 vào thời điểm tháng 3 năm nay và đã được tòa thụ lý. Án phí đã được đóng và có biên nhận. Thế nhưng sau đó vào tháng 6/2013, tòa án lại ra phán quyết công nhận quyền phát mãi tài sản của OCB tại kho cà phê của công ty Trường Ngân được cho là tài sản trong diện tranh chấp.  Được biết ngoài OCB,  Techcombank không phải là ngân hàng duy nhất khởi kiện Trường Ngân ra tòa án quận 4. Trước hiện tượng trên, luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương Luật cho rằng: “Ít nhất trong trường hợp này, tòa án nhân dân quận 4 phải xác nhận hai vụ án này thành một, hoặc đưa Techcombank với tư cách là người liên quan để giải quyết. Bên cạnh đó, phía tòa án cũng phải xem xét số tài sản thực tế mà công ty Trường Ngân đang thế chấp để tìm xem các ngân hàng khác có liên quan đến việc thế chấp tài sản hay không để đưa họ vào với tư cách người có nghĩa vụ liên quan”.
Nhiều bao cà phê trong kho của công ty Trường Ngân phát hiện chứa vỏ và rác.
Nhiều bao cà phê trong kho của công ty Trường Ngân phát hiện chứa vỏ và rác.
Nói về khả năng đòi được nợ của các ngân hàng, luật sự Công cho rằng: “Khả năng thu nợ của các ngân hàng khác là hoàn toàn có thể. Trong trường hợp này, với quyết định vi phạm bộ luật tố tụng thì quyết định trên của tòa án quận 4 sẽ bị tòa án hoặc Viện kiểm soát tối cao TP.HCM hủy theo thủ tục, giám đốc thẩm. Sau đó sẽ quay trở lại theo quy định sơ thẩm ban đầu. Trong trường hợp đó, tất cả những người có liên quan sẽ trở thành người liên quan trong vụ án. Với tư cách là người liên quan, họ có quyền xem xét quyền lợi hợp pháp của mình”. Trước thực trạng nhiều bao cà phê trong kho hàng của công ty Trường Ngân chỉ có vỏ và rác, nói về thủ tục cho vay của các ngân hàng, ông Công cho biết: Nhiều tổ chức tín dụng không phát hiện ra được việc chồng lấn giữa việc đã có công ty cho Trường ngân vay và nhận thế chấp từ một kho cà phê. Như vậy, ngân hàng đã có sự sai sót trong quy định về tín dụng. Nói về trách nhiệm của công ty Trường Ngân, luật sư Công nêu quan điểm: Cùng một tài sản mà công ty Trường Ngân lại thế chấp cho nhiều ngân hàng khác nhau. Đồng thời, giá trị tài sản lại thấp hơn giá trị vay. Như vậy, trong trường hợp này, công ty Trường Ngân đã có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định ở điều 179, Bộ luật Hình sự.

Chiều ngày 5/12, ngân hàng OCB đã gửi thông cáo báo chí và nêu rõ, OCB phủ nhận quan điểm của một số ngân hàng liên quan cho rằng: Quyết định của tòa án quận 4 về việc cho phép OCB xử lý tài sản đảm bảo là chưa hợp lý.

Cơ  sở của sự phủ nhận này là có sự khác nhau giữa phương thức nhận tài sản bảo đảm giữa các ngân hàng. OCB đã nhận bảo đảm bằng lô hàng hóa cụ thể theo nguyên tắc: Tiền vào hàng ra. Bên cạnh đó, một số ngân hàng nhận bảo đảm theo nguyên tắc vô cùng rủi ro trong quản lý tín dụng là phương thức thế chấp hàng tồn kho luân chuyển.

Liễu Phạm (Nguồn VTV)