"Khóc ròng" vì sổ bảo hành giả của Yamaha

31/05/2012 13:27
Bài, ảnh: Hà Nhi
(GDVN) - Mua chiếc xe Nozza Yamaha chính hãng với giá 32,5 triệu đồng nhưng khi đem xe ra đại lý Yamaha tại Hà Nội bảo hành thì khách hàng lại bị từ chối, với lý do sổ bảo hành giả.
Xe Yamaha đi chưa đầy 1 tháng đã trục trặc

Mang tâm trạng hoang mang về tình trạng mua xe Yamaha gặp phải sổ bảo hành giả, phản ánh đến ban Bảo vệ Người tiêu dùng, báo Giáo Dục Việt Nam, chị Nguyễn Thị L (nguyên quán tại Thanh Miện, Hải Dương) cho biết: Ngày 15/4/2012, chị có mua một chiếc xe Yamaha Nozza tại cửa hàng Ân Hiển, thị trấn Thanh Miện, Hải Dương với số tiềnf 32.500.000 đồng cùng một sổ bảo hành màu đen được giới thiệu là chính hãng. Tuy nhiên, sau một tháng sử dụng, chị L. phát hiện xe bị giật khi lên ga, đồng thời có cảm giác hao xăng, xe ì khi nổ ga...

Đơn phản ánh gửi ban Bảo vệ Người tiêu dùng, báo Giáo Dục Việt Nam của chị Nguyễn Thị L. (quê ở Hải Dương).
Đơn phản ánh gửi ban Bảo vệ Người tiêu dùng, báo Giáo Dục Việt Nam của chị Nguyễn Thị L. (quê ở Hải Dương).


Chị L. muốn đi kiểm tra máy móc chiếc xe mới nên đã đến một đại lý chính hãng của Yamaha trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Tại đây, các nhân viên sau khi xem giấy tờ của chị L. đã lắc đầu từ chối bảo hành với lý do: Sổ bảo hành của chiếc xe không phải của chính hãng Yamaha.

“Tôi hết sức bất ngờ về việc trên, vì trước khi mua xe, tôi đã nói với chủ cửa hàng rằng: Tôi mua xe để mang lên Hà Nội làm việc và họ đã cam kết: Sổ này có thể bảo hành trên toàn quốc. Vậy mà…”, chị L hoang mang.

Theo ghi nhận của pv báo Giáo Dục Việt Nam, sổ bảo hành mà chị L. đang sở hữu có màu đen, phía trên có logo màu đỏ kèm chữ Yamaha, phía dưới có dòng chữ ghi tên công ty – đại lý bán lẻ. Xét về mặt nhận diện thương hiệu, sổ bảo hành này khác xa so với sổ bảo hành loại mới của Yamaha.

Mặt bìa và mặt phía sau của sổ bảo hành giả (sổ bảo hành của riêng đại lý, không có phạm vi sử dụng trong toàn quốc) mà chị Nguyễn Thị L. đã mua tại Hải Dương
Mặt bìa và mặt phía sau của sổ bảo hành giả (sổ bảo hành của riêng đại lý, không có phạm vi sử dụng trong toàn quốc) mà chị Nguyễn Thị L. đã mua tại Hải Dương


Trên website của công ty Yamaha Motor Việt Nam có ghi rõ: Cấu trúc sổ bảo hành chính hãng của Yamaha bao gồm có bìa sổ, bên trong bìa sổ có 12 tờ, cụ thể như sau: - 1 tờ đăng ký bảo hành, - 1 tờ phiếu kiểm tra trước khi giao xe, - 1 tờ theo dõi việc thay dầu cùng ghi chú khác và - 9 tờ phiếu bảo dưỡng định kỳ miễn phí.

Tùy vào sản phẩm mà khách hàng mua thuộc dòng xe nào, phía bên ngoài bìa sổ sẽ in hình mẫu chiếc xe đó, kèm theo ô ghi số máy ở phía dưới.

Yamaha từ chối trách nhiệm, đại lý “ém” sổ thật

Ngay sau khi nhận được phản ánh của khách hàng tên Nguyễn Thị L., pv báo Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện công ty Yamaha Motor Việt Nam. Kiểm tra số khung, số máy của chiếc xe mà chị L. đang sở hữu, Yamaha thừa nhận: Đó là xe chính hãng của công ty.

Tuy nhiên, Yamaha từ chối trách nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo hành và bảo dưỡng định kỳ miễn phí khi sổ bảo hành không phải do Yamaha cung cấp kèm theo xe.

Ông Đồng Văn Tự, phòng chăm sóc khách hàng của Yamha cho biết: Xe của chị L. mua lại từ một đại lý tư nhân, không phải là đại lý chính hãng của Yamaha. Bởi lẽ các đại lý chính hãng của Yamaha luôn giao đúng sổ bảo hành chính hãng cho khách.

Một số mẫu sổ bảo hành mới của công ty Yamaha Motor Việt Nam. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mỗi khách hàng khi mua xe cần chủ động yêu cầu đại lý bán xe đăng ký và cung cấp sổ bảo hành thật.
Một số mẫu sổ bảo hành mới của công ty Yamaha Motor Việt Nam. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mỗi khách hàng khi mua xe cần chủ động yêu cầu đại lý bán xe đăng ký và cung cấp sổ bảo hành thật.

