Khởi tố nhiều doanh nghiệp “ma”, làm giả hồ sơ nhập khẩu phế liệu

28/12/2018 10:09
Vũ Phương
(GDVN) - Tổng cục Hải quan đã khởi tố 4 doanh nghiệp, Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 doanh nghiệp, Hải quan An giang khởi tố 7 đối tượng liên quan đến buôn lậu phế liệu.

Ngày 27/12, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của ngành Hải quan năm 2018.

Ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thông tin, năm 2018, số vụ vi phạm pháp luật Hải quan tăng so với cùng kỳ năm 2017, trị giá hàng hóa vi phạm tăng cao.

Cụ thể, từ 16/12/2017 đến 15/12/2018, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý: 16.633 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 1.702 tỷ đồng (tăng 115%).

Cơ quan Hải quan đã khởi tố 62 vụ; Chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 133 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 351 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017).

Các vụ việc vi phạm diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện quốc tế...

Trong đó, nổi lên là hoat động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, động vật hoang dã, hàng hóa đã qua sử dụng... Đặc biệt là hoạt động nhập khẩu, vận chuyển trái phép phế liệu, gây ô nhiễm môi trường, gây ùn ứ ở các cảng biển, khiến cho các ngành, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý.

Ông Nguyễn Khánh Quang cho biết, sử dụng giấy tờ người đã mất để thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích buôn lậu khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu để xử lý. Ảnh: V.P
Ông Nguyễn Khánh Quang cho biết, sử dụng giấy tờ người đã mất để thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích buôn lậu khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu để xử lý. Ảnh: V.P

Cũng theo lãnh đạo Cục Cục Điều tra chống buôn lậu, năm 2018, vấn nạn doanh nghiệp ma vẫn hết sức nhức nhối và ngày càng tinh vi. Nhiều doanh nghiệp dùng cả chứng minh thư, giấy tờ tùy thân của người đã chết, người khuyết tật... để đăng ký thành lập, sau khi nhập hàng hóa trót lọt thì bỏ khỏi địa chỉ đăng ký...

Đối tượng buôn lậu có thể làm giả toàn bộ giấy tờ để buôn lậu. Về mặt hình thức rất đầy đủ. Rất khó phát hiện.

Ví dụ một doanh nghiệp Việt Nam khai hồ sơ có quan hệ thương mại với một công ty nước ngoài. Hải quan mời công ty nước ngoài đó thì mới biết doanh nghiệp Việt Nam không hề có ký kết với nước ngoài như đăng ký.

Hơn nữa, doanh nghiệp tinh vi còn làm giả hết giấy tờ, thậm chí con người đi khai cũng không phải là người của doanh nghiệp đó.

Tại sao sử dụng giấy chứng minh, giấy tờ tùy thân của người khác mà cơ quan vẫn cấp phép. Đó là nguyên nhân của doanh nghiệp ma. Đây là thủ đoạn rất mới.

Đáng nói là tình trạng làm giả hồ sơ, nhất là hồ sơ nhập khẩu phế liệu hết sức phức tạp. Đến nay, Hải quan đã khởi tố nhiều vụ việc liên quan đến buôn lậu phế liệu, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đoàn Văn Phúc - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bến Tre và Trương Văn Em - Chi cục Trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Bến Tre về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hai bị can nêu trên liên quan đến vụ nhập lậu 10 nghìn container phế liệu vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Khánh Quang cũng nhấn mạnh: “Năm qua Hải quan đã rất tích cực làm, nhưng nếu làm nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa sẽ còn phải khởi tố thêm nhiều đối tượng trong việc nhập khẩu phế liệu.

Cơ quan Hải quan đã khởi tố 4 doanh nghiệp, Hải quan Hải phòng khởi tố 2 doanh nghiệp, Hải quan An Giang khởi tố 7  đối tượng cá nhân có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu vi phạm pháp luật”.

Thông tin từ Cục điều tra chống buôn lậu, tính chung trong năm qua, Hải quan đã xác lập và triệt phá thành công chuyên án VT18 đấu tranh làm rõ hành vi sử dụng giấy tờ giả để nhập khẩu trái phép tổng cộng trên 22.300 tấn phế liệu, trị giá ước tính khoảng trên 50 tỷ đồng từ nước ngoài vào Việt Nam qua các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, việc sử dụng hồ sơ giả không dễ gì phát hiện, nhất là sự lỏng lẻo trong cấp giấy phép của ngành tài nguyên môi trường.

Lô hàng phế liệu không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu bị phát hiện tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Báo Hải quan
Lô hàng phế liệu không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu bị phát hiện tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Báo Hải quan

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thời gian qua nhiều doanh nghiệp nhập phế liệu về Việt Nam nhằm mục đích kinh doanh là vi phạm pháp luật, biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ phế thải, vậy trách nhiệm thuộc về cơ quan nào.

Về việc này, ông Nguyễn Khánh Quang cũng thẳng thắn cho biết: “Đối với việc nhập khẩu phế liệu vi phạm pháp luật thời gian qua trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan Tài nguyên và Môi trường.

Bởi Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp một số loại giấy tờ về phế liệu, doanh nghiệp mới được phép nhập phế liệu.

Điều kiện rất quan trọng là nhập để sản xuất chứ không phải kinh doanh. Nhập để sản xuất phải có nhà xưởng, máy móc, nhưng những doanh nghiệp đó cơ quan Hải quan phát hiện doanh nghiệp không có nhà xưởng, không đáp ứng được yêu cầu vẫn được cấp phép”.

Vũ Phương