Với trường hợp của chị L., Yamaha chỉ có thể hỗ trợ bằng cách kiểm tra thông tin trên hệ thống, còn việc đòi lại quyền lợi chính đáng, Yamaha cho biết: chị L. phải tìm đến đại lý bán lẻ - nơi mà chị L. đã mua xe để đòi lại sổ.

Ông Tự nói: “Với các đại lý tự phát, chúng tôi không thể kiểm soát được, họ không có trách nhiệm gì với Yamaha và Yamaha cũng không có trách nhiệm gì với họ… Một năm hãng bán ra được bao nhiêu xe, nếu khách hàng nào cũng điện thoại lên (đòi quyền lợi – pv) như thế thì làm sao giải quyết hết được!”.

Không tìm được sự trợ giúp từ công ty Yamaha, chị L. buộc phải quay lại “cầu cứu” đại lý bán lẻ - cửa hàng Ân Hiển. Ban đầu, cửa hàng này khăng khăng đó là sổ thật, khách hàng nếu cần sửa chữa gì thì đem xe về cửa hàng (tại Thanh Miện, Hải Dương), họ sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng.

Mua chiếc xe Nozza Yamaha chính hãng với giá 32,5 triệu đồng nhưng khi đem xe ra đại lý Yamaha tại Hà Nội bảo hành, khách hàng Nguyễn Thị L. lại bị nhân viên Yamaha từ chối với lý do sổ bảo hành giả.
Mua chiếc xe Nozza Yamaha chính hãng với giá 32,5 triệu đồng nhưng khi đem xe ra đại lý Yamaha tại Hà Nội bảo hành, khách hàng Nguyễn Thị L. lại bị nhân viên Yamaha từ chối với lý do sổ bảo hành giả.


“Nói vậy, chẳng khác gì đánh đố tôi. Tôi đang làm ở Hà Nội, giờ phải đi xe máy về quê, nhà xa, vừa đi lại mất thời gian, vừa nguy hiểm, xe bị trục trặc giữa đường thì làm thế nào. Chẳng nhẽ cứ mỗi lần muốn bảo hành, tôi lại phải lặn lội hàng trăm cây số để đem xe về, như thế thật sự quá vất vả và thật bất công!” – chị L. than thở.

Qua tìm hiểu, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam phát hiện: Giới buôn bán xe máy thường đưa ra 2 loại giá khác nhau trên thị trường: Nếu muốn mua xe với giá rẻ hơn so với các đại lý chính hãng từ 1 - 1,5 triệu đồng thì bên mua phải chấp nhận xe không có sổ bảo hành chuẩn. Còn nếu muốn có sổ thật thì phải trả tiền với giá đắt hơn.

Theo một chủ buôn xe tại Hải Dương cho biết: Trị giá của một cuốn sổ bảo hành thật khoảng 200.000 đồng.

“Trong khi giá ngoài thị trường là 33.900.000 đồng cho một chiếc Nozza thì chị L. chỉ phải mua với giá 32.500.000 đồng, như vậy, chắc chắn cửa hàng Ân Hiển đã mua xe vào với giá rẻ và không kèm sổ bảo hành thật”.

Sau khi báo chí vào cuộc, cửa hàng Ân Hiển đã thừa nhận: Họ mua xe từ một đầu mối phía trên khác và đầu mối này cũng không giao sổ chính hãng cho họ. “Nếu giờ khách hàng yêu cầu, chúng tôi sẽ liên hệ và lấy lại sổ cho khách”.

Sau đó 2 ngày, báo Giáo Dục Việt Nam nhận được tin: chị L. đã được hoàn lại sổ chính hãng cùng với lời cảm ơn sâu sắc Quý báo đã nhiệt tình giúp đỡ chị đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Có thể thấy, trường hợp này không hề hiếm gặp. Nhiều khách hàng do chủ quan hoặc không để ý hoặc chưa nắm rõ thông tin, rất dễ mua xe và được giao sổ bảo hành giả, nói đúng hơn là sổ riêng của đại lý bán hàng (chỉ có tác dụng với đại lý đó, chứ không phải sổ bảo hành chính đãng dùng trong phạm vi toàn quốc).

Trước đó, báo Giáo Dục Việt Nam cũng đã từng giúp đỡ, giải quyết cho một trường hợp của anh Tăng Văn H. (quê quán tại Thái Bình) khi mua xe gặp sổ bảo hành “giả” của Honda.

Đại diện truyền thông của Honda cũng khuyến cáo: Khách hàng nên tìm mua sản phẩm ở các cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm (Head), để nhận được tất cả các quyền lợi thay vì mua tại các đại lý bán lẻ đang phân bố rộng rãi trên thị trường.

Bạn đã khi nào gặp trường hợp tương tự hoặc có những bức xúc về các sự cố tiêu dùng trong cuộc sống? Vui lòng gửi ý kiến của bạn vào ô phản hồi cuối bài, hoặc điện thoại tới đường dây nóng: 0938.766.888; (04) 66846399 hoặc gửi Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng cảm ơn!
Bài, ảnh: Hà Nhi